Theo học Thương Dung tiên sinh
Tương truyền thủa nhỏ Ngài có theo học một thầy giáo tên Thương Dung; sau ba năm đã học được hết những gì thầy biết. Trước khi từ biệt lên núi ở ẩn, thầy Thương Dung đã có vài lời khuyên nhủ Ngài:“Đây, con nhìn đi, răng của thầy sắp rụng hết rồi nhưng mà lưỡi thì vẫn còn nguyên, con có biết tại sao lại như vậy không? Bởi vì mặc dù răng cứng rắn, lưỡi thì mềm yếu, nhưng vật cứng dễ phá huỷ, mềm yếu dễ bảo tồn. Làm người cần sống ôn hoà, không quá cứng rắn, không cần phải quá sắc bén, vì vậy mới trường tồn lâu dài. Gặp chuyện thì bình tĩnh, tuân theo chính nghĩa”. Thiếu niên Ngài nhờ chăm chỉ hiếu học và sự truyền dạy của Thương Dung tiên sinh đã hiểu được rất nhiều tri thức, trong lúc niên thiếu đã có suy nghĩ muốn tìm hiểu nguồn cội của thiên địa và chuyện trị thế, đây cũng là nền tảng cho các học thuyết của Ngài sau này.
***
Lên núi tìm thầy Bản Nguyên tiên sinh
Vì quyết tâm muốn tìm hiểu nguồn ngốc của trời đất và vạn vật, thiếu niên Ngài đã một mình tìm đường lên núi Ẩn Sơn và theo học Bản Nguyên tiên sinh. Tại đây Ngài được học rất nhiều tri thức mà Thương Dung tiên sinh chưa từng giảng tới, đồng thời thông qua học tập, Ngài biết học thuyết đại đạo sâu xa, bí ẩn nhưng mà cũng vô cùng đơn giản, đây chính là bước ngoặt để sau này Ngài sáng lập thuyết đạo đức và từ đó Ngài đã bước vào con đường ngộ đạo và truyền đạo.
Thời đó, các nước chiến tranh liên miên, xâm chiếm lẫn nhau. Nước Trần bị nước Sở, Tống xâm lược, trước khi trên đường trở về nhà, Bản Nguyên tiên sinh rặn Ngài: “Thiên đạo vận hành xuất phát từ tự nhiên, con người làm việc thì phải từ bỏ dục vọng, trở về nguyên tính, thuận theo tự nhiên, thanh tâm quả dục. Mọi chuyện trong đời, mỗi người đều có định sẵn, khó khăn đều có lý do, lòng con nên thanh tịnh, không có dục vọng, chăm làm việc thiện, cứu giúp người khác thì cũng giống như ta luôn ở bên con”.
***
Tìm đường đến núi Thái Ât học thầy Tử Chân
Sau khi trở về quê, Ngài tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu những gì mà thầy Bản Nguyên truyền thụ. Nghe tin ở núi Thái Ất nước Chu có một cao nhất đắc đạo tên Tử Chân, Ngài quyết tâm lên đường tầm sư học đạo. Gặp Tử Chân, Ngài nói hiện nay thiên hạ bốn bề phân tranh, Ngài muốn xin Tử Chân dạy về cách trị thế. Thấy Ngài dung mạo đường hoàng, khí chất phi phàm và cảm động trước tinh thần vượt ngàn dặm từ phương xa tới cầu học, Tử Chân nhận Ngài là học trò.
Một ngày Tử Chân có việc phải đi xa, để lại cho Ngài bộ sách và sáu câu hỏi giao cho Ngài tìm câu trả lời và rặn sáu câu nói này bao la vạn tượng, ở giữa trời đất, tất cả mọi nguồn cội đều nằm ở trong đó. Và chân lý trị thế mà Ngài đang tìm kiếm cũng nằm ở đó. Chỉ cần lĩnh hội được tinh thần sáu câu nói này thì có thể trả lời được mọi việc trong thế gian, có thể phổ độ được chúng nhân và không uổng công khi đến thế gian. Sau câu đó là:
“Thứ nhất trị tâm: Thanh tịch vô dục;
Thứ hai trị thân: uyên uyên chân nhu;
Thứ ba muốn trị thế: Tự nhiên, vô vi;
Thứ tư: Muốn trị gia, hợp hoà hành nhất;
Thứ năm muốn trị thần: Bảo nhất hoàn nguyên;
Thứ sáu trị vạn vật: Vạn vật đắc nhất vi sinh”.
Sau khi trở về, thầy Tử Chân hỏi Ngài đã hiểu được đạo trị thế là thế nào chưa? Ngài trả lời:
– Nói đạo trị thế tức là nói đạo trời. Trời người vốn một thể, hai bên tương hỗ mà thông. Làm hết sức để hiểu đạo trời, hiểu đạo trời để nhìn lòng người, hiểu lòng người sẽ hiểu đạo trời.
– Đạo trời là gì?
- Đạo trời là vô tình vô dục, vô vi vô tác, vô trương vô viễn, tự nhiên mà vậy, cân bằng vạn vật, bớt chỗ dư mà bù chỗ thiếu.
– Làm thế nào để dùng đạo trời mà thực hiện cách trị thế?
– Người trị thế nên loại bỏ tham vọng, không làm xằng bậy, tích luỹ tinh lực, trên dưới hợp nhất; không phân sang hèn, lòng dân tâm phục; không sinh tranh chấp, thiên hạ thái bình; quân dân đồng tâm tôn trọng đạo đức. Nếu làm như vậy có thể trị thế, có thể cảm hoá, trị theo cách này thì giang sơn bền vững, thiên thu vạn đại.
Một ngày đột nhiên Ngài thấy lòng dạ rối bời, không kiềm chế được, không hiểu vì sao, Ngài hỏi thầy. Thầy trả lời: “Sở dĩ tâm loạn do thần trí lo sợ. Con người ta sinh ra trên đời, đứng giữa trời và đất có sinh lão bệnh tử và nỗi khổ biên quang li hợp. Đây chính là nguồn gốc của mọi đau khổ. Thần không kinh sợ thì tâm không loạn. Con phải nhớ kỹ sau này gặp bất cứ chuyện gì, chuyện vui cũng được, chuyện buồn cũng xong, nhất định phải bình thản mà xử trí. Tâm định thần nhất. Nếu như con có thể đạt được cảnh giới không vui cũng không buồn thì con có thể đối phó được với mọi sự đổi thay trong thiên hạ”.
Thầy Tử Chân hỏi ngài, sáu câu hỏi mà thầy giao cho Ngài nghiên cứu, Ngài đã lĩnh hội được đến đâu. Ngài trả lời chỉ hiểu ba điều, còn ba điều còn lại thì chưa thông suốt, ba điều chưa thông đó là trị thân, trị thần và trị thế.
Thầy Tử Chân mới giảng giải:
“Muốn trị thân phải uyên uyên chân nhu nghĩa là con người nếu quay về lúc còn sơ sinh xương yếu gân mềm thì tâm thần mới có thể an định, sống lâu muôn đời.
Muốn trị thần phải bảo nhất hoàn nguyên nghĩa là cái thần của người nằm trong con người. Có câu “hoà vào làm một, nhân thần hợp nhất, mới có thể trở về ban đầu, thần trí sáng tỏ.
Còn thuật trị thế cốt ở việc nắm lấy chữ nhất: Trời đất vận hành, vạn vật hoá sinh. Đạo lý trên đời chỉ có một chữ là chữ Nhất. Nếu mất đi chữ nhất thì bản tính cũng mất. Trời mất chữ nhất thế gian trong xanh biến thành vẩn đục, vạn vật huỷ diệt tự nhiên không còn. Đất mất chữ nhất núi non sụp lở, sông ngòi ngập lụt, vạn vật từ nay không còn yên ổn. Người mất chữ nhất thân hình phân ly, chỉ còn cái vỏ, đần độn ngu dốt, sống mà không bằng chết. Quân mất chữ nhất, muôn dân muốn sống phải tàn hại nhau, các nước phân tranh, thiên hạn sẽ đại loạn. Thiếu mất chữ nhất vạn vật không sinh cũng không lớn lên, âm dương bất thông, bản thân bị tận diệt”.
Sau khi nghe thầy Tử Chân dạy Ngài nhận ra dù trị trị thế, trị thân, trị gia đều phải tuân theo căn bản. Chữ nhất chính là gốc rễ của mọi sự vật trên đời và đó chính là Đạo.
Trước khi chia tay thầy để hạ sơn, thầy Tử Chân có căn rặn Ngài: “Lần này con tới núi Thái Ất học được nhiều điều mới, sau khi trở về con phải gắng tiếp tục lĩnh hội chân lý của đại đạo, có thể truyền bá học thuyết đại đạo cho toàn bộ thế nhân. Cũng như giúp thế nhân hiểu rõ chân lý của đại đạo. Nếu con có thể làm được điều này, công của con sẽ vang danh muôn đời”.
***
Tài liệu tham khảo
1. Lão Tử – Nguyễn Hiến Lê
2. Đạo giáo – Trần Trọng Kim
3. Lão Tử tinh hoa – Nguyễn Duy Cần
4. Lão Tử – Wikipedia tiếng Việt
5. Khổng Tử – Wikipedia tiếng Việt