Cổ học tinh hoa: Cảm tình

Cảm tình

Thường con người ta, ai cũng sẵn mối cảm tình, khi gặp thời gặp cảnh xúc động đến thì mối cảm tình ấy tất chứa chan, đầy rẫy hiện ra bên ngoài. Tuy vậy, mối cảm tình đã dùng nhầm thì sau này không còn được như trước.

Có một người nước Yên lúc sinh thì sinh ở nước Yên; lúc lớn lên thì sang ở nước Sở, lúc già lại trở về cố quốc. Khi đi qua nước Tấn (gần nước Yên) bạn cùng đi đường chỉ vào cái thành mà nói dối anh ta: “Đây là thành nước Yên”.

Anh ta buồn rầu, khác hẳn sắc mặt. Chỉ vào nền xã, nói: “Đây là nền xã làng anh”. Anh ta ngậm ngùi than thở. Chỉ vào cái nhà, nói: “Đây là nhà của ông cha anh”. Anh ta rũ rượi rơm rớm nước mắt. Chỉ vào cái gò, nói: “Đây là mồ mả ông cha anh”. Anh ta oà lên khóc.

Bọn cùng đi ai nấy phì cười, nói: “Chúng tôi nói đùa đấy. Đây mới là nước Tấn, chưa phải là nước Yên”. Anh ta nghe nói lấy làm bẽn lẽn.

Kịp khi về đến nước Yên, anh ta trông thấy thật là thành, là xã nước Yên, thật là nhà cửa, mồ mả của ông cha thì lòng cảm thương lại hờ hững không còn được như trước nữa.

(Theo “Cổ học tinh hoa” – Nguyễn Văn NgọcTrần Lê Nhân)

*

Lời bình:

Câu chuyện cho thấy cảm xúc con người dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh và sự tưởng tượng. Khi chưa thật sự chạm tới điều gì, lòng ta có thể tràn đầy xúc động, nhưng khi đối diện với thực tế, cảm xúc ấy lại trở nên phai nhạt. Điều này cũng phản ánh một thực tế rằng những gì ta mong nhớ, kỳ vọng thường đẹp hơn khi còn trong tâm tưởng.

Viên Ngọc Quý.

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *