Nghiệp cứ trả
Phúc cứ làm
Đạo cứ tu
Rượu cứ uống
Nghiệp theo đạo Phật chính là nguyên nhân hay gọi ngắn gọn là Nhân trong cặp Nhân Quả. Người xưa nói “gieo nhân nào gặt quả ấy”, ngẫm lại thì luật nhân quả này chưa sai bao giờ. Người ta gieo hạt thóc thì sẽ được cây lúa, làm điều thiện thì sẽ được quả tốt. Nhưng có người bảo: tôi cả đời làm việc thiện, chưa hại ai bao giờ mà sao lại gặp rất nhiều điều không may? Nhà Phật bảo đó là do đã tích nghiệp xấu từ tiền kiếp, nên kiếp này phải gặt quả xấu. Nói như vậy thì muốn hay không muốn thì nghiệp vẫn cứ ứng vào ta, muốn hay không thì ta cũng phải trả cái nghiệp đó. Nếu đã không thể tránh được nghiệp thì sao phải bận tâm? Có nghiệp thì cứ trả là xong. Nhưng nếu không trả thì nghiệp sẽ còn mãi, đời này không trả thì đời sau hoặc sau nữa vẫn sẽ phải trả. Vậy nên mới nói “Nghiệp cứ trả” là vì thế.
* * *
Phúc là biểu tượng cho may mắn, sung sướng, thường dùng trong từ Hạnh Phúc. Chữ Phúc rất phổ biến trong văn hóa Á Đông.
Chữ phúc gồm bộ thị đi liền ký tự phúc. Bộ thị vốn là hình vẽ cái bàn thờ. Ký tự phúc – mà người đời sau chiết thành nhất khẩu điền – vốn là hình vẽ một vò rượu.
BÀN THỜ + VÒ RƯỢU = PHÚC. Nghĩa là sao? tức là cầu cho trong nhà được bình rượu luôn đầy. Bàn thờ thể hiện tâm linh, vò rượu thể hiện vật chất, tâm linh + vật chất thế là đầy đủ, dồi dào và hoàn bị, Thật giản dị!
Vậy làm Phúc là làm cho người khác hạnh phúc, đầy đủ về mặt tâm linh và vật chất, theo đạo Phật là tạo nghiệp lành. Mà tạo nghiệp lành thì nếu không phải đời này thì đời sau cũng sẽ hưởng quả tốt. Vậy còn gì tốt bằng việc làm phúc? Nên “Phúc cứ làm” thôi.
Cũng nên phân biệt làm phúc với làm việc tốt. Làm việc tốt chưa chắc đã là làm phúc. Có cậu bé rất thích những chú gà con. Vì muốn những quả trứng nhanh chóng trở nở thành gà con nên cậu đã “giúp” những chú gà con phá vỡ cái vỏ trứng với mong muốn những chú gà con mau chóng chui ra. Kết quả thì quá rõ, gà con không thấy chỉ thấy một đống bầy nhầy. Ý định của cậu bé là tốt, nhưng kết quả lại không như ý muốn. Vậy việc làm tốt của cậu bé cần thêm điều gì để thành Phúc? Đó là trí tuệ. Làm việc tốt mà không có trí tuệ, làm mà không hiểu điều mình làm thì như kiểu nhiệt tình + ngu dốt vậy. Vậy nếu không biết việc mình làm có tốt hay không, thì tốt nhất là không làm gì cả, để mọi sự diễn ra một cách tự nhiên. Không làm điều ác tốt hơn là cố làm điều tốt.
* * *
Như trên đã nói thì làm Phúc không dễ vì phải có trí tuệ. Vậy làm sao để làm được Phúc? Câu trả lời là “Đạo cứ tu”. Trong khi chưa biết làm Phúc ra sao thì nên học Đạo. Đạo nói đơn giản chính là tự nhiên. Nếu cậu bé để quả trứng tự nở thì sẽ có gà con, đó chính là Đạo. Đạo giúp ta nhận biết đúng sai, chỉ ta con đường để có hạnh phúc đích thực. Chỉ khi ta có hạnh phúc thì ta mới có thể đem tới hạnh phúc cho những người xung quanh được. Vì nếu ta không hạnh phúc ta cũng không thể cho người khác hạnh phúc. Ta không thể cho đi cái mà ta không có.
Đạo và Đời là 2 dòng chảy ngược chiều nhau:
Sự cô đơn ở đời thì là đau khổ, Cô đơn với đạo thì là hạnh phúc, vì cô đơn đến tột cùng thì tâm sẽ mở vô lượng, tâm vô lượng thì hiểu được lẽ trời, sống được theo cái sống của mình mà không chạy theo thói đời.
Ở đời lấy vào càng nhiều thì càng hạnh phúc, ở đạo cho đi càng nhiều thì càng hạnh phúc.
Tuy ngược chiều nhau như vậy nhưng Đạo và Đời thực ra là một thể thống nhất, không thể tách rời như 2 mặt của một đồng xu, như ngày và đêm, như thân xác và tinh thần vậy. Đã vậy sống ở đời ta nên học Đạo, đã tu Đạo cũng nên chăm lo tới đời. Có như vậy mới điều hòa và mang lại hạnh phúc đích thực cho ta.
* * *
“Rượu cứ uống” là một câu rất đời, nếu không có đạo sẽ dễ hiểu lầm và gây hậu quả xấu nếu lạm dụng. Nếu đã hiểu Đạo, biết được lẽ trời thì việc đời như uống rượu há còn hại đến ta.
Có học trò tham vấn Lão Tử.
Học trò: tại sao ở đời lại lắm việc phức tạp như thế?
Lão Tử: tận cùng của sự phức tạp là đơn giản.
Học trò: thế tận cùng của sự đơn giản là gì?
Lão Tử: là chân lý.
Câu chuyện “Chí huệ của sự đơn giản”
Một người yêu cầu một hoạ sĩ vẽ một con ngựa từ một tấm hình. Người hoạ sĩ nói 10 năm mới xong và ông sẽ mang trả bức tranh đó sau.
Sau mười năm, người kia tới để lấy tranh. Họa sĩ dẫn ông tới phòng tranh, rồi ông lấy ra một mảnh giấy trắng và vẽ con ngựa lên đó với những nét vẽ rất nhanh. Người kia rất bối rối và không hài lòng.
Ông hỏi người họa sĩ: “Tại sao ông bảo tôi phải đợi mười năm mới vẽ xong một bức tranh mà ông có thể vẽ rất nhanh như thế?”
Người họa sĩ không trả lời ông. Thay vào đó, ông dẫn người kia vào một căn phòng. Những bức tranh tập vẽ ngựa ở khắp nơi trong căn phòng. Người họa sĩ nói trong một tiếng thở dài: “Tôi đã mất mười năm luyện tập để có thể vẽ ngựa trong thời gian ngắn như thế”. Trí huệ của sự giản đơn cần một thời gian dài để đến được một cách tự nhiên.