Vương Duy (Đường) (699 – 759)
Qua chùa Hương Tích
Chẳng hay Hương Tích ở nơi đâu
Mấy dặm mây lồng ngọn núi sâu
Cổ thụ quạnh hiu đường cỏ vắng
Chuông chùa văng vẳng chốn khe sâu.
Suối tuôn róc rách len dòng đá
Thông nhốm lạnh lùng xế bóng câu
Thanh thoát cõi lòng, đầm nước lặng
Độc long hàng phục phép thiền mầu.
*
Thơ hỏi thăm Hồ cư sĩ cùng bị bệnh, đồng thời khuyên người học Phật
Một niệm dính bụi trần
Thế gian ta có thân
Kiếm tìm nơi ba cõi
Cái gì gọi ngã nhân?
Cố chấp cho là chủ
Có không mấy xuân thu
Gột tâm bỏ mê hoặc
Ngộ đạo thoát phàm phu.
Vì ái khổ phải tham
Nghèo đói bởi lòng tham
Sắc thinh không vọng tưởng
Huyền diệu giác bất phàm.
*
Ngồi một mình đêm thu
Đêm buồn thờ thẫn nhớ tóc mai
Nhà trống canh hai lệ tuôn dài
Mưa tuôn hoa trái sầu rơi rụng
Đèn tỏ côn trùng luẩn quẩn bay.
Tóc trắng mong đen nào ước được?
Thuốc tiên muốn luyện khó cầu thay
Tuổi già suy yếu ai nào cưỡng
Học Phật vô vi nguyện ước này.
*
Ngày hè qua chùa Thanh Long thăm Thiền sư họ Thao
Chùa có chuông rồng sư lão ông
Bước vào trước cửa vấn Thiền tông
Nghĩa tâm muốn hỏi nghĩa gì nhỉ?
Không bệnh đâu là có chứa Không?
Trời đất núi sông ngày trước mắt
Pháp thân thế giới ẩn bên trong
Lạ chi những việc mưa với nắng
Bình thản mặc đời cơn gió giông.
– Trích từ “Toàn Đường thi”
*
Vương Duy (王维; 699 – 759), biểu tự Ma Cật (摩诘), hiệu Ma Cật cư sĩ (摩诘居士), là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông là người tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông.
Trong Phật giáo có Duy Ma Cật kinh, là kinh sách do Duy Ma Cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Do tập trung về Phật giáo, ông được người đời gọi là Thi Phật (詩佛).
Cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ và Thi Quỷ Lý Hạ, Vương Duy có biệt danh Thi Phật đã tạo nên hiện tượng Thánh – Tiên – Phật – Quỷ cùng xuất hiện trong giai đoạn cực thịnh của thơ Đường. Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã.
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 2 tháng 2: Tặng người may áo; Chốn núi sâu