Bài thơ: Hận Nam Quan – Hoàng Cầm

Hận Nam Quan

Hoàng Cầm


Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường.
Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.

Phi Khanh

Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan… con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan… chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất!
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu?

(Nguyễn Trãi đi đến, nép vào một bụi cây, lắng nghe)

Trãi

Góc trời Nam, ánh sao thần vụt tắt,
Thành Thăng Long nghi ngút chuyện thương đau
Phụ thân ôi! Chiến bào đầy nước mắt,
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?!

Phi Khanh

Ai?

Trãi

Thưa phụ thân, con, đây Nguyễn Trãi!

Phi Khanh

Kìa, đêm khuya sao lại đến tìm cha?

Trãi

Đêm giá lạnh, quân canh vì trễ nải
Con băng rừng, tìm nẻo đến thăm cha.

Phi Khanh

Đây là chốn ải địa đầu nước Việt
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết
Cha hằng mong thiên hạ được bình an
Bên đất khách khi đến giờ nhắm mắt
Cha sẽ cầu con trả được thù chung
Ngày mai đây, tấm thân tàn sẽ mất
Nhưng linh hồn bay lại với non sông
Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san
Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ
Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang
Con về đi!

Trãi

Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa
Như thân con có quản gì bụi lấm
Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa,
Để cùng cha, một mai cùng biết chết,
Cùng hai anh chia xẻ nỗi đau buồn.

Phi Khanh

A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết
Trông đằng sau: xương máu ngập giang sơn
Cha sinh con, nghĩa là gây sức mạnh
Cha nuôi con, là hy vọng về sau
Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh
Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!
Con về đi! Cha vui lòng vĩnh biệt
Con về đi! Rửa nhục cho non sông
Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng

Trãi

Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu
Con lòng nào yên sống giữa quê hương
Ôi! Ðại Việt! vào tay loài thảo khấu,
Khói nghìn năm thoi thóp trên sa trường
Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng
Tình yên vui, trăm họ nén đau thương
Ai đồng chí trong đám người ham sống
Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!
Kìa nghìn dặm trên đường về thui thủi
Lưới quân Minh căng đợi khách giang hồ
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
Con xin cha, cho con theo bóng áo,
Cùng ôm nhau, cùng chết dưới gươm thù
Không tận trung, thôi đành con tận hiếu,
Kiếp này mong khỏi thẹn với nghìn thu

Phi Khanh

Không thể được! Định sang Tàu chết nhục
Làm con ma uất hận giữa quê người!
Con hèn quá, con làm cha tủi cực,
Thôi! Mong gì báo đáp một ngày mai!
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao
Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu
Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!
Gái cùng trai trên non sông gấm vóc
Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao!
Con là trai mà không bằng nhi nữ
Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh
Mong chết uổng chỉ là người uý tử
Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh.
Người trượng phu nên tìm đường mà chết
Chết làm sao vang động khắp nghìn phương
Chết làm sao cho kẻ thù tiêu diệt!
Chết làm sao mà vạn thuở nhớ thương!
Kìa cái cchết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
Con hãy trả xong thù nhà nợ nước,
Muốn theo cha thì chết trên sa trường!

Trãi
(mơ màng nhìn về phía xa)

Ôi! Bóng quê hương ngả nắng chiều
Những mùa thu cũ gợi thương yêu
Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh
Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu
Tre xanh san sát chuyện gươm đao
Đứng rũ tà huy nhuốm máu đào
Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,
Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao
Chí khí phai dần trên kỷ niệm
Như đường tơ nhạt nếp thời gian
Bao giờ dứt lệ quên đau khổ
Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.

Phi Khanh

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

Trãi
(quỳ lạy)

Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.

Phi Khanh

Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.

Trãi

Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!

Phi Khanh

Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.

Trãi

Chân trời xa!

Phi Khanh

Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.

Trãi

Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.

Phi Khanh

Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.

Trãi

Đêm Nam Quan là con dao hai lưỡi,
Trích lòng con thành một vết thương sâu
Trông phía Bắc thì xót thương dòng máu
Ngó về Nam thì tan tác gia hương
Càng thảm khốc, càng bền gan chiến đấu
Bụi hồng bay, quay tít một thanh gươm
Giống nòi ấy, nghe lời oanh liệt cũ
Sẽ vùng lên như trận gió điên cuồng!
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
Hãy chờ đấy mà nếm mùi thất bại,
Tàn ác đi rồi trả nợ về sau!
Hãy chờ đấy, trông sao thần sáng chói,
Trong trần ai, ai dễ biết ai đâu!
Một ngày mai con tung gươm cất cánh
Trời quê hương rực lửa những đêm thiêng
Cha phù hộ cho con tròn sứ mệnh
Bại hay thành là theo lệnh Hoàng Thiên
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, con nguyện cầu cùng thiên địa,
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.

Phi Khanh

Máu anh hùng! Trôi đi mà rửa nhục,
Kìa con trông: nắng nhuộm chân trời xa.

Trãi

Con xin về, mài gươm chờ báo phục.

Phi Khanh

Cha mỉm cười nhắm mắt bên Trung Hoa.

Trãi

Tình phụ tử chia lìa, ai nín khóc
Bóng đêm tàn cay đắng tấm lòng con!
Trời thẳm xa, đoạt mất quyền hoạ phúc.

Phi Khanh

Kìa con trông: nắng xoã trên đầu non

Trãi

Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng
Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa
Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng
Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa
Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!
Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân

(lùi dần vào các khóm cây)
Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,
Vui từ nay cho đến lúc ly trần.

(Tiếng tiêu vẫn mơ màng, gió sớm nổi lên, Phi Khanh quắc mắt nhìn theo con)

*

“Hận Nam Quan – Bài Ca Bi Tráng Về Nợ Nước Tình Nhà”

Bài thơ “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm là một tác phẩm vừa bi thương, vừa hào hùng, thể hiện sâu sắc nỗi đau chia lìa, tình yêu đất nước và khát vọng giành lại độc lập. Trên nền cảnh Ải Nam Quan lạnh lẽo, câu chuyện giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi không chỉ là lời tiễn biệt phụ tử mà còn là lời thề máu của một dân tộc quyết không khuất phục trước quân thù.

Nam Quan – Biên giới nhuộm máu và nước mắt

Ải Nam Quan trong bài thơ không chỉ là một địa danh, mà còn là biểu tượng cho những đau thương, mất mát và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Từ lời Nguyễn Phi Khanh:
“Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan… con mắt khép tình thâm,”

Nam Quan hiện lên như một ranh giới đau lòng, nơi máu anh hùng từng đổ để bảo vệ non sông, cũng là nơi chứng kiến biết bao cuộc chia ly không lời hẹn ngày trở lại.

Hình ảnh Nam Quan gắn liền với những trận chiến khốc liệt, những chiến công oanh liệt của các tướng sĩ Việt Nam:
“Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu,
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về.”

Nhưng giờ đây, đó là nơi cha con Nguyễn Phi Khanh phải đối mặt với sự chia lìa đau đớn, nỗi nhục nước mất nhà tan.

Tình phụ tử – Nỗi đau và sức mạnh

Tâm điểm của bài thơ nằm ở cuộc đối thoại giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, nơi tình cảm cha con hòa quyện với lòng yêu nước và trách nhiệm với giang sơn. Nguyễn Trãi mang trong mình nỗi đau không thể rời xa cha, muốn cùng phụ thân chịu đày ải nơi đất khách:
“Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa.”

Nhưng Nguyễn Phi Khanh – một người cha và cũng là một người yêu nước – không cho phép điều đó. Ông khẳng khái nhắc nhở con:
“Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san.”

Tình cha sâu nặng không chỉ dừng lại ở sự yêu thương, mà còn là sự hy sinh, là lời gửi gắm niềm tin và trách nhiệm với tương lai dân tộc.

Nỗi nhục mất nước và lời thề báo quốc

Nỗi đau mất nước xuyên suốt bài thơ, tạo nên âm hưởng bi tráng, thôi thúc ý chí chiến đấu của Nguyễn Trãi. Từng lời nói của Phi Khanh là một ngọn lửa thổi bùng lên quyết tâm giành lại độc lập:
“Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng.”

Nguyễn Trãi, từ nỗi đau riêng, đã biến thành sức mạnh chung. Lời thề dưới ánh nắng Nam Quan không chỉ là tiếng lòng của một người con, mà còn là tuyên ngôn của cả một dân tộc:
“Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha.”

Hận Nam Quan – Lời nhắc nhở muôn đời

Bài thơ không chỉ kể lại câu chuyện lịch sử, mà còn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm với Tổ quốc. Hình ảnh Nguyễn Trãi quay về để mài kiếm dưới bóng trăng tang tóc là biểu tượng cho lòng kiên định, quyết tâm đấu tranh chống ngoại xâm.

Tác giả Hoàng Cầm đã khéo léo kết hợp chất bi hùng với cảm xúc sâu lắng, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Từ cảnh vật đến lời thơ, tất cả đều chứa đựng hồn thiêng sông núi, nhắc nhở con cháu đời sau về nỗi nhục mất nước và ý chí phục quốc.

Kết luận

Hận Nam Quan không chỉ là bài ca về lòng yêu nước mà còn là lời tri ân sâu sắc với những anh hùng đã hy sinh vì non sông. Nam Quan – nơi chia lìa và hẹn ước – trở thành biểu tượng bất tử cho ý chí bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Cầm, qua bài thơ này, đã để lại một thông điệp thiêng liêng: Lịch sử đau thương là lời nhắc nhở để chúng ta không bao giờ lãng quên, để mỗi người con đất Việt đều mang trong mình khát vọng bảo vệ và xây dựng một giang sơn hùng mạnh, trường tồn.

*

Hoàng Cầm – Người Nghệ Sĩ Tài Hoa và Nỗi Lòng Quê Hương

Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt (1922–2010), là một trong những nhà thơ nổi bật của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với phong cách nghệ thuật độc đáo và tâm hồn nhạy cảm, thơ ca của ông như những khúc hát đầy thương nhớ, gợi mở ký ức về quê hương, đất nước và tình yêu.

Tiểu sử – Hành trình của một tài năng văn học

Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922 tại Phúc Tằng, Bắc Giang, trong một gia đình nhà nho lâu đời. Quê gốc của ông ở Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh – vùng đất nổi tiếng với dòng sông Đuống và làng tranh Đông Hồ. Tên bút danh “Hoàng Cầm” được ông lấy cảm hứng từ tên một vị thuốc Bắc – biểu trưng cho vị đắng của cuộc đời, nhưng cũng là vị thuốc chữa lành tâm hồn.

Thuở nhỏ, ông học tại Bắc Giang, Bắc Ninh và sau đó tại trường Thăng Long, Hà Nội. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương khi mới 18 tuổi, với những tác phẩm phóng tác như Hận ngày xanh, Cây đèn thần và các kịch thơ gây tiếng vang lớn như Hận Nam QuanKiều Loan.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm tham gia cách mạng, sáng lập đội văn công quân đội đầu tiên, cống hiến bằng những tác phẩm văn học và nghệ thuật phục vụ tinh thần kháng chiến. Sau này, ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong ngành văn hóa, trước khi đối mặt với biến cố từ vụ án “Nhân văn Giai phẩm” năm 1958, khiến sự nghiệp của ông gián đoạn và cuộc đời nhuốm màu trầm mặc.

Phong cách sáng tác – Hồn quê và nỗi đau nhân thế

Thơ Hoàng Cầm nổi bật bởi sự hòa quyện giữa chất trữ tình và tâm hồn quê hương. Những tác phẩm như Bên kia sông Đuống hay Lá diêu bông không chỉ phản ánh ký ức tuổi thơ mà còn chạm vào nỗi đau chia cắt của đất nước, của con người trong thời loạn lạc.

  • Bên kia sông Đuống: Viết vào năm 1948 khi quê hương Bắc Ninh của ông bị chiếm đóng, bài thơ là lời than khóc và khúc ca tự hào về vẻ đẹp của quê hương. Những hình ảnh như “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” hay “sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh” đã trở thành biểu tượng trong văn học Việt Nam.
  • Lá diêu bông: Một bài thơ tình kinh điển, mang màu sắc huyền ảo về tình yêu và sự tiếc nuối.

Tác phẩm của Hoàng Cầm thường đậm chất hội họa và âm nhạc, như một dòng chảy của những ký ức và nỗi niềm. Thơ ông không chỉ là tiếng lòng cá nhân mà còn là bức tranh tổng hòa về một thời kỳ đầy biến động của dân tộc.

Đóng góp và di sản

Hoàng Cầm là một cây đại thụ trong văn học Việt Nam. Ông không chỉ để lại những bài thơ kinh điển mà còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực kịch thơ, truyện thơ và văn xuôi. Những tác phẩm như Hận Nam Quan, Kiều Loan, và Bên kia sông Đuống đã khẳng định tài năng và tâm hồn của ông – một nghệ sĩ luôn khắc khoải về quê hương và con người.

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ghi nhận những cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà.

Nhận định về Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm là một nghệ sĩ đa tài, người đã biến những đau thương, khổ đau của bản thân và dân tộc thành những áng thơ bất hủ. Như lời nhận xét:
“Kháng chiến của Việt Nam không thể thành công nếu không có nhạc của Văn Cao, không có thơ của Hoàng Cầm.”

Những tác phẩm của ông không chỉ là di sản nghệ thuật mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của ký ức, của tình yêu, và của quê hương. Cuộc đời Hoàng Cầm, từ những vinh quang đến những mất mát, là minh chứng cho sự kiên cường và sáng tạo không ngừng của một tài năng vượt thời đại.

Viên Ngọc Quý.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *