“Bách Tử Đồ” hay “Bách Nhi Đồ” – Nguồn gốc và ý nghĩa về bức tranh 100 đứa trẻ

Bách Tử Đồ” hay “Bách Nhi Đồ” là một bức tranh được thể hiện trên nhiều loại hình từ hội họa, trang trí đồ gốm, đồ gỗ, thêu may và thường xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, tân gia hoặc chúc thọ… Nó vừa là một loại hình nghệ thuật, vừa là một biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa truyền thống của các nước Á Đông đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Hãy cùng Viên Ngọc Quý tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của bức tranh này.

“Bách Tử Đồ” hay “Bách Nhi Đồ” còn được gọi là “Bách Tử Nghinh Phúc Đồ” hay “Bách Tử Hí Xuân Đồ” có nghĩa là “Tranh trăm đứa trẻ” hay “Tranh trăm đứa trẻ đón xuân”, “Tranh trăm đứa trẻ chơi xuân”, là bức họa vẽ 100 đứa trẻ đang chơi đùa vô tư vui nhộn các trò chơi dân gian như múa lân, đánh cờ, thả diều, múa hát, rước kiệu, đẩy xe tiền vàng… với nhiều hình dáng và biểu cảm khác nhau, xung quanh những đứa trẻ có nhiều vật phẩm và con vật quý.

Nguồn gốc bức tranh “Bách Tử Đồ” – Từ truyền thuyết đến quan niệm “Đa tử đa phúc”

Theo truyền thuyết, Chu Văn Vương (người xây nền móng triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) có chín mươi chín người con. Một hôm trên đường lên kinh đô ông tình cờ nhặt được một cậu bé khôi ngô tuấn tú ở bên đường tên là Lôi Chấn Tử và nhận cậu bé làm con nuôi. Lúc này tính cả Lôi Chấn Tử, tổng cộng ông có cả thảy 100 người con. Về sau những người con của Văn Vương mà đặc biệt là Lôi Chấn Tử đã có công rất lớn trong việc phò tá cha và người anh của mình là Chu Vũ Vương đánh bại Trụ Vương lập nên nhà Chu – Một triều đại hoàng kim tồn tại lâu đời nhất với hơn một nghìn năm trong lịch sự Trung Quốc.

Câu chuyện Văn Vương có trăm con lập nên triều đại hưng thịnh được truyền tụng khắp trong nhân gian, từ đó người ta thường quan niệm rằng gia đình có nhiều con là biểu hiện của những điều tốt lành. “Đa tử đa phúc” – “nhiều con nhiều phúc” hay “đông con lắm của” là biểu hiện chính và quan trọng nhất của một gia đình thịnh vượng, kéo dài qua nhiều thế hệ được hình thành trong xã hội Trung Quốc là dựa theo truyền thuyết đó.

“Bách Tử Đồ” Trong văn hóa dân gian và nghệ thuật

Từ câu chuyện theo truyền thuyết, vào thơ ca ra cuộc sống, quan niệm “Đa tử đa phúc” đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và đời sống của người Trung Quốc. Theo nghi nhận, câu chuyện về Văn Vương có trăm con được xuất hiện sớm nhất trong Kinh Thi với nhiều bài ca tụng về những gia đình có đông con. Trong cuộc sống của người Trung Quốc xưa đã có tập tục trong món quà và của hồi môn của dâu trước khi về nhà chồng đều có một chiếc chăn gấm có thêu hoa văn trăm con. Món quà này không những là vật biểu tượng mang lại sự may mắn, niềm vui mà còn là lời chúc phúc cho một gia đình mới thuận hòa, đông con, nhiều cháu.

Xã hội Trung Quốc trải qua các triều đại khác nhau vẫn duy trì quan niệm này. Đặc biệt đến thời nhà Tống quan niệm “Đa tử đa phúc” được thể hiện rõ ràng và riêng biệt với bức “Bách Tử Đồ” với nhiều hình thái biểu hiện khác nhau. Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, “Bách Tử Đồ” được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa, đồ sứ, đồ gỗ, tranh thêu và tranh Tết. Nó đặc biệt được phổ biến trong các đám cưới và sinh nhật của giới hoàng gia.

Thậm chí cho đến ngày nay, “Bách Tử Đồ” vẫn được rất nhiều người yêu thích và thường xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, tân gia hoặc chúc thọ không chỉ ở Trung Quốc mà còn xuất hiện ở các nước Á Đông đặc biệt là Việt Nam.

Là một bức tranh cát tường, “Bách Tử Đồ” thường được tặng làm quà cho các cặp vợ chồng mới cưới với ý nghĩa mong họ “con đàn cháu đống”. Trong các dịp mừng thọ, “Bách Tử Đồ” được tặng để chúc người lớn tuổi sống lâu và được quây quần bên con cháu. Trong dịp Tết, “Bách Tử Đồ” với hình ảnh những đứa trẻ vô tư chơi đùa trong tiết xuân là biểu tượng cho sự hồi sinh, sức sống và niềm hi vọng.

“Bách Tử Đồ” trong phong thủy

Theo quan niệm phong thủy, “Bách Tử Đồ” cũng thường dùng để trang trí nhà cửa hoặc làm quà tặng tân gia. Hình ảnh những đứa trẻ vui chơi một cách hồn nhiên vô tư tượng trưng cho năng lượng dương khí mạnh mẽ, giúp không gian sống trở nên ấm áp và tràn đầy sức sống. Dương khí này còn giúp hóa giải những nguồn năng lượng tiêu cực (âm khí), mang lại cho ngôi nhà sự an lành, thịnh vượng và sự hòa hợp trong gia đình. “Bách Tử Đồ” cũng đặc biệt phù hợp với những gia đình muốn kích hoạt cung Tử Tức (con cái) trong nhà, nhất là với các cặp vợ chồng mong muốn có con hoặc gia đình mong con cháu đông đủ, hiếu thảo. Treo tranh này cũng giúp cải thiện hậu vận, mang lại sự bảo trợ cho cuộc sống về sau.

“Tranh trăm con” – “Bách Tử Đồ”“Bách Nhi Đồ” mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, nó không chỉ tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc viên mãn mà còn là một loại hình nghệ thuật, là một biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa phản ánh niềm hi vọng và quan niệm sống của con người thời xưa. Những quan niệm và hi vọng đó ít nhiều vẫn có những ảnh hưởng và tác động nhất định đến cuộc sống của con người trong xã hội ngày nay./.

(Viên Ngọc Quý tổng hợp)

Bài viết bạn có thể quan tâm:

1. “Ngũ phúc lâm môn” trong quan niệm của người Trung Quốc và người Việt Nam

2. “Tái Ông mất ngựa”: Câu chuyện về sự đời may rủi thất thường…

3. Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ – Tiểu nhân kết giao ngọt rượu nồng.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *