Lâm Giang Tiên
Dương Thận (Minh) (1488 – 1599)
Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Sóng vỗ cơ đồ bỗng hóa không
Thịnh suy thành bại anh hùng vắng
Núi xanh lặng tiễn ánh dương hồng.
Tiều phu ngư phủ trên sông đó
Xuân gió trăng thu mấy độ trông
Một vò rượu nhạt vui hội ngộ
Cổ kim vạn sự nụ cười ngông!
— Trích từ “Nhị thập nhất sử đàn từ”
*
Mộng Giang Nam
Khuất Đại Quân (Minh) (1630 – 1696)
Nhìn trông một chiếc lá rơi
Đương xuân lá rụng người ơi buồn gì
Lá kia dẫu đến rồi đi
Người kia biệt tích, xuân thì lệ tuôn.
Lá rơi để lại nỗi buồn
Người về hoa nở, đã buông ánh rèm
Ngắm cành hoa giữa màn đêm
Lá hoa đều rụng lặng êm theo dòng.
– Trích từ “Trung Hoa thi từ”
*
Dương Thận (1488-1559) tự là Dụng Tu, hiệu là Thăng Am, là nhân vật chính trị và nhà văn nổi tiếng đời Minh, Trung Quốc. Ông đậu tiến sĩ hạng nhất năm Chánh Đức thứ 6 đời Minh Võ Tông và là người người đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên) duy nhất đậu Trạng Nguyên dưới triều nhà Minh. Dương Thận tính tình cương trực, gặp việc thì nói thẳng, nên vào đời Minh Thế Tông năm Gia Tĩnh thứ 3 bị biếm đến Vân Nam và mất ở nơi này sau hơn ba mươi năm đi đày. Đến năm Thiên Khải đời Minh Hi Tông (1621-1627) mới được truy phong “Văn Hiến”. Trứ tác của ông còn để lại trong “Thăng Am Tập”.
Lâm Giang Tiên – Tiên trên bến sông là bài từ của ông viết để mở đầu khai quyển cho Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
*
Khuất Đại Quân 屈大均 (1630-1696) còn có tên Thiệu Long 邵龍, tự Tao Dư 騷餘, Ông Sơn 翁山, Giới Tử 介子, hiệu Phi Trì 非池, là học giả, văn học gia, thi nhân người Phiên Ngung, Quảng Đông cuối Minh đầu Thanh.
Ông cùng Trần Cung Duẫn 陳恭尹, Lương Bội Lan 梁佩蘭 được gọi là Lĩnh Nam tam đại gia 嶺南三大家. Thơ văn ông phong phú, sáng tác nhiều nhưng bị Ung Chính, Càn Long huỷ bỏ, người đời sau gom góp lại có Ông Sơn thi ngoại 翁山詩外, Ông Sơn văn ngoại 翁山文外, Ông Sơn dịch ngoại 翁山易外, Quảng Đông tân ngữ 廣東新語, cùng Tứ triều thành nhân lục 四朝成仁錄 hợp xưng Khuất Đà ngũ thư 屈沱五書.
Bài viết bạn có thể quan tâm: