Truyện Tây du ký – Kỳ 1: Giải mã bí mật nhân vật TÔN NGỘ KHÔNG *

Ngộ Không chỉ cúi mình trả lời một tiếng: “Chính Lão Tôn đây!”. Thái độ ngang tàng của Tôn trước mặt Ngọc Hoàng trong thế giới thần thoại đã phản ánh một cách khái quát sự khinh miệt của nhân dân lao động đối với quyền quý và chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến, phản ánh yêu cầu và nguyện vọng của họ: Dân chủ, bình đẳng.

Khi Tôn Ngộ Không biết mình được phong làm Bật Mã Ôn chỉ là việc lừa dối, Tôn bèn bừng bừng lửa giận, đánh ra cửa Nam Thiên. Thiên Đình điều binh khiển tướng đến đánh, kết quả bị Tôn Ngộ Không đánh cho tơi bời, tán loạn như hoa trôi nước chảy. Từ đấy, Tôn Ngộ Không lặng lẽ, dứt khoát dựng cờ hiệu, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, chống lại Thiên Đình.

Trời là vương quốc của Thần, là tượng trưng của thế lực thống trị cao nhất; Tôn Ngộ Không lại dựng lên cờ hiệu Tề Thiên Đại Thánh việc ấy chứng tỏ Tôn tự coi mình ngang với Trời, quyết không chịu sự cai quản của thế lực thống trị trên Thiên Quốc. Tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không lúc bấy giờ so với lúc náo Long Cung, náo Âm phủ lại tiến lên một bước nữa.

Kẻ thống trị ở trên đời sợ uy lực lớn lao của Tôn Ngộ Không, không thể không thừa nhận Tôn là Tề Thiên Đại Thánh được, ấy là lần thứ hai Trời lừa Tôn Ngộ Không lên Thiên Quốc.

Tôn Ngộ Không lên Thiên Cung, vẫn hiềm vì bị người quản thúc, cuộc sống không được tự do, cho nên giả ngây giả dại. Không lâu, Tôn lại náo động Thiên Cung một mẻ rối tùng phèng nữa, sau đó lại ra khỏi thiên môn.

Thiên Đình tốn hết sức lực mới bắt được Tôn, nhưng không có cách nào giết nổi Tôn. Tôn bị bỏ vào trong lò Bát Quái mà Thái Thượng Lão Quân đang luyện thuốc. Lò ấy luyện được bảy bảy bốn mươi chín ngày; nhân lúc Lão Quân mở lò để lấy thuốc, Tôn liền nhảy vọt ra, trèo lên lò Bát Quái. Lão Quân đến bên toan tóm bắt, bị Tôn xô ngã lộn nhào. “Lập tức rút ở trong lỗ tai ra cây gậy Như ý vung trước gió, thân cây gậy tròn xòe to bằng cái chén, cứ thế nắm ở trong tay, không biết hay dở, lại đại náo Thiên Cung, đánh cho chín diệu tinh phải đóng chặt cửa cổng, bốn Thiên Vương không còn bóng dáng nữa”.

Ghế Ngọc Hoàng trước mắt cũng nghiêm ngả không yên. May sao có Như Lai đến cứu. Tôn Ngộ Không bèn nói trắng với Như Lai: “Kẻ mạnh là cao quý, phải nhường cho ta: Anh hùng chỉ thế đây, ai dám tranh hơn!”. Và lại nói: “Người ta thường bảo: Ngôi hoàng đế luân lưu, sang năm đến lượt ta! Chỉ cần bảo với hắn (chỉ Ngọc đế) dọn đi nơi khác, đem Thiên Cung nhường cho ta là xong, nếu không nhường, nhất định ta đánh phá mãi không yên!”

Đến đây, tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không phát triển lên đến cùng tột, không những muốn là Tề Thiên mà lại muốn cướp quyền thống trị Thiên Đình; đề ra khẩu hiệu phản kháng triệt để nhất lúc bấy giờ là lật đổ nền thống trị của Ngọc Hoàng, như thế thật sung sướng biết nhường nào! Khí phách anh hùng biết nhường nào.

Trong chuyện đại náo Thiên Cung, tác giả Tây du ký đã tạo nên hình tượng chói lọi của kẻ phản kháng triệt để, ấy là hình tượng Tôn Ngộ Không. Tôn bạo dạn đi tìm lý tưởng, can đảm phá tan quy củ cũ, không thừa nhận bất cứ uy quyền nào của kẻ thống trị vương quốc Thần, tin tưởng vào lực lượng của mình, mưu nắm lấy vận mệnh của mình.

Tôn dùng phép thần náo động cả ba giới (trời, biển, đất) hoàn toàn làm rối loạn trật tự của vương quốc Thần, Thiên Đình, cái nơi được coi là Thần Thánh bất khả xâm phạm, đứng trước sự xung kích của lực lượng hùng mạnh của Tôn Ngộ Không đã hoàn toàn bộc lộ chân tướng con hổ giấy già, ngoài thì oai nghiêm mà trong thì yếu hèn.

Thiên Cung của vương quốc Thần là tượng trưng của vương triều phong kiến ở nhân gian: Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung là sự khái quát cao độ bằng tưởng tượng cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại vương triều phong kiến.

Ở bẩy hồi đầu Tây du ký, tác giả đã tả Tôn Ngộ Không đại náo ở ba giới Long Cung, Âm Phủ và Thiên Cung mà không tả Tôn đại náo ở nhân gian. Tác giả, một mặt đem kẻ thống trị ở Long Cung, Âm Phủ, Thiên Cung tả rõ ra là những kẻ u mê như thế kia; một mặt coi các triều đình ở nhân gian như không có trong trời đất này, đánh một dấu hỏi để độc giả tự tìm tòi suy nghĩ. Việc đó không thể bảo là không ngụ ý một cách sâu sắc.

Tôn Ngộ Không là một hình tượng lý tưởng hóa, là hóa thân của lý tượng và nguyện vọng của nhân dân lao động trong xã hội phong kiến. Cuộc đấu tranh của Tôn không thu được thắng lợi cuối cùng; Tôn không hất được Ngọc Hoàng khỏi ngôi báu. Tôn Ngộ Không tuy có phép cân đẩu vân một bước đi xa được mười vạn tám nghìn dặm, nhưng lại không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ Như Lai nên phải chịu nhốt dưới núi Ngũ Hành.

Cái kết cục khiến người ta than tiếc ấy đã khái quát như lối ngụ ngôn tấn bi kịch lịch sử của những cuộc khởi nghĩa nông dân bị thất bại trong xã hội phong kiến. Tác giả đã ca tụng tinh thần đấu tranh phản kháng triệt để của Tôn Ngộ Không nhưng vì bị hạn chế bởi thời đại và giai cấp nên đã khoe khoang quá mứ thế lực của giai cấp thống trị.

Tác giả cho rằng dù là cuộc đấu tranh phản kháng dũng cảm nhất, triệt để nhất, cũng không thoát khỏi được lưới thống trị ấy. Ở một mức độ nhất định, tác giả đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng chính thống phong kiến, tư tưởng định mệnh, không lối thoát nên chỉ xếp đặt được kết cục như vậy.

Việc đại náo Thiên Cung chỉ chiếm bảy hồi trong một trăm hồi của Tây du ký, nhưng là bảy hồi sáng láng, rực rỡ, thể hiện được đầy đủ tinh thần phản kháng triệt để và lý tưởng cách mạng của nhân dân, có đủ nhân dân tính mạnh mẽ.

*

Tây du ký, từ bảy hồi đầu trở đi, lại chuyển vào chuyện đi lấy kinh. Xét theo sự phát triển của Truyện, đấy là bước ngoặt. Ở đây, việc đi lấy kinh tượng trưng cho sự lần mò đi tìm một lý tưởng; phản ánh nguyện vọng mãnh liệt của nhân dân mưu toan tìm cách thoát khỏi hiện thực khổ cực.

Việc đi lấy kinh là sự kiện trung tâm của các sách Thủ kinh thi thoại Thủ kinh tạp dịch, tác giả Tây du ký, lợi dụng việc ấy làm một đường dây để miêu tả việc khắc phục tám mươi mốt tai nạn, việc đi lấy kinh được coi là mục đích của tác phẩm, vốn là một cái gì cực kỳ mở ảo: Cái được tác giả mô tả chủ yếu lại là những cuộc chiến đấu khẩn trương, quyết liệt để đạt tới mục đích ấy. Những cuộc chiến đấu này thật thiết thực, rõ ràng.

Tác phẩm thực sự cho thấy mục đích đi lấy kinh không trọng yếu bằng sự lỗ lực lớn lao phải bỏ ra để đạt tới mục đích ấy. Vì thế, chúng ta cần phân tích ý nghĩa tư tưởng của chuyện đi Tây Thiên lấy kinh: Trọng điểm phải đặt vào sự đấu tranh của bọn Tôn Ngộ Không vì muốn đến được Tây Thiên. Đã phải đấu tranh với bao nhiêm yêu ma quỷ quái trên đường đi.

Trong quá trình đi Tây Thiên lấy kinh, Tôn Ngộ Không đã đấu tranh để quét trừ bọn yêu ma. Ý nghĩa hiện thực của cuộc đấu tranh trong thế giới tưởng tượng ấy là ở chỗ: Tuy biết tự mình không lật đổ được ách thống trị tối cao của vương triều phong kiến, nhưng cứ phải tiếp tục đấu tranh để diệt sạch những thế lực tàn ác của vương triều phong kiến đương tác yêu tác quái, trực tiếp tàn hại nhân dân trong xã hội.

Tôn Ngộ Không không thoát được khỏi bàn tay Phật Như Lai, bị nhốt ở dưới núi Ngũ Hành, cái đó tượng trưng sự thất bại của cuộc đấu tranh phản kháng triệt để. Nhưng Thiên Đình cũng phải nếm đủ mọi sự lợi hại của Lão Tôn. Biết rằng Lão Tôn không phải là người thích sinh sự nên Thiên Đình đã thỏa hiệp và nhượng bộ đối với Tôn Ngộ Không.

Trên đường đi lấy kinh, để chống lại sự phản kháng của Tôn, đã có vành Khẩn Cô Nhi siết lấy đầu Tôn, nó tượng trưng cho thế lực thống trị. Nhưng Tôn Ngộ Không lại không đầu hàng triều đình, trở thành đầy tớ cho Phật Tổ, Ngọc Hoàng, để mặc họ sai khiến. Trái lại Tôn lại đòi từ sơn thần, thổ địa, long vương, công tào, trực nhật, thiên binh, thiên tướng để mình sai khiến; thậm trí cả Phật Tổ, Ngọc Hoàng cũng phải phục vụ Tôn.

Để đấu phép với yêu ma, Tôn Ngộ Không lại đòi Ngọc Hoàng cho mượn Trời để đóng cửa độ nửa giờ và đánh tiếng rằng: “Nếu hé nửa tiếng “Không”, thì lập tức điện Linh Tiêu đầy binh đao”. Ngọc Hoàng chỉ còn biết y theo thôi (hồi thứ 33). Tiếp xúc với Thần, Phật, Tôn đều có thái độ khinh miệt và giễu cợt. Ví như ở hồi thứ 51 lúc đi qua núi Kim Đâu, Tôn Ngộ Không đấu phép với con Tỷ quái, bị mất gậy bịt vàng; Tôn Ngộ Không biết con Tỷ quái nhất định lại là hung tinh nào đó ở trên trời xuống hạ giới để tác quái, liền đi tìm Ngọc Hoàng “Hỏi tội cai quản không nghiêm”. Gặp Ngọc Hoàng, Tôn Ngộ Không liền hướng tới chào to mà rằng: “Chào lão quan, phiền ngài, phiền ngài!”. Khi gặp Phật Tổ, Tôn liền đêm ngay Phật làm trăm thứ trò cười. Ví như ở hồi thứ 77, qua động Sư Đà, núi Sư Đà, gặp ba con ma độc ác, Ngộ Không tìm được Phật Như Lai, nói với Phật rằng: “Bạch Như Lai, tôi thấy người ta nói giống yêu kia có họ với Phật đấy!”. Lại nói: “Bạch Như Lai, nếu so thứ bậc ra, thì người lại là cháu ngoại yêu tinh cơ đấy”. Tôn không nể nang chút nào, lột mặt nạ những kẻ gọi là tôn quý thống trị trên Trời, đem chúng ra làm trò cười, trêu giễu chúng, đùa cợt chúng. Ở Tôn Ngộ không thật tuyệt nhiên không có bóng dáng “mặt đầy tớ, chân con hầu”, cúi luồn nịnh hót. Ở trước mặt Thần, Phật, Tôn luôn luôn giữ thái độ ngão nghễ anh hùng.

Việc đó khái quát tinh thần bất khuất của nhân dân lao động trong xã hội phong kiến, tha thiết yêu tự do, không cam chịu bất cứ sự áp bức nào, luôn luôn ngạo nghễ đối với giai cấp thống trị phong kiến. Việc đấu tranh của Tôn Ngộ Không trên đường đi lấy kinh là kế tục việc đấu tranh của Tôn khi đại náo Thiên Cung, có điều là phạm vi đấu tranh có hạn chế; phương thức và phương pháp đấu tranh có thay đổi.

Trên đường đi lấy kinh, Tôn Ngộ Không đã mở rộng cuộc đấu tranh ngoan cường với bon yêu ma. Những yêu ma tưởng tượng này phản ánh một hiện thực đương thời là những những thế lực hung ác của phong kiến. Bọn ấy đều trực tiếp cấu kết với giai cấp thống trị thượng tầng như Hoàng Bào Lão Yêu là Khuê Mộc Lang Tinh ở trên trời; Kim Giác Đại Vương, Ngân Giác Đại Vương ở núi Bình Đính là hai đồng tử trông coi lò thuốc của Thái Thượng Lão Quân; Độc Giác Tỷ Đại Vương ở động Kim Đâu là con trâu xanh của Thái Thượng Lão Quân…

Tôn Ngộ Không, với trí tuệ và lòng dũng cảm phi thường đã chiến đấu ngoan cường, để chiến thắng từng yêu quái một, rẫy sạch những thế lực hung ác tần hại nhân dân. Đó chính là thiện đã chiến thắng ác, sáng đã chiến thắng tối, phản ánh rõ nguyện vọng của nhân dân.

Thứ nữa, những thần quái yêu ma trong Tây Du ký không những hiện thân một số lực lượng xã hội mà còn nhân cách hóa một số lực lượng thiên nhiên. Tôn Ngộ Không đi lấy kinh, không những đã thể hiện lý tưởng của nhân dân lao động chiến thắng thế lực hung các của xã hội trong cuộc đấu tranh giai cấp mà lại cũng đã thể hiện lý tưởng của nhân dân lao động chiến thắng tự nhiên, chinh phục tự nhiên trong công cuộc sản xuất. Còn như bọn Ngọc Hoàng, Long Vương, Diêm Vương trên vương quốc Thần trên Trời chẳng những là bóng tối của kẻ thống trị phong kiến trong xã hội hiện thực mà cũng là chúa tể của sức tự nhiên đã được thần hóa trong tưởng tượng của con người. Tôn Ngộ Không đã chiến thắng những thần quái yêu ma ấy cũng chính là Tôn đã chiến thắng được thiên tai địch họa…

… Trong suốt nhiều cuốn sách, tính cách của Tôn Ngộ Không đã giữ được tính thống nhất. Đi Tây Thiên lấy kinh là tính cách của Tôn phát triển liên một bước, chứ không phải là phủ định tinh thần phản kháng khi đại náo Thiên Cung.

Tôn Ngộ Không trước sau vẫn là người anh hùng đã được lý tưởng hóa cao độ. Tôn không sợ Trời, không sợ đất, Tôn có tinh thần chiến đấu phản kháng hết thảy sự áp bức của thống trị, kiên quyết khắc phục hết thảy các khó khăn; có trí tuệ và sức mạnh vô cùng; có phẩm chất cao quý, chí công vô tư, tha thiết yêu anh em, đồng tình và giúp đỡ những kẻ nhỏ yếu bị hại. Tất cả những cái đó đều là cái mà nhân dân lao động vốn có, đồng thời lại là cái đã được lý tưởng hóa đến cao độ.

Tinh thần phản kháng, ngạo nghễ, bất khuất, đánh đổ hết thảy của Tôn Ngộ Không là chĩa mũi nhọn nhằm vào giai cấp thống trị phong kiến, đều có ý nghĩa tiến bộ rất lớn. Tính cách của Tôn là tích cực, hình tượng của Tôn mãi mãi được thiếu niên nhi đồng yêu thích, rất có tác dụng với sự hình thành nhân cách của các em. Chúng ta phải giải thích chính xác cho các em hiểu rõ điều kiện lịch sử đã sản sinh ra hình tượng đó và vận dụng một cách đúng đắn hình tượng đầy đủ màu sắc thần kỳ này để giúp cho thiếu niên nhi đồng phát triển ý chí không sợ khó khăn, ngoan cường đấu tranh để kiến thiết Tổ Quốc, bảo vệ Tổ Quốc.

(Trích lời mở đầu truyện Tây Du Ký – Nhà xuất bản Văn học)

* Tiêu đề bài viết do VNQ đặt

Bạn có thể quan tâm tới bài viết Truyện TÂY DU KÝ – Bí ẩn được giải mã!

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *