Tổ tiên, thời thơ ấu và bước đường học Đạo
Khổng Tử người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa). Theo truyền thuyết thuyết, thuỷ tổ ông là Vi Tử thấy anh là vua Trụ tàn bạo hoang dâm, can không được, bỏ nước mà đi để bảo tồn giòng họ, nên Võ vương sau khi diệt Trụ rồi phong làm Tống hầu. Khoảng từ đời thứ mười, họ Khổng phải trốn sang Lỗ, từ đó suy lần, Khổng Tử là đời thứ mười lăm.
Cha của Không Tử là Thúc Lương Ngột làm một chức võ quan nhỏ ở nước Lỗ, rất can đảm và có chút chiến công nhưng nghèo. Ông có một bà vợ trước sinh được chín người con gái; sau cưới thêm bà thứ hai, sinh được một người con trai đặt tên là Mạnh Bì, nhưng Mạnh Bì có tật què chân. Về già (ngoài 60 tuổi) mới lấy bà Nhan thị sinh ra Khổng Tử, đặt tên là Khâu (nghĩa là cái gò) tự Trọng Ni, vào mùa đông tháng Mười năm Canh Tuất là năm thứ 21 đời vua Linh vương nhà Chu, tức năm 551 trước công nguyên.
Cứ theo truyện chép trong chính sử thì khi Khổng Tử lên 03 tuổi ông thân phụ mất. Thủa Ngài còn nhỏ, học hành thế nào, sử không chép rõ, chỉ nói rằng Ngài chơi với trẻ nhỏ hay bày đồ cúng tế. Điều ấy cốt tỏ cái bản tính của Ngài trọng những điều lễ nghĩa.
Năm 19 tuổi thì thành gia thất rồi ra nhận chức Uỷ lại, coi sự gạt thóc ở kho, sau chuyển sang làm Tư chức lại coi việc nuôi bò dê để dùng về việc cúng tế, nổi tiếng là siêng năng, liêm khiết. Thủa ấy, tuy ngài còn trẻ tuổi nhưng đã nổi tiếng là người giỏi, cho nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ cho hai con là Hà Kị và Nam Cung Quát theo ngài học lễ.
Năm 29 tuổi, được sự giúp đỡ của đệ tử Nam Cung Quát, ngài được Lỗ hầu cho phép qua nước Chu để học về “Lễ”, vì Lạc Ấp, kinh đô của Chu có nhiều thư tịch và di tích. Ở Lạc Ấp ngài đến hỏi lễ Lão Tử, hỏi nhạc Trành Hoằng.
Sử kí có chép rằng Khổng tử đến hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử đáp rằng: “Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thội. Vả lại người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: Người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì; người quân tử có đức tốt coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn, cùng cái sắc dục và dâm chí đi; những cái ấy đều vô ích cho ông”. Khổng Tử về bảo các đệ tử rằng: “Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội thì ta có thể giăng lưới mà bắt được, đến như con giồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con giồng vậy.
Khi tiễn biệt, Lão Tử khuyên: “Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”.
Khổng Tử ở Lạc Ấp được ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Từ đó sự học của Ngài rộng hơn trước, và học trò theo học Ngài ngày càng nhiều. Nhưng vua nước Lỗ vẫn không dùng Ngài. Được mấy năm trong nước có loạn, Ngài phải bỏ sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề hầu đón Ngài đến hỏi việc chính trị. Ngài nói chuyện gì cũng vừa ý Tề hầu. Tề hầu đã toan lấy đất Ni Khê mà phong cho Ngài, nhưng quan đại phu nước Tề là Yến Anh không thuận, can ngăn Tề hầu không cho. Ngài thấy thế lại bỏ nước Tề trở về nước Lỗ. Bấy giờ Ngài đã 35, 36 tuổi, Ngài về nước nhà dạy học trò và suy xét cho tường tận cái đạo của thánh hiền đời trước.
Sự tham chính của Khổng Tử
Năm thứ 19 đời vua Kinh vương nhà Chu, bấy giờ Khổng Tử 51 tuổi, vua nước Lỗ mới dùng Ngài làm quan Trung Đô tể, tức như chức người đứng đầu Thủ đô ngày nay. Được một năm, Trung Đô rất có trật tự, kỷ luật từ trên xuống dưới, thành một thị trấn kiểu mẫu. Năm sau Ngài được cất nhắc lên chức Tư Không, tức Thượng thư bộ Công (có thể coi là tương đương với Bộ trưởng bộ Xây dựng và bộ Giao thông ngày nay), rồi lãnh chức Đại Tư khấu tức như Thượng thư bộ hình (có thể coi là tương đương với Bộ trưởng bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án Tối cao ngày nay). Đồng thời bốn đệ tử của Ngài là Tử Lộ, Nhiễm Cầu, Tử Du và Tử Hoa cũng được trọng dụng ra làm quan.
Thời kỳ làm Đại Tư khấu, Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp người nghèo khổ, lập ra phép tắc, định rõ việc tống táng người chết. Lớn nhỏ phân biệt trai gái, không lẫn lộn, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian phi không có, hình pháp đặt ra không hề dùng đến.
Ngài làm Đại Tư khấu được bốn năm, vua nước Lỗ cất Ngài lên tướng quốc thứ nhì. Tướng quốc thứ nhất là Quí Hoàn Tử, người trong dòng họ vua. Sử chép rằng: Ngài cầm quyền được bảy ngày thì giết quan Đại phu Thiếu Chính Mão là một người xảo quyệt gian hiểm thời bấy giờ, được ba tháng thì việc chính trị rất hoàn toàn: Trật tự phân minh; những người bán thịt ở chợ không nói thách nữa; con trai thì chuộng trung tín, con gái thì chuộng trinh thuận; trên đường đàn ông đi một bên, đàn bà đi một bên; của rơi ngoài đường không ai nhặt… trong nước thành ra có cái cảnh tượng rất thịnh trị, dân các nước chung quanh lại nước Lỗ làm ăn mỗi ngày một nhiều.
Vua Tề thấy Lỗ thịnh trị, đâm lo ngại; sợ Lỗ thành nước mạnh nhất phía đông, sẽ làm bá chủ, mà Tề ở sát nách, bị uy hiếp trước cả, bèn dùng kế phản gián, cho 80 thiếu nữ đẹp, múa hát giỏi và 125 con ngựa tốt đem sang bày ở cửa nam thành nước Lỗ để dâng cho Lỗ hầu. Tướng quốc Quý Hoàn Tử, hai ba lần cải trang ra xem những người và vật của nước Tề đem sang, có ý muốn nhận lấy, vào bẩm với Lỗ hầu, xúi Lỗ hầu lẻn tới xem. Họ mê mẫn tâm thần, bỏ bê cả việc triều đình.
Khổng Tử đi chu du thiên hạ
Khổng Tử thấy vua vì sự vui chơi bỏ trễ việc nước như thế, chắc là việc gì cũng hỏng, cho nên Ngài mới nhân lúc nhà vua làm lễ tế Giao, không chia thịt cho các quan, Ngài liền từ chức rồi cùng với học trò bỏ sang ở nước Vệ. Việc này có người không biết, hỏi rằng: Ngài là bậc thánh nhân sao lại vì việc nhỏ mọn như thế mà bỏ việc nước? Phải biết rằng: Ngài xuất chính là mong đem thi hành cái đạo của mình. Đạo ấy chủ ở sự lễ nghĩa, mà ông vua đã không thiết gì đến lễ nghĩa nữa, thì chẳng đi còn ở làm gì. Vậy sự Ngài bỏ đi là vì Ngài biết vua không muốn dùng mình, chứ không phải vì miếng thịt. Và Ngài theo cái chủ nghĩa tôn quân, dẫu thế nào cũng phải giữ cho trọn cái đức của vua, cho nên Ngài mới nhân một điều lỗi nhỏ mà bỏ đi, để không lộ cái điều dở của vua. Lúc này Khổng Tử 56 tuổi.
Ngài ở nước Vệ được 10 tháng, vua nước Vệ không dùng, Ngài định đi sang nước Trần, nhưng khi đến đất Khuông, người nước ấy nhận lầm Ngài là Dương Hổ, là một người tàn bạo, ai cũng ghét, cho nên mới đem quân ra vây đánh. Lúc Ngài bị vây, học trò Ngài là Tử Lộ muốn ra chống cự, nhưng Ngài không cho, bảo Tử Lộ lấy đàn gảy và hát để Ngài hoạ theo. Người nước Khuông nghe tiếng đàn hát, biết là lầm, liền rút quân về. Ngài thấy có sự ngăn trở như thế, lại trở về nước Vệ.
Bấy giờ vua nước Vệ có người vợ tên là Nam Tử, nhan sắc rực rỡ, nổi tiếng dâm đãng nhưng lại rất có quyền hành, nói gì vua cũng nghe. Nam Tử sai người lại nói với Khổng Tử rằng: “Các quân tử ở bốn phương hễ tới Vệ, muốn giao hảo với vua Vệ thì đều lại yết kiến tôi”. Ngài không từ chối được bất đắc dĩ phải vào yết kiến. Nam Tử ngồi phía trong, sau một tấm màn, mà tiếp Ngài “rất đúng lễ”. Tử Lộ thấy Ngài vào yết kiến nàng Nam Tử, lấy làm không bằng lòng. Ngài nói rằng: “Nếu ta có làm điều gì không phải, thì trời bỏ ta! Trời bỏ ta!”.
Nhân một buổi vua Vệ muốn mời Ngài ra ngoài thành săn bắn, nàng Nam Tử biết, nên muốn đi cùng, vua Vệ lại chiều nàng, để Ngài đi xe theo sau, trên đường có người cười rằng: “Kìa! Đạo đức chạy theo cái đẹp!”. Ngài than rằng: “Ta chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc”. Lời đó tuy nói về dân chúng nhưng cũng là ngầm trách vua Vệ. Buồn rầu Ngài rời Vệ.
Ngài sang Tào rồi sang Tống. Ở Tống, Ngài thường họp môn sinh ở dưới gốc cây lớn để dạy họ tập lễ. Quan Tư mã nước Tống là Hoàn Khôi muốn giết Ngài. Ngài lại bỏ sang nước Trần. Ở nước Trần được ba năm, vua nước Trần vẫn trọng đãi Ngài, nhưng nước Trần cứ có giặc giã luôn, Ngài lại trở về nước Vệ.
Ở nước Vệ lần này được ba năm, một hôm vua Vệ mời Ngài vào bàn việc binh. Lúc đang ngồi nói chuyện vua thấy đàn chim nhạn bay trên trời, ngửng mắt lên trông không để tâm nghe Ngài nói, Ngài thấy vua không có ý dùng, Ngài lại bỏ sang nước Trần.
Năm 492, Ngài 60 tuổi, đương ở nước Trần, vua Lỗ đã chết từ năm 495, bấy giờ Quý Hoàn Tử cũng chết, khi sắp chết, Hoàn Tử ân hận rằng trước kia mình không biết trọng dụng Khổng Tử, để cho Lỗ mất cơ hội thành một nước cường thịnh, và dặn con là Quý Khang Tử: “Khi cha mất rồi, con sẽ làm tướng quốc nước Lỗ, con phải vời Khổng Tử về giúp nước”. Nhưng Quý Khang Tử không nghe lời cha, lại mời người học trò của Ngài là Nhiễm Cầu về.
Nhiễm Cầu đi rồi, năm 491 Ngài qua Thái, mấy năm này thầy trò rất long đong, luẩn quẩn ở Trần và Thái. Giai đoạn này, thầy trò đã từng bị vây và tuyệt lương ở giữa cánh đồng, nhiều học trò đau, liệt giường trong khi Ngài vẫn thản nhiên đọc sách và gảy đàn.
Năm 490, Ngài qua Diệp, thuộc Sở, vua nước Sở cho người đón Ngài, và định lấy 700 dặm đất phong cho Ngài, nhưng lại bị quan Lệnh doãn là Tử Tây can ngăn, năm 488, Ngài lại trở lại nước Vệ, nhưng lúc này triều đình Vệ đã cực đồi bại.
Năm 484, được sự giới thiệu của học trò Nhiễm Cầu, Quý Khang Tử sai người mang lễ vật đi mời Khổng Tử về Lỗ, sau mười ba năm (496 – 484) bôn ba trong khu lưu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài, gần tới sông Dương Tử, năm lần ở Vệ, mấy lần ở Trần, Thái, một lần ở Trịnh, Tống, Tào, Sở, Ngài cùng học trò trở về quê hương nước Lỗ.
Về Lỗ – Những năm cuối đời (484 – 479)
Năm 484, Ngài đã 69 tuổi. Cả vua Lỗ Ai công lẫn Tướng quốc Quý Khang Tử đều không mời Ngài tham chính, chỉ dùng Ngài làm cố vấn thôi. Mà có lẽ chính Ngài cũng không muốn tham chính, để cho các học trò: Nhiễm Cầu, Tử Lộ giúp triều đình, Ngài đứng ngoài cử chính họ. Giai đoạn này, Ngài để tâm vào việc viết sách, sắp đặt lại tài liệu về lễ và sử, lập thành 6 cuốn sách: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. Mỗi cuốn lại nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học, có thể coi đây là một dạng Bách Khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 481 (năm 14 đời Lỗ Ai công), Khổng Tử 71 tuổi, gia thần họ Thúc bắt được một con vật lạ, mình nai, đuôi bò, có một cái sừng ở trán. Ngài bảo là con kỳ lân, và nhớ lại hồi thân mẫu Ngài sắp sinh ra Ngài cũng mộng thấy một con kỳ lân. Ngài buồn chán, bảo: “Chim phượng chẳng đến, bức đồ chẳng hiện trên Hoàng Hà, ta hiết hi vọng rồi”. Sách Xuân Thu Ngài viết chấm dứt ở việc bắt được kỳ lân. Từ đó Ngài đau ốm hoài.
Năm Nhâm Tuất 479, một hôm Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: “Núi Thái Sơn có lẽ đổ chẳng? Cây lương mộc có lẽ nát chăng? Người triết nhân có lẽ nguy chăng?”. Tử Cống tới, thấy Ngài hát như thế vội vàng vào hỏi thăm. Thấy Tử Cống, Ngài ngửng đầu lên bảo: “Tứ, sao anh tới trễ vậy?”; Ngài rớt nước mắt nói lời cuối cùng với Tử Cống: “Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây”. Bảy ngày sau, ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất (tháng 4 năm 479 TCN) Ngài mất, hưởng thọ 73 tuổi.
Ngài mất rồi, học trò thương khóc thảm thiết, ai cũng để tâm tang ba năm. Tâm tang là để tang trong bụng, chứ không có mặc đồ tang phục. Lại có hơn một trăm người làm nhà ở gần mộ Ngài đến hết tang. Tử Cống ở đó đến hết sáu năm mới thôi. Mộ Ngài nay ở Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ (thuộc tỉnh Sơn Đông) hai dặm, cây cối sầm uất lắm.
Khổng Tử sinh được hai người con, người con trai tên Lí, tự Bá Ngư, tư cách trung bình, đã chết trước Ngài; một người con gái gả cho Công Dã Tràng, một môn sinh. Bá Ngư sinh được một người con có tài đức, tên là Cấp, tự Tử Tư, sau này truyền được một phần đạo của Ngài trong cuốn Trung dung.
Tại sao thời đó, đạo của Khổng Tử không được dùng?
Khổng Tử đi hết nước này qua nước nọ, chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời, mà mãi không thành công được. Trước Ngài tưởng rằng vua nước này không dùng thì có lẽ gặp vua nước khác dùng được, vậy nên Ngài đi hết nước nọ qua nước kia. Trong mấy ông vua đã đón rước Ngài, ông thì thấy công việc nhiều quá, sợ không làm nổi, nói thoái thác là tuổi đã già rồi, thi hành cái đạo của Ngài không kịp nữa. Ông thì bị quan Đại phu sợ Ngài làm mất quyền lợi, cố tìm cách ngăn trở. Vả thời bấy giờ vua các nước chư hầu còn muốn lấn quyền của Thiên tử, quan Đại phu còn muốn lấn quyền của vua Chư hầu, mà chủ nghĩa của Khổng Tử thì lại cố tôn phù nhà Chu để giảm bớt cái quyền của các nước Chư hầu, giữ quyền vua Chư hầu mà bớt cái quyền của các quan Đại phu. Ngài nói rằng: “Thiên hạ có đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Thiên tử mà ra; thiên hạ vô đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Chư hầu mà ra”. Hay là: “Thiên hạ có đạo, việc chính trị không ở quan Đại phu”. Cái chủ nghĩa của Ngài như thế, tất là phản đối quyền lợi của các vua Chư hầu và các quan Đại phu, cho nên Ngài đi đến đâu, các nước vì danh nghĩa mà trọng đãi, nhưng kỳ thực không ai muốn dùng Ngài, mà có ông nào muốn dùng Ngài nữa thì cũng bị quan Đại phu ngăn trở đi, không cho dùng. Vì vậy cho nên Ngài đi chu du khắp thiên hạ mà không tìm được chỗ nào để thi hành cái đạo của mình.
Cái chủ nghĩa của Ngài là cái chủ nghĩa của những người nho học cốt ở sự hành đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng dụng ở đời để làm những điều ích lợi cho nhân chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an nhàn ở chỗ ẩn dật và sự vui thú trong vòng tư tưởng. Vậy nên cái chí của Ngài là muốn ra làm quan để thực hành cái đạo của mình. Vả cái tình trạng nước Trung Hoa bấy giờ là rối loạn, lòng người ngao ngán. Có người thấy thế sự điên đảo quá nỗi, tưởng không sao vãn hồi lại được, bèn đề xướng lên cái chủ nghĩa yếm thế, bỏ việc đời, phó mặc trời xanh, lấy sự an nhàn làm thú vui. Có người thì theo cái chủ nghĩa phá hoại, không thiết gì đến cương thường đạo lý nữa. Trong khi những nhà tư tưởng xướng lập lên những chủ nghĩa tiêu cực như thế, Khổng Tử muốn đem cái chủ nghĩa tích cực cứu thế mà biến đổi thời đại vô đạo sang thời đại hữu đạo. Ngài biết rằng những điều biến cải trong trời đất không có điều gì là tự nhiên bất thình lình mà thành ra. Dẫu những mối biến loại ở trong xã hội cũng không phải một buổi sớm, một buổi tối mà thành ra được. Ngài nói rằng: “Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối; cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo liệu phòng bị sớm”. Nếu những người có trách nhiệm đến vận mệnh của xã hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn có thể trở nên cuộc trị được. Vậy nên nhất sinh Ngài chuyên tâm chú ý về việc giáo hoá và việc canh cải chính trị. Ngài cho người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng có cái nghĩa vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm trái với đạo người, cho nên Ngài càng thấy cuộc đời rối loạn bao nhiêu, Ngài lại càng muốn ra sức sửa đổi bấy nhiêu.
Thủa ấy có người biết thời cơ không thể làm gì được, mà thấy Ngài cứ cố tìm cách sửa đổi, cho nên mới chê rằng: “Biết không thể làm được mà cứ làm”. Đó là người ta không hiểu cái bụng của Ngài cho việc thiên hạ không có lúc nào là không có thể làm được việc ích lợi, vậy nên Ngài cứ chăm chăm lo làm việc cứu thế. Lại có người nói rằng: “Ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên hạ đều thế cả, ai mà theo mình để sửa đổi được loạn ra trị”. Ngài nói rằng: “Thiên hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì”.
Muốn làm việc thay đổi trong thiên hạ thì tất phải có quyền thế mới làm được, chứ dùng lời nói thì vị tất đã thành công. Lời nói dẫu hay đến đâu cũng không bằng việc làm, Ngài hiểu như thế nên Ngài không chịu giữ cái địa vị cao thượng làm ông thầy dạy học mà cố tìm cách tham chính. Ngài muốn gặp ông vua nào biết Ngài, giao quyền bính cho Ngài để sửa đổi phong tục và chính trị, làm cái gương cho các nước khác bắt chước. Cái chủ ý của Ngài là muốn hành đạo, chứ không phải cầu lấy danh lợi. Ngài tin rằng nếu cái đạo của Ngài mà thi hành ra được thì tất thế nào cũng hay, cho nên Ngài quả quyết nói rằng: “Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành”. Ngài tin như thế, nhưng không ai dùng được Ngài, thành thử đạo của Ngài vẫn không thi hành ra được.
Ngợi ca của hậu thế
Khổng Tử là người rất thông minh, rất nhân hậu, hết lòng lo việc cứu đời. Ngài đem cái đạo thánh hiền của đời trước mới phát huy ra, lập thành cái học thuyết lưu truyền về sau để làm kỷ cương cho các dân tộc ở Á Đông. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của Ngài là đời đời người ta lấy làm khuôn làm phép mà theo. Một đôi khi, vì thời cuộc biến đổi, thiên hạ náo loạn, lòng người chán nản, đạo của Ngài có lúc mờ tối đi, nhưng rồi lại sáng rõ hơn trước, mà cái đức vọng của Ngài càng ngày càng tôn trọng thêm lên. Thiết tưởng nếu Ngài không phải bậc chí thánh, chí nhân, thì việc sao được như thế. Ngài nói điều gì cũng ôn hoà và hàm súc, làm việc gì cũng ngay chính và vừa phải, tiến thoái phân minh, động tĩnh hợp thời. Vậy nên về sau, Mạnh Tử nói rằng: “nên làm quan thì làm quan, nên thôi thì thôi, nên lấy làm lâu thì lâu, nên lấy làm chóng thì chóng, là đức Khổng Tử vậy”. Có người không hiểu cái đạo của Ngài, thường hay buông lời huỷ báng Ngài. Tử Cống nói rằng: “Huỷ báng sao được. Đức Trọng Ni không ai huỷ báng được. Người khác có tài giỏi thì cũng như cái gò cái đống, còn có thể trèo qua được. Đức Trọng Ni như mặt trời, mặt trăng, không sao mà trèo qua được. Dẫu có người muốn lấy lời huỷ báng mà tự tuyệt với mặt trời mặt trăng, thì hại gì đến mặt trời, mặt trăng đâu? Càng đủ rõ là người không biết lượng vậy”. Cứ như Tử Cống thì: “Phu tử không ai sánh kịp được, như trời kia không ai bắc thang mà lên được. Nếu Phu tử được có nước mà trị, thì có thể bảo là gây dựng cho dân thì dân nên, dạy dân thì dân theo, yêu dân thì dân mến, khiến dân làm thì dân được hoà, sống được vẻ vang, chết người ta thương tiếc. Ai là người sánh kịp được”.
Thái Sử Công Tư Mã Thiên trong bộ Sử kí đã ca ngợi Khổng Tử: “Núi cao cúi phục, thiên nhiên cũng kính nể ngừng khoe sắc đẹp. Thiên hạ biết không đuổi kịp được ông nhưng luôn hướng theo ông! Từ bậc quân vương đến thường dân lúc đó đều ca ngợi ông. Tuy chỉ là người mặc áo vải nhưng ông đời đời được tôn vinh, những người học đều coi ông là thầy, có thể nói ông là bậc thánh hiền!”.
Đời sau có thơ ca ngợi cuộc đời và đóng góp của Khổng Tử cho nền chính trị, đạo đức của văn minh Trung Hoa:
“Phục hưng Lễ Trị, học Chu Công
Khổng Tử ước mơ thắp lửa hồng
Lấy đức trị đời, mau mãn nguyện
Dùng tâm cải thế, sớm hanh thông
Kinh thư bồi đắp lòng nhân ái
Lễ nghĩa dựng xây cảnh đại đồng
Tri thức cổ kim, tài ứng biến
Thánh nhân phù trợ, vững ngai rồng”
Cái đức vọng của Khổng Tử to như thế, nhưng đến ngày ngay, cái văn hoá vật chất quật khởi lên, người ta nô nức bỏ cũ theo mới, nhưng chẳng qua cũng là vì sự náo nhiệt trong cuộc hành động một thời, người đời còn đang say đắm về đường công lợi, chưa có thì giờ mà suy xét cho kỹ cái đạo của Ngài. Đạo của Ngài là chí công chí chính, khiến người ta phải theo thời mà biến đổi, tức là đạo phải tiến hoá luôn. Thời xưa, người đời hiểu lầm, dần thiên về mặt hư văn. Đến nay, khoa học thịnh hành, công nghệ mở mang, người ta bỏ cái lối hư văn đi nhưng lại thiên về đường vật chất. Xét ra cho kỹ, sự tiến hoá thái quá về đường vật chất vị tất đã hay cho sự sinh hoạt của loài người. Xưa kia ta quá tin vào đường hư văn thành ra suy nhược, sau này lại quá tin về đường vật chất, có lẽ lại dở hơn. Phàm cái gì thái quá cũng là dở cả, chỉ nên giữ thế nào cho tinh thần và vật chất hai bên cùng điều hoà, như thế tức là theo được cái đạo Trung dung của Khổng Tử và cũng làm cho phẩm giá của con người những ai đã học được cái đạo của Ngài trở lên cao quý.
Tài liệu tham khảo
1. Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê
2. Tư Mã Thiên, Sử ký, Khổng Tử thế gia
3. Khổng Tử – Winkipedia Tiếng Việt
Bạn có thể quan tâm đến những bài viết liên quan:
1. Lời dạy của Khổng Tử – 50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ
3. Đạo Nhân và con đường thực hiện lý tưởng thế giới đại đồng