Một ngày nọ, Dương Khiết hỏi sư phụ: “Con đã nhiều lần nghe sư phụ nói về luân hồi và hội chứng luân hồi trong cuộc sống. Xin sư phụ chỉ rõ hơn?”
Sư phụ mỉm cười, đáp: “Luân” là vòng tròn, “hồi” là quay lại. Luân hồi nghĩa là quay về vòng tròn, hay một cách khác, là sự “trôi nổi, lang thang.” Nhà Phật thường nói con người trôi nổi trong vòng luân hồi là vì thế. Mặt trời mọc rồi lặn, thủy triều lên rồi xuống, xuân hạ thu đông nối tiếp nhau… Đó là vòng luân hồi của tự nhiên. Con người cũng vậy: sinh, lão, bệnh, tử; thịnh suy, hưng vong – tất cả là vòng luân hồi của đời người. Nhưng còn một vòng luân hồi khác ít người nhận ra, chính là luân hồi trong đời sống hằng ngày.
Dương Khiết tò mò: “Xin sư phụ nói rõ hơn về luân hồi trong cuộc sống hằng ngày?”
Sư phụ chậm rãi giải thích: “Tùy hoàn cảnh và điều kiện, mỗi người có một vòng luân hồi riêng. Có người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, thời gian rảnh rỗi lại tụ tập nhậu nhẹt, bàn những chuyện vô bổ, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm… Cuộc sống của họ chẳng khác gì một vòng quay lặp đi lặp lại. Đó là một dạng luân hồi.
Nhưng cũng có những người bắt đầu ngày mới bằng nụ cười trong gương, cảm ơn cuộc đời đã ban cho họ hình hài, sức khỏe và trí tuệ. Họ tận tâm làm việc, mang lại giá trị cho gia đình và xã hội. Khi rảnh họ đọc sách, học hỏi, gặp gỡ bạn tốt, thầy hiền để tiếp thu những điều tốt đẹp. Đó cũng là một dạng luân hồi”.
Ngừng một lát, sư phụ hỏi Dương Khiết: “Theo con, hai kiểu luân hồi ấy, kiểu nào hữu ích hơn?”
Dương Khiết trầm tư. Sư phụ nói tiếp: “Con người cần nhận ra mình đang mắc kẹt trong vòng luân hồi nào và tìm cách thoát khỏi nó. Thoát khỏi luân hồi không phải là từ bỏ hoàn toàn nhịp sống, mà là tiến bộ qua từng ngày. Ví dụ, hôm nay con đọc ba trang sách, ngày mai đọc năm trang, bảy trang. Hôm nay con làm một việc tốt, ngày mai thêm hai việc tốt nữa. Đó là cách vượt qua luân hồi – từng bước nhỏ nhưng bền vững”. Sư phụ nhấn mạnh: “Thoát khỏi luân hồi không phải chạy trốn, mà là biết cách biến vòng luân hồi thành một hành trình đi lên. Con người không thể thay đổi dòng chảy của tự nhiên hay quy luật cuộc sống, nhưng có thể thay đổi thái độ và cách sống để tạo nên một vòng luân hồi ý nghĩa hơn, tích cực hơn. Đó mới chính là ý nghĩa sâu xa của việc hiểu về luân hồi”.
Nghe xong, Dương Khiết cúi đầu, cảm tạ lời dạy sâu sắc của thầy.
Đ.Đ.D