Nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải”, Ông là “ông lão, ông già”, Tái Ông là “ông già sống gần biên ải”. Tái Ông thất mã là một một câu chuyện đầy kịch tính và hết sức thú vị. Nó trở thành một bài học rất đáng chiêm nghiệm và suy ngẫm trong cuộc đời. Thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: TL
Sách Hoài nam tử chép rằng: Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may”. Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Anh em láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó”.
Cầu được ước thấy! Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!”. Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái. Quả là “trong phúc có hoạ”, “trong hoạ lại có phúc”. Sự đời thật khó mà lường.
Dĩ nhiên, chuyện Tái Ông chỉ là một trường hợp lạ, hiếm hoi. Nhưng qua chuyện này, người ta muốn ngụ ý một triết lí: Sự đời may rủi thất thường, hãy bình tĩnh mà chiêm nghiệm và suy xét. Mất chưa hẳn là mất, mất cũng chưa hẳn là mất tất cả, vì vậy chớ có nản lòng, nhụt chí. Có khi chính từ sự mất mát, tai ương kia lại là tiền đề đem lại cho ta một điều may mắn cũng nên.
Ngược lại, chớ vui với điều may mắn nhãn tiền. Không khéo thì rất có thể rủi ro sẽ đến từ điều tưởng là hay đó. Đây cũng là bài học về chữ “Nhẫn” trong cuộc sống.
Ngựa Tái Ông được dùng nói tới cả phúc lẫn hoạ. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nói tới Tái Ông mất ngựa thì dân gian muốn giả định có một tai hoạ đã xảy ra với một ai đó và đừng lấy đó mà quá buồn đau, sầu thảm. Sự đời công bằng sẽ trả lại cho ta điều tốt lành. Cách nói này trở thành lời động viên, an ủi người gặp nạn. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp ngược lại (may thành rủi), nhưng ít gặp hơn. Có lẽ trong ý thức của người Việt Nam chúng ta, trước tai hoạ của người khác, người ta thường dành những lời an ủi, động viên giúp anh em bạn bè tự tin vượt qua sóng gió (Thôi thì của đi thay người, đừng buồn! Trong cái rủi có cái may bạn ạ…). Đó là một nét đẹp cộng đồng mang tính nhân văn:
Tái Ông mất ngựa? Đừng lo
Dịp may đang đến, đang chờ ngoài kia…
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)