Bài thơ Thêm Một – nhà thơ Trần Hòa Bình

Bài thơ Thêm Một của nhà thơ Trần Hòa Bình luôn được dư luận quan tâm. Ông là một nhà thơ được nhiều độc giả biết đến. Dù ông không nhiều thi phẩm nhưng tất cả chúng lại được sự quan tâm đặc biệt từ độc giả. Nổi bật nhất chính là bài thơ Thêm Một. Ông đã gửi gắm những ý nghĩa và chiêm nghiệm cuộc đời vào trong bài thơ của mình. Thi phẩm này được nhiều nhà bình luận văn học đánh giá cao. Điệu hồn của ông đã chạm đến muôn trái tim của bạn đọc. Cùng chúng tôi đi cảm nhận thi phẩm này nhé!

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết…


Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – phiền toái thay!
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – lắm điều hay


Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc!


Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!


Nhận thêm một thiếp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết…


Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay…

Chỉ với một bài thơ “Thêm một” đã đủ làm nên tên tuổi một nhà thơ lẫy lừng. Mà cái lẫy lừng này gần như là “báu vật trời cho” như lời Trần Hoà Bình từng kể: “Hết một giờ dạy, tôi đang lững thững thả bộ trên đường về nhà thì bỗng có một chiếc lá vàng từ đâu đó đáp xuống bờ vai và bài thơ THÊM MỘT cứ thế mà… ra, liền một mạch”.

Tất nhiên, với nhiều người, nếu có chiếc lá vàng nào đó đáp xuống bờ vai thì người ta có thể gạt xuống đất hoặc là mặc kệ; nhưng với người có tố chất thi sĩ bẩm sinh như Trần Hoà Bình thì cuộc đời có thêm một bài thơ hay. Ngoài bài thơ này, Trần Hoà Bình còn có hàng chục bài thơ khác, nhưng có điều lạ, Trần Hoà Bình chưa in một tập thơ nào.

Chưa in tập thơ nào nhưng vẫn là một nhà nhà thơ nổi tiếng, trong khi có người in tới 9 tập thơ thì vẫn… vô danh! Thế mới biết, nghệ sĩ thì phải có tài, mà đã có tài thì chẳng cần bận tâm về số lượng… đầu sách!

Đã có rất nhiều lời bình về bài thơ này và dĩ nhiên, lời bình nào cũng có cánh. Có người bảo, với một bài thơ hay thì viết thế nào cũng hay, bởi chỉ khen thôi, mà khen thì dễ quá còn gì? Tôi không cho là vậy, bởi khen đúng còn khó hơn chê đúng vì cái dở thường lộ liễu hơn cái hay. Giống như người con gái đã đẹp lại có duyên, cái duyên ấy thường kín đáo, phải tinh lắm mới phát hiện ra. Ở đây, tôi chỉ xin bàn góp về một trong những cách tiếp cận bài thơ.

Không kể hai câu thơ cuối cùng (thực ra là nhắc lại hai câu ở đầu khổ 2), bài thơ có 5 khổ thì chỉ khổ 1 có nội dung đồng thuận với tên bài thơ THÊM MỘT, 4 khổ còn lại (chủ yếu là các khổ 3, 4, 5) có nội dung “phản biện” lại nội dung ở khổ 1, tức là nói đến cái mặt trái của THÊM MỘT. Thực chất, ba khổ thơ 3, 4, 5 có thể đặt tên là BỚT MỘT – LẮM ĐIỀU HAY!

Thử bớt đi “một lời dại dột”, một “chút lầm lì”, “một người thứ ba”, “một lời hứa”, “một thiếp cưới” “một đêm trăng tròn” thì cuộc sống liệu có tốt đẹp hơn không? Không ai dám chắc cả!

Tương quan thêm/bớt trong bài thơ là: 2 – 6, tức là chỉ có 2 cái thêm là hay, còn 6 cái thêm là dở. Hai cái thêm là hay đều thuộc về thiên nhiên (lá rụng, chim gù), sáu cái thêm là dở thì chỉ có một cái thêm thuộc về thiên nhiên (trăng tròn), còn lại năm cái là do con người gây ra. Nếu qui ước hay là dương, dở là âm thì kết quả sẽ là: thiên nhiên 1 dương, con người 4 âm.

Như vậy, hầu hết những “phiền toái” trong cuộc đời này đều do con người gây ra cho nhau cả thôi, xin chớ đổ vạ cho trời! Đây là tầng nghĩa hàm ẩn rất sâu sắc của bài thơ, nó là một cái duyên ngầm khiến ta ngây ngất với một người con gái đẹp và một bài thơ hay.
Chưa hết, ngay trong ba khổ thơ “phản biện” lại có một cái “phản biện của phản biện”, đó là hai câu thơ mà tôi cho là hay nhất của bài thơ:

” Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết ”

Trăng tròn – Trăng khuyết là qui luật của tự nhiên, nó được vận vào con người với ý nghĩa là: những thiếu sót, những khuyết tật, những mất mát, những tổn thương… và sự nuối tiếc. Thêm một đêm trăng tròn tức là một đơn vị thời gian đã trôi qua rất nhanh, con người cũng lớn lên và già đi rất nhanh.

Lớn lên và già đi về thể xác thôi, chứ còn tâm tính và tâm hồn thì sao? Thì Lại thấy mình đang khuyết, tức là mặc cảm xấu hổ về cái mà người ta gọi là “chỉ có những đứa trẻ rất già, chứ không có người lớn”! Tâm tính thì thất thường, tâm hồn thì cằn cỗi. Không có cách gì để trở lại hồn nhiên như con trẻ. Vậy là ta sẽ “khuyết” như một vết trượt dài… Phải chăng đây cũng là một qui luật nghiệt ngã của cuộc sống?!

Thêm Một là một thi phẩm hay được người đời yêu thích và ca ngợi bởi ngòi bút tài hoa và đặc sắc của ông. Qua bài thơ ta cảm nhận được một hồn thơ mới mẻ đầy những suy tưởng và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Ta càng thêm yêu cây bút tinh tế của nhà thơ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

Theo Baithohay.com

Bạn cũng có thể thích..

2 Bình luận

  1. Trịnh Công Minh says:

    Góp vui với bạn bằng vài dòng suy nghĩ về bài thơ “Thêm một”

    Sau khi đọc xong bài thơ “Thêm một” của nhà thơ Trần Hòa Bình, tôi thấy đây là một cuộc tình dang dở điển hình. Nhà thơ miêu tả cuộc tình này theo đúng trình tự thời gian.

    Khổ đầu tiên miêu tả khi cuộc tình chớm nở. Đôi tình nhân đi bên nhau, cảnh vật thật là lung linh, huyền diệu.
    “Thêm một chiếc lá rụng
    Thế là thành mùa thu
    Thêm một tiếng chim gù
    Thành ban mai tinh khiết…”

    Khổ thứ hai không nói về cuộc tình nữa, mà nhà thơ đưa ra một sự khảng định: Tình yêu thật lắm phiền toái, nhưng cũng lại lắm điều hay.
    “Dĩ nhiên là tôi biết
    Thêm một – phiền toái thay!
    Nhưng mà tôi cũng biết
    Thêm một – lắm điều hay”
    Khổ thơ này như một sự rào trước đón sau của nhờ thơ, báo hiệu một loạt các sự kiện sắp xẩy ra trong cuộc tình.

    Khổ 3, 4 và 5, các sự kiện diễn ra dồn dập. Những lời nói dối, những phút lầm lỳ, những giọt nước mắt rồi người thứ ba và biết bao lời hứa là bấy nhiêu nghi ngờ. Rồi đầy thì phải đổ, chuyện gì tới cũng phải tới, cao trào của chuỗi sự kiện này là khi “Nhận thêm một thiếp cưới”. Ôi còn gì đau khổ hơn khi người yêu đi lấy chồng, rồi còn mời mình tới dự. Đọc tới đây tôi chợt nhớ tới bài hát “Vợ người ta” của nhạc sỹ Phan Mạnh Quỳnh. Thật chua sót.

    Hai câu cuối của khổ năm thật tuyệt vời.
    “Thêm một đêm trăng tròn
    Lại thấy mình đang khuyết…”

    Nó miêu tả tâm trạng thất tình thật là tài tình. Chàng trai ngồi một mình trong đêm trăng tròn, nhớ lại những phút giây hạnh phúc bên người yêu mà lòng quặn đau. Người ta thường ví người con gái đẹp như trăng mười sáu, nó tròn đầy và trong trẻo. Nhưng giờ đây, dù ánh trăng có tròn, có sáng đẹp bao nhiêu thì lòng mình vẫn khuyết. Thật đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

    Hai câu cuối là lúc nỗi đau vì cuộc tình dang dở đã nguôi ngoai.
    “Dĩ nhiên là tôi biết
    Thêm một – lắm điều hay…”

    Nhà thơ nhận ra rằng, cuộc tình dang dở kia có khi lại chính là sức mạnh, là thức ăn cho tâm hồn người nghệ sỹ. Nếu không có cuộc tình dang dở đó thì làm sao có mình ngày hôm nay. Có lẽ tác giả “Thêm một” cũng cùng suy nghĩ với nhà thơ Hồ Dzếnh trong hai câu thơ rất nổi tiếng trong bài thơ Ngập ngừng:

    “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
    Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”

    1. Cảm ơn anh nhé ,nhờ bình luận của anh mà em hiểu hơn về cái cách mà tác giả muốn gửi gắm qua những câu thơ này ạ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *