Lá thư Hoằng Nhất Đại sư gửi người vợ Nhật Bản trước khi xuất gia

Hoằng Nhất Đại Sư (23/10/1880 – 13/10/1942), Ngài sinh ở Thiên Tân, tổ tịch ở Hồng Động, Sơn Tây. Khi chưa xuất gia, Ngài tên là Lý Thúc Đồng, là một nhà nghệ thuật nổi tiếng Trung Quốc, bậc kỳ tài trong giới học thuật, tinh thông âm nhạc, hội họa, thư pháp, hí kịch, triện khắc, là nhà giáo dục nghệ thuật, đối với nền nghệ thuật Trung Quốc có cống hiến và thành tựu rực rỡ lớn lao. Ngài đã đào tạo những nhà nghệ thuật nổi tiếng như họa sĩ Phong Tử Khải, âm nhạc gia Lưu Chất Bình…

Sau khi xuất gia, Ngài có pháp danh là Diễn Âm, hiệu là Hoằng Nhất. Ngài khổ tâm hướng Phật, quá ngọ không ăn, chuyên tâm nghiên cứu giới luật. Ngài trì giới trang nghiêm, không qua lại với thế tục, không làm hòa thượng ứng thù, khổ hạnh tu hành, hoằng dương Phật pháp, có công làm hưng thịnh Luật tông (1 trong 10 tông phái Phật giáo), được giới Phật giáo tôn xưng là Tổ thứ 11 trung hưng Nam Sơn Luật tông.

Về là thư Ngài gửi vợ khi xuất gia: Năm 1905 (25 tuổi), Ngài sang Nhật Bản du học. Năm 1907, Ngài quen một cô gái Nhật, sau đó kết hôn rồi đưa về Trung Quốc định cư ở Thượng Hải. 1918 (38 tuổi), tại chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, Ngài xuống tóc xuất gia. Khi nhận được lá thư của Ngài báo tin, người vợ Nhật đã đến chùa tìm Ngài xin gặp mặt lần cuối, nhưng Ngài cương quyết cắt đứt ái tình, không ra gặp mặt. Sau đó cô gái Nhật trở về Nhật Bản. Năm 1942, Ngài viên tịch tại Tuyền Châu, Phúc Kiến.

Sau đây xin gửi đến độc giả nội dung lá thư đầy cảm động đó:

Thành Tử!

Về việc tôi quyết định xuất gia, tất cả sự vụ bên mình, tôi đã cùng những người có liên quan bàn giao rõ ràng. Mấy lần trước tôi đã nói qua với nàng, nghĩ rằng nàng cũng đã biết việc tôi xuất gia là chuyện sớm muộn mà thôi. Trải qua một thời gian suy nghĩ, nàng đã hiểu rõ quyết định của tôi chưa? Nếu nàng đã đồng ý, hãy gửi thư nói cho tôi biết, điều đó đối với tôi rất quan trọng.

Đối với nàng mà nói, phải đối diện việc mất đi người chồng ân tình chí thâm quả thực là thống khổ và tuyệt vọng. Tâm tình nàng như vậy, tôi hiểu rõ. Nhưng nàng là người không tầm thường, xin nuốt xuống chén rượu đắng này, rồi chống đỡ đi qua tháng ngày. Tôi muốn linh hồn nàng không phải là một linh hồn tầm thường, khiếp nhược, nguyện Phật lực gia bị, có thể giúp nàng vượt qua tháng ngày gian khó.

Tôi quyết định như vậy, không phải tôi là kẻ quả tình bạc nghĩa, vì con đường Phật đạo đặc biệt lâu dài, đặc biệt gian nan, tôi ắt nên buông bỏ mọi thứ. Tôi buông xuống nàng, cũng buông xuống tầng tầng lớp lớp thanh danh và tài phú của thế gian. Những thứ này đều là mây khói qua mắt, không đáng lưu luyến. Chúng ta phải kiến lập Phật quốc chói sáng tương lai, nơi Tây Thiên Vô Cực Lạc Độ, chúng ta sẽ tương phùng nhé!

Vì không muốn tăng thêm thống khổ cho nàng, tôi sẽ không trở về Thượng Hải nữa. Tất cả việc trong nhà, đều do nàng sắp đặt, cùng làm kỷ niệm. Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, đại hạn sanh tử nhất định phải đến, như nay bất quá đem sanh tử giải quyết sớm, vì chúng ta sớm muộn gì cũng phải phân ly. Mong nàng có thể nhìn thấu.

Trước Phật tiền, tôi cầu nguyện Phật quang gia hộ nàng. Mong nàng trân trọng, niệm hồng danh Phật.

Lý Thúc Đồng, mùng 1 tháng 7 năm Mậu Ngọ.

(nguồn: Sưu tầm)

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 29 tháng 1: Quân tử và tiểu nhân; Bài ca trong lành; Nguyên tắc xử thế – Hoàng Nhất Đại sư

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *