Thiền Lão (hay Thiền Nguyệt) là một trong ba vị Thiền sư thuộc thế hệ thứ 6 dòng Pháp của Thiền sư Vô Ngôn Thông. Sư tu tại chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Chuyện kể một sáng mùa xuân, vua Lý Thái Tông tìm vào núi viếng thăm Thiền sư.
Vua hỏi: “Hòa Thượng đến tu núi này được bao lâu rồi?”
Thiền sư đáp: “Đản tri kim nhật nguyệt. Hà thức cựu Xuân Thu!”
Vua lại hỏi tiếp: “Như vậy hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì?”.
Thiền sư đáp: “Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh. Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”
Vua hỏi: “Có ý chỉ gì?”.
Sư đáp: “Từ đa vô hậu ích”.
Vua liền tỉnh ngộ. Sau đó, khi vua sắp cho người rước Sư về triều làm cố vấn, thì Sư đã viên tịch. Vua rất buồn tiếc, làm thơ thương khóc, sai trung sứ ban nhiều lễ hậu, lập đàn trà tỳ, thu linh cốt, xây tháp ở cửa núi, lại sửa sang rộng rãi chùa Sư, đặt môn đồ lo việc hương hỏa.
P/s: Bốn câu thơ mà Thiền Lão Thiền sư trả lời vua Lý Thái Tông đã thể hiện một đường lối tu tập đơn giản nhưng lại là một phương tiện cứu cánh chỉ cho người tu hành thấy được cái quan trọng nhất cần đạt tới trong bước đường tu tập.
Hai câu đầu “Đản tri kim nhật nguyệt. Hà thức cựu Xuân Thu!” (Sống trong giờ hiện tại. Ai hay năm tháng xưa – Thiền sư Nhất Hạnh dịch) là nói về phương pháp hiện pháp lạc trú, đã về đã tới, sống thật sâu sắc trong giây phút hiện tại.
Hai câu tiếp theo: “Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh. Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân” (Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh. Trăng trong mây bạc hiện toàn chân – Thiền sư Nhất Hạnh dịch) nếu ta sống sâu sắc trong giây phút hiện tại thì con người đích thực và Niết bàn, Tịnh độ, Bản môn sẽ hiện hữu ngay trong đời sống hiện tại chứ không phải tìm kiếm đâu xa.
Chính vì vậy, khi vua hỏi về ý chỉ bên trong của bốn câu thơ, Thiền sư trả lời nói nhiều lời không có ích lợi gì cho việc tu tập sau này, nghĩa là người tu hành càng đắm chìm và vướng mắc vào danh từ và khái niệm thì lại càng xa đạo, chỉ có sống sâu sắc trong những giây phút hiện tại thì mới có thể và có khả năng đạt đạo mà thôi./.
Đại Dương tổng hợp.