Nam Quốc Sơn Hà
“bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc Việt Nam.
Bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
南國山河南帝居
截然分定在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛
Nguyên văn Hán -Việt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
*
Dịch nghĩa:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành trên sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám đến xâm phạm?
Hãy chờ xem, chúng bay nhất định sẽ chuốc lấy bại vong!
*
Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
*
Lý Thường Kiệt (1019–1105), tên thật là Quách Tuấn (có tài liệu ghi là Ngô Tuấn), là một danh tướng kiệt xuất thời nhà Lý. Ông quê ở Hưng Yên, tinh thông binh pháp và giỏi cả văn chương. Với tài năng vượt trội, ông đã được ban Quốc tính, mang họ vua Lý, và trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí giữ vững bờ cõi Đại Việt.
Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (còn gọi là “Thơ Thần”) thường được cho là do Lý Thường Kiệt sáng tác. Tương truyền, vào năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do Quách Quỳ chỉ huy, ông đã lập phòng tuyến vững chắc tại sông Như Nguyệt (sông Cầu, thuộc Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay). Khi quân Tống bị chặn tại đây, Lý Thường Kiệt cho người giả làm thần, đọc vang bài thơ tại đền thờ Trương Hống, Trương Hát nhằm khích lệ tinh thần quân sĩ.
Nhờ bài thơ này, khí thế quân Đại Việt lên cao, Lý Thường Kiệt nhanh chóng tổ chức trận quyết chiến đánh bại quân Tống, buộc chúng phải rút về nước, giữ vững chủ quyền Đại Việt.
“Nam Quốc Sơn Hà” không chỉ là “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất trước ngoại xâm.
Viên Ngọc Quý (Sưu tầm)