Lời dạy của Khổng Tử – 50 câu tinh hoa trong Luận Ngữ

Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau.

Đọc sách này, người ta hiểu được phẩm chất tư cách và tính tình của Khổng Tử, nhất là về giáo dục, ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng một câu hỏi mà ông trả lời cho mỗi người một cách.

Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời Tống nói: “Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết”. Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay.

Trình Y Xuyên lại nói: Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy”. Tóm lại sách Luận Ngữ dạy đạo quân tử một cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.

Dưới đây là 50 câu tinh hoa trong Luận ngữ – Những lời dạy của Khổng Tử

1. “Nhân vô viễn lự, ắt hữu cận ưu”

(Người không lo xa, ắt có buồn gần)

Người không suy nghĩ cho tương lai, ắt có ưu sầu ngay trước mặt.

2. “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”

(Bậc trí yêu nước, người nhân yêu non)

Người thông minh trí tuệ yêu thích sông nước, người nhân đức yêu thích núi non.

3. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”

(Cái mình không muốn, chớ làm cho người)

Điều mà mình không muốn, thì cũng không được áp đặt lên người khác.

4. “Dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín”

(Kết giao bằng hữu, nói lời giữ lời)

Kết giao bằng hữu, nhất định nói lời phải giữ lấy lời, giữ chữ tín.

5. “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”

(Quân tử hòa mục mà không a dua, tiểu nhân a dua mà không hòa mục)

Người quân tử đối nhân xử thế hòa mục mà không mù quáng phụ họa, kẻ tiểu nhân a dua, hùa theo thời thế mà không thể đối nhân xử thế hòa mục được.

6. “Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phù!”

(Khổng Tử đứng trên bờ sông nói: Thời gian trôi đi như nước sông này vậy!)

Thời gian trôi qua cũng giống như dòng nước sông này vậy! Ngày đêm không ngừng chảy.

7. “Như thiết như tha, như trác như ma”

(Tu thân như cắt gọt, như mài giũa)

Tu dưỡng hoàn thiện bản thân như điêu khắc ngọc vậy, cắt gọt, mài giũa, cần phải dành nhiều công phu.

8. “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu”

(Đạo bất đồng, không thể cùng mưu sự)

Lập trường bất đồng, quan điểm bất đồng, thì không thể cùng nghị đàm, hoạch định mưu lược.

9. “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà”

(Kinh thi có 300 bài, một lời có thể khái quát hết, đó là: Suy nghĩ không tà)

305 bài thơ của Kinh thi, dùng một câu có thể khái quát toàn bộ nội dung của nó, đó là: Tư tưởng thuần khiết, không có những điều tà ác.

10. “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”

(Ta 15 tuổi lập chí ở học tập, 30 tuổi tạo lập được thành tựu, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi nghe đều lọt tai, 70 tuổi làm theo lòng mình muốn mà không vượt khỏi quy củ)

Khổng Tử nói: Ta 15 tuổi lập chí vào học tập, 30 tuổi tạo dựng được thành tựu, 40 tuổi mọi sự không còn mê hoặc, 50 tuổi hiểu được quy luật tự nhiên, 60 tuổi có thể nghe lọt tai những ý kiến bất đồng, 70 tuổi tùy ý theo lòng mong muốn, muốn làm gì thì làm cái đó, cũng không vượt ra khỏi phép tắc quy củ.

11. “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”

(Ôn cái cũ mà biết điều mới, thì có thể làm thầy được rồi)

Thường xuyên ôn tập những tri thức đã học, từ đó có thể thu được tri thức thâm sâu hơn, mới hơn, như vậy có thể làm thầy được rồi.

12. “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”

(Quân tử hòa hợp tất cả mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết mà không hòa hợp tất cả)

Bậc quân tử đoàn kết mọi người mà không cấu kết với nhau, kẻ tiểu nhân kéo bè kết phái mà không đoàn kết tất cả mọi người.

13. “Tri chi vi tri chi, bất chi vi bất tri, thị trí dã”

(Biết là biết, không biết là không biết, đó là trí tuệ vậy)

Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới là có trí tuệ vậy.

14. “Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã”

(Cái đó mà nhẫn được thì còn cái gì không thể nhẫn được)

Khổng Tử nói về Quý Thị rằng: “Ông ta dùng lễ nghi múa vũ đạo của Thiên tử để múa trong sân nhà mình, việc như thế này có thể nhẫn chịu được, thì việc gì không thể nhẫn chịu được đây?

15. “Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã”

(Nghe chuyện ngoài đường rồi nói chuyện ngoài đường, là vứt bỏ cái đức vậy)

Nghe thấy tin đồn, không khảo chứng đúng sai, tùy tiện truyền tin đồn, chính là vứt bỏ đạo đức vậy.

16. “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ”

(Sáng nghe Đạo, tối chết cũng được rồi)

Buổi sáng minh bạch biết được chân lý, thì dẫu buổi tối chết, cũng không còn gì phải nuối tiếc.

17. “Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã”

(Trong bốn biển, đều là anh em)

Thiên hạ rộng lớn, đi đến đâu cũng có bằng hữu.

18. “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”

(Quân tử hiểu về nghĩa, tiểu nhân hiểu về lợi)

Quân tử hiểu đạo nghĩa, hành xử theo đạo, lấy nghĩa làm cơ sở đối nhân xử thế; tiểu nhân hiểu tư lợi, hành xử đều vì lợi, chỉ chăm lo vun vén lợi ích cho bản thân.

19. “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”

(Thấy bậc hiền tài, suy nghĩ cách để mình cũng như họ, thấy người xấu kém thì tự hướng nội kiểm điểm mình)

Thấy người hiền, nên nghĩ đến cần phải học hỏi họ để giống như họ, thấy người xấu kém, nên tự phản tỉnh chính mình.

20. “Bần nhi vô oán nan, phú nhi vô kiêu dị”

(Nghèo mà không oán trách thì khó, giàu mà không kiêu căng thì dễ)

Nghèo khó mà không oán hận thì rất khó, giàu có mà không kiêu căng thì rất dễ.

21. “Đức bất cô, tất hữu lân”

(Có đức thì không cô độc, ắt có người gần gũi)

Người có đạo đức sẽ không cô lập, ắt sẽ có người thân thiết gần gũi.

22. “Hủ mộc bất khả điêu dã, phấn thổ chi tường bất khả hủ dã”

(Gỗ mục thì không thể điêu khắc, tường bằng phân và đất thì không thể mục)

Hình dung một người giống như khúc gỗ mục, không thể điêu khắc đẽo gọt được, lại giống như bức tường bằng phân rồi quét vôi lên, thường là người này không có hy vọng gì nữa.

23. “Thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành”

(Nghe họ nói mà xem họ làm)

Đánh giá một con người, cần xem họ nói, quan sát ngôn hành cử chỉ của họ, mới có thể biết được toàn diện.

24. “Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn”

(Lanh lẹ mà hiếu học, không xấu hổ hỏi người thấp kém hơn)

Hình dung người thông minh nhanh nhẹn lại hiếu học, có thể học hỏi cả những người học vấn thấp hơn họ.

25. “Tam tư nhi hậu hành”

(Suy nghĩ 3 lần rồi mới hành động)

Gặp sự việc luôn luôn suy nghĩ 3 lần, sau đó mới hành động.

26. “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử. Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử”

(Chất phác nhiều hơn văn vẻ thì thô lậu, văn vẻ nhiều hơn chất phác thì giả dối. Văn vẻ và chất phác hoàn mỹ, sau đó mới có thể thành quân tử).

Một người mà cái chất phác nội tại quá nhiều so với cái văn vẻ bên ngoài thì sẽ thể hiện thô lậu, cái văn vẻ bên ngoài mà quá nhiều so với cái chất phác nội tại thì sẽ khoa trương giả dối. Chỉ có văn vẻ và chất phác phối hợp thích đáng, sau đó mới có thể trở thành người quân tử được.

27. “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả”

(Người biết không bằng người thích, người thích không bằng người vui)

Đối với bất kỳ việc gì, người biết về nó không bằng người yêu thích nó, người yêu thích nó không bằng người coi việc thực hiện nó là niềm vui.

28. “Xảo ngôn lệnh sắc tiễn hỹ nhân”

(Lời nói khéo léo, sắc mặt cười lấy lòng, thì hiếm khi nhân đức)

Người nói năng khéo léo hoa mỹ, sắc mặt tươi cười lấy lòng, rất ít khi có lòng nhân ái.

29. “Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai”

(Cứ lặng lẽ mà biết, học mà không chán, dạy người không mệt mỏi, những cái này cái nào ta có đây?)

Lặng lẽ ghi nhớ tri thức, khi học tập không cảm thấy đã đủ, khi dạy dỗ không cảm thấy mệt mỏi. Ba phương diện này, ta đã làm được những cái nào?

30. “Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân”

(Bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta như phù vân)

Dùng thủ đoạn bất nghĩa mà có được phú quý, thì cũng giống như phù vân mà thôi.

31. “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”

(Trong 3 người cùng đi, ắt có người là thầy của mình; chọn cái tốt của người ta mà học theo, cái chưa tốt của người ta mà tự sửa mình)

Trong nhóm nhỏ, nhất định có người có thể làm thầy của mình. Chọn ưu điểm của họ mà học theo; còn khuyết điểm của họ, thì phản tỉnh bản thân, rồi tự sửa chữa.

32. “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”

(Người quân tử bình thản rộng mở, kẻ tiểu nhân lo lắng ưu sầu)

Người quân tử thì lòng dạ luôn bình thản và rộng mở, kẻ tiểu nhân luôn ưu sầu buồn lo.

33. “Sỹ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn”

(Kẻ sỹ không thể không chí lớn, kiên nghị, gánh vác trọng trách đi con đường dài)

Người có chí không thể không có tấm lòng rộng mở, ý chí kiên cường, vì họ phải gánh vác trọng trách đi trên con đường xa, lâu dài.

34. “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”

(Không ở vị trí đó thì không bàn về việc của vị trí đó)

Không ở trên vị trí đó, thì không được xem xét sự việc của vị trí đó.

35. “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhị cận tư; nhân tại kỳ trung hỹ”

(Học rộng mà quyết chí, đặt câu hỏi và suy nghĩ, nhân đức ở trong đó vậy)

Học tập và nghiên cứu sâu rộng, kiên trì chí hướng, khẩn thiết đặt vấn đề và liên tưởng với thực tế suy nghĩ vấn đề, nhân đức là ở chính trong đó.

36. “Tam quân khả đoạt sư dã, thất phu bất khả đoạt chí dã”

(Ba quân có thể mất chủ soái, kẻ thất phu cũng không thể mất ý chí)

Ba quân có thể mất đi chủ soái, nhưng trai nam nhi không thể mất đi chí hướng được.

37. “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã”

(Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài tàn úa sau cùng)

Vào năm thời tiết giá lạnh nhất, thì mới biết cây tùng cây bách là những cây bị úa tàn sau cùng. Con người cũng như vậy, chỉ trong khó khăn thử thách mới nhận ra ai là người có bản lĩnh, ai là người có ý chí vững vàng.

38. “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”

(Người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người khác)

Người quân tử tác thành việc tốt cho người khác, không giúp người khác làm việc xấu. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại.

39. “Sỹ chí ư Đạo, nhi sỉ ư ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã”

(Kẻ sỹ lập chí học Đạo, mà lại xấu hổ vì y phục xấu, ăn đạm bạc, thì không đáng đàm đạo cùng)

Người lập chí truy cầu chân lý mà lại xấu hổ bởi ăn mặc xấu xí, ăn uống đạm bạc, thì không đáng kết giao đàm Đạo cùng.

40. “Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?”

(Mưu việc cho người mà không trung thành sao? Kết giao với bằng hữu mà không tín sao? Truyền thụ mà không luyện tập sao?)

Làm việc cho người khác có làm hết sức hay không, kết giao với bằng hữu có chân thành hay không, dạy bảo người khác, bản thân mình có nghiên cứu luyện tập thật tốt hay không. Những điều này là ba việc hàng ngày đều phải phản tỉnh kiểm điểm lại bản thân.

41. “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất hành”

(Khi thân chính trực, không ra lệnh, mà mọi người đều thực hiện; Thân bất chính, dù có ra lệnh mọi người cũng không chấp hành)

Bản thân phẩm hạnh đoan chính, cho dù không ra mệnh lệnh, mọi người cũng tự giác thực hiện chấp hành. Bản thân phẩm hạnh không đoan chính, cho dù ra mệnh lệnh, mọi người cũng không phục tùng.

42. “Dục tốc tắc bất đạt; kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành”

(Muốn nhanh thì không đạt được; Nhìn cái lợi nhỏ thì việc lớn chẳng thành)

Không nên cầu nhanh chóng thành công, không nên tham cái lợi nhỏ. Muốn thành công nhanh chóng, trái lại sẽ không đạt được mục đích; tham cái lợi nhỏ, thì sẽ không làm nên việc lớn.

43. “Vãng giả bất khả gián, lai giả do khả truy”

(Cái đã qua không thể thay đổi được, cái sắp tới thì có thể)

Những việc đã qua không thể vãn hồi được, những việc sắp tới thì còn kịp sửa đổi.

44. “Dĩ ước thất chi giả tiễn hỹ”

(Người luôn ước thúc bản thân mà phạm lỗi thì rất hiếm)

Người thường xuyên ước thúc bản thân, thì rất hiếm khi phạm lỗi, rất hiếm khi mắc sai lầm.

45. “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?”

(Học được, mà thường xuyên luyện tập, chẳng phải vui lắm sao? Có bằng hữu từ xa đến thăm, chẳng phải vui lắm sao? Người khác không hiểu mình mà không oán hận, chẳng phải quân tử đó sao?)

Học tập mà lại có thể không ngừng ôn tập, đó là việc rất đáng vui mừng, có bằng hữu từ phương xa đến thăm, đó là việc rất đáng vui mừng, người ta không hiểu mình, mà mình cũng không oán hận, đó chằng phải là bậc quân tử đó sao?

46. “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân”

(Người xưa học vì mình, người nay học vì người)

Người học thời cổ xưa là vì nâng cao bản thân, người học ngày nay là để khoe khoang, hiển thị để người khác thấy.

47. “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh”

(Thấy lợi thì suy nghĩ đạo nghĩa, thấy nguy nan thì dấn thân trao sinh mệnh)

Khi thấy lợi ích vật chất, thì suy nghĩ đến đạo nghĩa; khi thấy quốc gia lâm nguy, thì nguyện dấn thân phó xuất sinh mệnh. Đó mới là nhân vật lớn, là người đại nghĩa.

48. “Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn”

(Người quân tử không tiến cử người chỉ dựa vào lời nói, cũng không phế bỏ lời nói chỉ bởi người có lỗi)

Người quân tử sẽ không căn cứ vào lời nói, ngôn luận mà tiến cử lựa chọn nhân tài. Cũng sẽ không vì một người nào đó có khuyết điểm, sai lầm mà phế bỏ, không tiếp thu lời nói, ngôn luận của họ.

49. “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn tắc loạn đai mưu”

(Nói năng hoa mỹ sẽ làm rối loạn đạo đức. Việc nhỏ không nhẫn nhịn sẽ làm hỏng mưu lớn)

Nói năng hoa mỹ khéo léo sẽ làm bại hoại đạo đức, việc nhỏ không nhẫn nhịn được, thì sẽ làm hỏng việc lớn.

50. “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã”

(Không lo người khác không hiểu mình, mà lo mình không hiểu người khác)

Không sợ người khác không hiểu mình, chỉ sợ mình không hiểu được người khác.

(VNQ sưu tầm)

Bạn có thể quan tâm đến những bài viết liên quan:

1. Cuộc đời Khổng Tử

2. Học trò của Khổng Tử

3. Đạo Nhân và con đường thực hiện lý tưởng thế giới đại đồng

4. Sách của Khổng Tử và Kinh điển của Khổng Gia

5. Lão Tử và Khổng Tử luận đạo

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *