Câu chuyện kể về lần đầu tiên Tử Lộ đến bái kiến Khổng Tử. Mục đích của lần bái kiến này Tử Lộ muốn kiểm chứng lời đồn đại xa gần về đức tài của thầy. Nhưng cả ba lần bái kiến thì cả ba lần Tử Lộ bị Khổng Tử trách mắng. Và câu nói nổi tiếng: “Tri chi vi tri chi, bất chi vi bất Tri, thị trí dã – có nghĩa là “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới là có trí tuệ vậy” ra đời từ đây.
Một hôm, Khổng Tử đang giảng bài cho các môn sinh ở trên sân, bỗng có một người từ ngoài cửa bước vào. Tầm vóc người anh ta to cao, dáng vẻ khôi ngô, vai hổ lưng gấu, mặt vuông chán cao. Đầu đội mũ võ sĩ, trên cắm lông chim công, mình mặc một cái áo dài lụa màu lam, ngang lưng đeo một thanh kiếm, chân đi đôi giầy Trường Giản, nom như một võ sĩ lên đài, mà cũng giống như thư sinh đi học, không phân biệt nổi. Anh ta hùng dũng bước đến trước mặt Không Tử, giọng ồm ồm như lệnh vỡ: “Đệ tự Trọng Do bái kiến sư phụ”.
Khổng Tử giật mình, đưa mắt nhìn anh ta đầy vẻ nghi hoặc, lên tiếng quở trách:
– Anh ăn mặc trang bị đầy người như thế này, ngang nhiên đi vào nhà người ta như nhà không có chủ, không có vẻ gì là người học hành, còn ra thể thống gì nữa!
Cần phải biết nước của sông suối là xuất từ núi cao, nhưng nước đầu nguồn chỉ múc không đầy chén, cũng không nổi lên trên, chỉ khi chảy đến trung, hạ du thì hoàn toàn thay đổi, cuồn cuộn rộng lớn, không ngồi thuyền lớn, không tránh gió to thì không thể qua sông được, đó có phải là vì sông to, nước lớn không? Như lúc này, anh ăn mặc như ông tướng, dưới mắt không coi ai ra gì, hung hăng đến khiếp, còn có ai dám nói hết những điều sai của anh nữa?
Tử Lộ cũng không nói không rằng, cúi đầu đi ra. Một lúc sau cởi bỏ hết quần áo võ sĩ bước vào, rút kiếm ra múa, chỉ thấy anh ta quay bên phải, vút sang trái, vụt bay lên cao, vụt xà xuống thấp. Khi quay tròn thì như con chim ưng sải cánh, khi vọt lên thì như con giao long ra khỏi nước bay giữa không trung.
Kiếm quang lấp lánh, lạnh buốt như gió thổi, quay như chong chóng, mọi người hoa cả mắt. Mọi người trố mắt xem như thu hết cả hồn, đột nhiên anh ta nhảy một bước lớn, dừng chân lại, thu kiếm về, nói với Khổng Tử:
– Người đời xưa, phàm là quân tử không ai không có bảo kiếm để giữ mình. Do nghe nói lệnh tôn đại nhân là một viên hổ tướng, cho đến nay ở thành Bức Dương vẫn rất nhiều người không ngớt mồm ca ngợi ngài. Thầy vóc người to lớn, cũng nên học kiếm tập võ.
Khổng Tử nói: “Ngày xưa, phàm là người quân tử đều lấy “trung” làm gốc, lấy “nhân” làm trung tâm, thấy kẻ không làm điều thiện thì dùng trung tín để giáo dục họ, gặp kẻ hung bạo hoành hành, lấy nhân nghĩa cảm hóa họ. Chỉ cần làm như thế, thì có thể thu được kết quả tốt đẹp, hà tất phải dùng kiếm để tự vệ”.
Tử Lộ lắng tai nghe.
