Phong lai sơ trúc – Tô Đông Pha

Phong lai sơ trúc,
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm,
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện
Sự khứ nhi tâm tùy không.”

Bài thơ này là của thi sĩ Tô Đông Pha được Thiền sư Nhất Hạnh dịch và giải như sau:

Dịch:

Gió qua lay trúc
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh
Người quân tử cũng vậy
Việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi.

Giải:

Cơn gió tới thổi qua lay chuyển khóm trúc, gió đi mà trúc không giữ lại âm thanh. Khi gió xào xạc âm thanh thì trúc tiếp sử với âm thanh. Nhưng khi gió đi rồi thì trúc không cần tiếc nuối âm thanh kia nữa.

Con chim nhạn bay ngang qua hồ lạnh mùa thu, nhạn qua rồi thì hồ không cần lưu luyến hình ảnh của chim nữa. 

Tiếp theo hai hình ảnh trên, thi sĩ kết luận: cho nên người quân tử, tức là hành giả, khi sự việc tới thì tâm đón nhận, không chờ đợi, không mong muốn trước; sự việc đi thì tâm lại rảnh rang, trống không.

Sự lai nhi tâm thỉ hiện, tức là chỉ khi sự việc đến thì mới để tâm nhìn nhận, với tất cả tâm ý.

Sự khứ nhi tâm tùy không, tức là sự việc đi qua rồi thì cái tâm ta theo đó mà trở thành vắng không.

Bài thơ thật hay. Hồi còn làm chú tiểu, tôi đã được đọc bài thơ này treo trên vách thiền viện, nét chữ của thầy Hoằng Thơ. Sống đời sống hàng ngày, ta tiếp xử sâu sắc với những gì đang xảy ra với chánh niệm. Nhưng khi những chuyện đó qua đi thì ta không lưu luyến, không bị ràng buộc nữa, dầu đó là một cái gì ngọt ngào, dầu đó là nỗi đau bùi ngùi hay cay đắng./.

(St)

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *