Khoảng lớn âm vang
Ta lớn lên miền những tiếng động lớn lao
Nơi mỗi âm thanh vang vọng khoảng sâu
Trên cánh sóng đưa ta vào Trái Đất
Vào tình yêu và vào hạnh phúc…
Mùa thu này em sẽ không quên
Bom chúng ném vào từng toạ độ
Nhưng hạt dẻ gai rơi giòn mặt cỏ
Đủ dư âm gọi lũ sóc rừng
Thành phố dịu dàng lên những hợp âm
Con sóng vỗ vào ke đá Thương-bạc
Tiếng guốc gỗ lối hoàng cung tím ngát
Cuốn rì rào phố xá đi xa…
Biết bao điều ta có trong ta
Từng tiếng dẻ rơi, cái trở mình thành phố
Trong bom đạn ta càng chăm chú
Mở giữa linh hồn những khoảng lớn âm vang
Nhưng chiều nay em đi cùng anh
Ta trở lại với phường náo động
Để lắng nghe hết cái độ rền sự sống
Cái đường tròn mới lạ của âm thanh…
*
“Nói cho đồng bào tôi nghe”
Và “nghe đồng bào tôi nói”…
Phút bập bẹ chúng con vừa biết nói
Phút nàng hoàng cha mẹ được nghe
Phút Phù Đổng đòi roi và ngựa sắt
Mấy ngàn năm dân tọc còn nghe
Ôi sau bồn ngàn năm
Hôm nay chúng con cất tiếng
“Nói cho đồng bào tôi nghe”
Và “nghe đồng bào tôi nói”…
Những âm thanh nghẹn ngàn, dữ dội
Báo phút lên đường chống Mỹ thiêng liêng…
Từ phố phường con về mái nhà tranh
Ngồi dưới ngọn đèn dầu năm tháng
Từ trường học con vào khu lao động
Nắm những bàn tay chai sạn, sần sùi
Những bàn tay như khuôn mặt cuộc đời
Đã nắm khổ đâu, đã chào sự sống
Chúng con NÓI với yêu thương cháy bỏng
Chúng con NGHE trong mỗi nhịp tim mình
Ôi cuộc đời, những giá trị đinh ninh
Con tìm thấy lòng con trong sạch quá
Bao ngà ngọc chưa bao giờ khai phá
Phút trở về mẹ gửi gắm cho con
Bao đau thương, căm giận, tủi hờn
Con xin mẹ cho con cùng chưa sẻ
Mẹ hãy kể đứa nào làm khổ mẹ
Cha trút cho con nỗi nhục cha đau
Cho xương con có dáng trăm cọc bêu đầu
Cho mắt con có màu gươm của mắt nghìn người bị chém
Cho tay con có mười chiếc đinh của nghìn tay bị đóng
Cho môi con khô nỗi thèm sữa em non
Con muốn làm người, mẹ ơi, Việt Nam!
Mang nghĩa nặng phù sâu là vũ khí
Lấy Độc lập, Tự do làm ý chí
Chúng con đi cuối đất, cùng trời
Đuổi hết giặc Mỹ rồi, con mẹ mới nguôi…
Hãy nghe đồng bào tôi nói
Và nói cho đồng bào tôi nghe
Rồi hát cho đồng bào tôi nghe…
Ôi miền Nam ta
Bao năm rồi ta không được nói, được nghe
Ta mở miệng chúng đem dao kề cổ
Ta lắng nghe chúng đè lên ngực thở
Chúng bắt ta chỉ biết cúi đầu nghe
Nghe như mê ú ớ tựa ma đè
Nghe thắt họng nước bọt trào ừng ực
Nghe chúng thét: “Thằng này khu trù mật!
Còn tên kia, khố rách, giải dinh điền
Ái mở mồn đòi thống nhất Bắc Nam.
Cứ đem chém theo luật 10-59″
Nghe chúng gào: “Lấp bằng sông giới tuyến”
“Trung lập, hòa bình là bán rẻ núi sông”
Chúng bô bô: “Chính sách bốn không”
Và ta hưởng không áo, không cơm, không nhà, không cửa
Chúng rêu rao: “thanh niên là phụng sự”
Và trẻ mười lăm bị lùa đến quân trường
Chúng “tâm ca” nào “cứu khổ, tình thương”
Và đánh đắm những tâm hồn vào nước mắt
Miệng thằng Cẩn nhai trầu hay ngậm tiết
Miệng Ních-xơn nhai “nhai huyết học màu da”
Miệng Thiệu -Hương nhai khố rách dân ta
Nhai và nói, nói và nhai hỗn độn
Nên nước bọt ngầu máu người tanh lợm
Phun bẩn đất đai, xám xịt màu trời
Ôi mấy ngàn đêm tố cộng, chiêu hồi
Ôi mầy ngàn ngày thanh trừng, thanh lọc
Ta đã nén hờn căm đáy ngực
Dồn sức hơi tìm tiếng hét hôm nay
Đây hôm nay phút ngôn ngữ căng môi
Phút tiếng nói đã trở thành hêịu lệnh
Phút ngôn ngữ đã trở thành hành động
Phút tín hiệu đã trở thành sự sống
Những âm thanh dội lại, truyền đi
Như dập búa nói cùng đe
Như sóng biển nói cùng bờ bãi
Như thác đổ nói cúng đá núi
Như gió cao nói với ngọn cờ
Những âm thanh không bến, không bờ
Tuôn chảy, luân lưu, hồi sinh, cộng hưởng
Nhân dân sức mạnh trong tận cùng sức mạnh
Nhân dân niềm tin trong sâu thẳm niềm tin
Vang, vang, vang như trỗi vạn hồi kèn
Báo hiệu chúng ta tiến vào lịch sử
Quyết đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ!
Có khi nào em hiểu phút này không
Khi nào âm thanh như lớp sóng đi vòng
Nghe và nói, nói và nghe rạo rực
Như nước mắt nhìn vào nước mắt
Như tình yêu nồng cháy với tình yêu
Như mùa trăng gọi dậy thuỷ triều
Như mặt trận hiệp đồng cùng mặt trận
Nói và nghe trong “Đêm uất hận”
Nói và nghe trong buổi tuần hành
Nói và nghe giữa tù ngục xích xiềng
Nói và nghe trước toà án giặc
Nói và nghe bàn tay siết chặt
Trong mắt nhìn thăm thẳm sắc quê hương
Đồng bào ơi
Nói và nghe để nhớ lấy lời
Người đang sống với người đã khuất
Trên mặt đất và trong lòng đất
Nói và nghe những thế kỷ gọi về
Nói và nghe “Hãy nhớ lấy lời tôi”
Lời anh Trỗi trước giờ ngã xuống
Hun hút lòng ta thời gian chuyển động
Chúng ta lại đi giữa Huế -Sài Gòn
Biết nhớ lời và biết công ơn
Biết đứng dậy nơi máu anh đã đổ
Biết căm giận và biết làm bão tố…
Em ơi em, đừng quên, đừng quên
Từ mặt đất đã trở về mặt đất
Những âm vang soi lòng ta rõ nhất
Soi lòng ta cả âm sắc mai sau
Soi lòng ta cả trái đất cơ cầu
Đang đứng dậy hòa chung tiếng nói
Nếu đêm nay ta ngồi trong “Đêm không ngủ”
Thì bên kia Pi-tơ hát trên đường
Từ dạ hội Mi-lăng đêm trắng Xtốc-khôn
Từ những “Việt cộng Phần Lan” đến tín hiệu con tàu xa mặt đất.
Hai tiếng “Việt Nam! “Việt Nam!” vang lên thân thuộc
Như “mẹ”, như “cơm”, như “ánh sáng”, “hoa hồng”.
Như “đất”, như “hôn”, như “đẹp”, như”cánh đồng”
Với hai ngón tay xoè lên như thiên thế
V bay lên như cánh chim báo bão
Lượn khắp địa cầu, ngôn ngữ, màu da
Ôi V Việt Nam, V chiến thắng, bay xa.
*
Khoảng Lớn Âm Vang – Khi Tiếng Nói Trở Thành Sức Mạnh Của Nhân Dân
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện truyền đạt, mà còn là biểu tượng của ý chí, của khát vọng, của sức mạnh dân tộc. Trong bài thơ Khoảng lớn âm vang, Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ lên một bức tranh sống động về tiếng nói của nhân dân – những âm thanh không chỉ vang vọng mà còn mang trong mình sự chuyển mình của lịch sử, của ý chí kiên cường và của lòng yêu nước nồng nàn.
Âm Thanh Của Lịch Sử, Âm Thanh Của Trái Tim
Từ những thanh âm dịu dàng của cuộc sống – “tiếng guốc gỗ lối hoàng cung tím ngát”, “tiếng dẻ rơi giòn mặt cỏ” – đến những tiếng nổ dữ dội của bom đạn kẻ thù, bài thơ khắc họa một thế giới âm thanh không chỉ phản chiếu hiện thực mà còn chất chứa linh hồn dân tộc. Trong không gian ấy, mỗi tiếng động đều có một ý nghĩa riêng, là chứng tích của đau thương, của niềm tin và của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.
Bằng ngôn từ mạnh mẽ, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh rằng tiếng nói không chỉ là phương tiện để giao tiếp, mà còn là lời hiệu triệu của lịch sử, là nhịp đập của một dân tộc đang trỗi dậy:
“Nói cho đồng bào tôi nghe”
Và “nghe đồng bào tôi nói”
Đây không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là sự thức tỉnh. Trong chiến tranh, tiếng nói của nhân dân bị kìm hãm, bị bóp nghẹt bởi bạo quyền. Nhưng khi nhân dân cất lên tiếng nói, đó không chỉ là âm thanh đơn thuần, mà là tiếng gọi của công lý, của độc lập, của khát khao tự do.
Khi Tiếng Nói Trở Thành Hành Động
Bài thơ không dừng lại ở việc khẳng định sức mạnh của ngôn ngữ, mà còn nhấn mạnh rằng tiếng nói phải đi liền với hành động. Từ lời nói, nhân dân bước vào đấu tranh, từ nhận thức, họ biến thành những chiến sĩ trên mặt trận cách mạng:
“Phút tiếng nói đã trở thành hiệu lệnh
Phút ngôn ngữ đã trở thành hành động”
Tiếng nói của người dân không còn bị bóp nghẹt, mà trở thành ngọn lửa lan tỏa khắp nơi. Đó là tiếng nói của người lao động, của học sinh, sinh viên, của những con người bình dị nhưng mang trong mình khát vọng lớn lao. Tiếng nói ấy không chỉ vang lên ở miền Nam bị kìm kẹp, mà còn lan xa đến bạn bè quốc tế – những con người đấu tranh cho công lý, những phong trào phản chiến trên khắp thế giới.
V – Biểu Tượng Của Việt Nam, Của Chiến Thắng
Hình ảnh chữ V xuất hiện ở cuối bài thơ như một biểu tượng mạnh mẽ của chiến thắng. Không chỉ là chiến thắng của Việt Nam trước kẻ thù, mà còn là chiến thắng của lẽ phải trước bạo quyền, của tự do trước áp bức.
“Ôi V Việt Nam, V chiến thắng, bay xa.”
Chữ V – không chỉ là Victory (chiến thắng), mà còn là Việt Nam – đã trở thành một tín hiệu lan tỏa khắp địa cầu. Từ những cuộc đấu tranh trên mặt đất Việt Nam đến những phong trào phản chiến trên thế giới, tiếng nói của nhân dân đã vượt qua biên giới, trở thành một phần của cuộc đấu tranh toàn cầu vì hòa bình và công lý.
Lời Kết: Âm Thanh Vang Mãi
Khi con người còn lên tiếng, sự thật sẽ không bao giờ bị chôn vùi. Bài thơ Khoảng lớn âm vang không chỉ là một bản hùng ca về sự đấu tranh của dân tộc Việt Nam, mà còn là một lời nhắc nhở rằng tiếng nói của nhân dân chính là sức mạnh lớn lao nhất.
Tiếng nói ấy không chỉ thuộc về một thời kỳ lịch sử, mà vẫn còn nguyên giá trị trong mọi thời đại – nơi mà con người luôn phải đấu tranh cho quyền được cất lên tiếng nói, quyền được tự do, quyền được sống một cuộc đời xứng đáng. Và chính trong những khoảng lớn âm vang ấy, chúng ta tìm thấy bản sắc, tìm thấy lòng yêu nước, tìm thấy chính mình.
*
Nguyễn Khoa Điềm – Nhà thơ và Nhà chính trị Việt Nam
Nguyễn Khoa Điềm (sinh ngày 15/4/1943), tên thật là Nguyễn Hải Dương, là một nhà thơ, nhà chính trị nổi bật của Việt Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin và Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X.
Sinh ra tại Thừa Thiên Huế, Nguyễn Khoa Điềm xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn hóa, là con trai của nhà báo Hải Triều. Ông học tập tại miền Bắc và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Sau đó, ông vào miền Nam tham gia phong trào học sinh, sinh viên, hoạt động trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vừa chiến đấu vừa sáng tác thơ ca.
Nguyễn Khoa Điềm được biết đến với những tác phẩm mang đậm chất sử thi và tinh thần yêu nước. Tiêu biểu nhất là trường ca Mặt đường khát vọng (1974), tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc và tư tưởng về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có nhiều tập thơ giá trị như Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986), Cõi lặng (2007), và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại Huế, tiếp tục đóng góp cho văn học nước nhà bằng những tác phẩm giàu ý nghĩa. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca kháng chiến và văn học Việt Nam hiện đại.
Viên Ngọc Quý.