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta nghe Thành Thang đánh Hạ Kiệt, Vũ Vương đánh Ân Trụ, đều không dùng kiếm để tự vệ, đâu có phải vì thế mà không thu phục được họ? Đó là lấy đức mà thu được người vậy. Ta cho rằng, chỉ có lấy đức mới được người phục, mới có thể làm lòng người yêu mến mình. Đạo lý đó đã được bao nhiêu đời chứng minh rồi. Ngược lại, lấy sức đè người bắt người ta phục thì khó được lòng người đó lắm“.
Tử Lộ nghe xong, hết sức kính phục, xuýt xoa nói: “Do hôm nay được sư phụ chỉ giáo, khác nào ngồi trong xó bếp, tối tăm, bỗng nhiên thấy được ánh đèn, phút chốc mắt được sáng ra. Xin sư phụ nghỉ ngơi, đợi tiểu nhân thay áo quần, lại đến bái kiến”.
Khổng Tử thấy anh ta, tuy là thô lỗ nhưng lại đôn hậu, trong lòng vui vẻ lắm.
Lần thứ ba Tử Lộ trở lại, mặc áo nhà nho thong thả bước, hai mắt nhìn xuống, rất mực lễ phép, hoàn toàn không còn vẻ gì của một võ phu nữa.
Không Tử nghiêm nghị nói:
– Trọng Do, anh nghe đây, theo chỗ ta biết, đại phàm những con người tự thổi phồng mình lên, cho mình dũng mạnh không ai địch nổi, siêu việt hơn người, nhất định là kẻ không có gì bên trong, có vỏ bề ngoài mà không có ruột, loại người đó xử xự rất thiếu thông minh, chỉ thích làm bộ làm dạng lòe người khác, chính là loại tiểu nhân hèn kém. Mà lòng người quân tử thì bao giờ cũng thản nhiên, không bao giờ tỏ ra mình thế này thế nọ, điều gì mình biết thì nói là mình có biết, điều mình không biết thì nói là không biết. Đó mới là thái độ của người quân tử chân chính cần phải có vậy.
Tử Lộ luôn miệng nói: “Đệ tử hiểu rồi”.
P/c:
Trọng Do, tự Tử Lộ, hậu thế truy tặng là “Vệ hầu”, người nước Lỗ. Ông là một trong 10 đại đệ tử của Khổng Tử. Ông là người đại hiếu, thường đi đội gạo đường xa hàng trăm dặm về nuôi cha mẹ, sau này khi đã quan cao lộc hậu thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa nên Khổng Tử khen ông là người chí hiếu.
Tử Lộ tính tình cương trực, nóng nảy, thô lỗ, không biết quyền biến nhưng là người rộng rãi, có khả năng xử án quyết đoán đúng sai. Trong số học trò của Khổng Tử cũng chỉ có ông dám phê bình hoặc can gián Khổng Tử.
Tử Lộ cũng là người thích lễ nghi, hình thức, lo thờ phụng quỷ thần, thích cầm quân. Ông là người theo Khổng Tử rất sớm và cùng đồng cam cộng khổ với Khổng Tử trên đường lưu lạc. Khổng Tử cho rằng, tính Tử Lộ cương quyết, nóng nảy xung đột, tuy có thể ra làm quan nhưng chỉ có thể làm gia thần, không thể làm đại phu, bởi học vấn của ông mới chỉ lên tới “nhà”, chưa vào tới “phòng” còn sợ rằng với tính cách ấy, Tử Lộ có thể nhận lấy cái chết bất đắc kỳ tử.
Sau này Tử Lộ làm quan tể ấp Bồ nước Vệ, gia thần của đại phu Khổng Khôi, rồi chết năm 480 TCN trong chính biến giành ngôi quân chủ nước Vệ giữa hai cha con Vệ Trang công và Vệ Xuất công. Khổng Tử nhận tin, thương xót ông như con mình.
(VNQ tổng hợp)
Bài viết bạn có thể quan tâm:
1. Lời dạy của Khổng Tử – 50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ
5. Đạo Nhân và con đường thực hiện lý tưởng thế giới đại đồng
6. Sách của Khổng Tử và Kinh điển của Khổng Gia
7. Lão Tử và Khổng Tử luận đạo
8. Lời dạy của Khổng Tử: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” – Người không lo xa, ắt có buồn gần