Quy khứ lai từ – Đào Tiềm

Quy khứ lai (Lời từ biệt khi về) là bài phú hay và rất nổi tiếng của danh sĩ Đào Tiềm (365 – 427), tự Nguyên Lượng, hiệu Uyên Minh, lại có biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh, là một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc thời nhà Tấn và Lưu Tống.

Chuyện rằng, năm 41 tuổi, Đào Tiềm làm quan lệnh Bành Trạch, có quan đốc bưu đến huyện, bọn tiểu lại khuyên ông nên buộc dây đai để tiếp quan đốc bưu, ông than rằng: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng trước bọn hương lý tiểu nhi”. Nói rồi, nội ngày đó ông trả ấn từ quan đi về làng cũ. Trên đường ông hoàn thành bài “Quy khứ lai” để biểu lộ chí của mình. “Quy khứ lai” có nghĩa “Hãy đi về đi!”, giống như câu nhà Phật đã thường nói: “Quy mệnh khứ lai”, “Quy y khứ lai”. Chữ “từ” là do người sau thêm vào.

Quy khứ lai đã bộc lộ tư tưởng của Đào Tiềm và ca tụng cảnh trí, thú vui ở vườn ruộng. Trước phần thơ, là phần Tự của Đào Tiềm: “Ta nhà nghèo, việc cấy trồng không đủ cung ứng cuộc sống. Con cái đầy nhà, trong hũ thì thiếu gạo, cuộc sống chưa phải giải quyết thế nào. Bà con, bạn bè đến khuyên ta ra làm quan. Không có gì cản trở, ta cũng có ý muốn tìm ít tước lộc, nhưng chưa tìm ra. Vừa lúc có việc quan các nơi, ta phụng mệnh quan ra kinh đô và được các chư hầu yêu mến, thúc phụ cũng thương ta nghèo nên tiến cử ta làm quan lệnh. Bây giờ giặc giã chưa yên, trong lòng ta vẫn cứ sợ phải đi xa; huyện Bành Trạch cách nhà độ hơn trăm dặm, số thu công điền cũng đủ cho cuộc sống. Vì thế ta xin được đến làm quan ở đấy. Không lâu sau, ta lại có ý nhớ nhà, muốn về nhà.

Tại sao thế? Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, giả vờ được. Sự đói lạnh tuy là quan trọng thực đấy, nhưng làm ngược lại bản tính mình còn đau khổ nhiều hơn. Trước giờ ta từng theo làm việc với người khác cũng chỉ vì miếng ăn mà phải chịu cảnh tôi mọi. Thế rồi ta cảm thấy thất vọng, bị khích động tủi thẹn cho chí bình sinh. Ta vẫn định làm quan chừng hơn một năm rồi hãy len lén thu xếp áo quần mà về quê. Nhưng chỉ được ít lâu, nghe tin em gái ta là Trình thị (theo họ chồng) mất ở Võ Xương; vì tình ruột thịt, khiến ta phải mau mau chạy tang và tự động xin từ chức. Từ trọng thu (tháng 8) đến mùa đông, ta làm quan được hơn 80 ngày. Theo việc, thuận lòng, ta viết bài “Quy khứ lai hề”. Tháng 11 năm Ất Tỵ (405).

Nhà văn nổi tiếng Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) nhận xét: “Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quý nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác…Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hòa, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa ai đạt được. Bài phú “Qui khứ lai từ”, viết vào tháng 11 năm 405, khi ông quyết định từ chức tri huyện, biểu hiện được tình cảm và thiên tài của ông… Có người cho rằng ông chủ trương “lánh đời”, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị chứ không lánh đời. Ông vui vẻ trở về cảnh điền viên giữa gia đình. Như vậy kết cục là một sự hòa hợp với thiên nhiên, với đời sống, chứ đâu phải là một sự phản kháng”.

Dưới đây là bản dịch “Quy khứ lai từ” của dịch giả Từ Long.

Đi về sao chẳng về đi,
Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về?
Đem tâm để hình kia sai khiến
Còn ngậm ngùi than vãn với ai?
Ăn năn thì sự đã rồi,
Từ đây còn lại, biết thôi mới là.
Lối đi lạc chưa xa là mấy,
Nay khôn rồi chẳng dại như xưa.
Con thuyền thuận nẻo gió đưa,
Gió hây hây áo thuyền lơ lửng chèo.
Hỏi hành khách lối nào đi tới,
Bóng mập mờ trời mới rạng đông.
Miền quê nẻo trước xa trông,
Chân hăm hở bước đường mong tới nhà.
Chạy đón chủ năm ba đầy tớ,
Đứng chờ ông mấy đứa trẻ con;
Rậm rì bao xóm con con,
Mấy cây tùng cúc hãy còn như xưa.
Tay dắt trẻ vào nhà mừng rỡ,
Rượu đâu đà sẵn chứa đầy vò;
Thoạt ngồi tay đã nghiêng hồ,
Cười nom sân trước thấp tho mấy cành.
Ngồi rễu cợt một mình trước sổ;
Khéo cũng hay vừa chỗ rung đùi;
Thăm vườn dạo thú hôm mai,
Cửa dù có, vẫn then cài như không.
Chống gậy dạo quanh vườn lại nghỉ,
Ngắm cảnh trời khi ghé trông lên:
Mây đùn mấy đám tự nhiên,
Chim bay mỏi cánh đã quen lối về.
Bóng chiều ngả bốn bề bát ngát,
Quanh gốc tùng tựa mát thảnh thơi.
Từ đây về thực, về rồi,
Thôi xin từ tuyệt với người vãng lai.
Vì ta đã với đời chẳng hiệp,
Cần chi mà giao thiệp với ai!
Chuyện trò thân thích mấy người,
Bạn cùng đèn sách khi vui đỡ buồn.
Người làm ruộng ôn tồn hỏi chuyện,
Tới xuân rồi sắp đến việc ta.
Hoặc truyền sắm sửa câu xa,
Hoặc khi đủng đỉnh thuyền ra coi đồng.
Dưới khe nọ nước vòng uốn éo,
Bên đường kia gò kéo gập ghềnh;
Cỏ cây mơn mởn màu xanh,
Suối tuôn róc rách bên ghềnh chảy ra.
Ngắm muôn vật đương mùa tươi tốt,
Ngán cho ta thôi trót già rồi.
Thôi còn mấy nỗi ở đời,
Khứ lưu sao chẳng phóng hoài tự nhiên,
Cớ chi nghĩ thêm phiền tức dạ,
Đi đâu mà tất tả vội chi?
Giàu sang đã chẳng thiết gì,
Cung tiên chưa dễ hẹn kỳ lên chơi!
Chi bằng lúc chiều trời êm ả,
Việc điền viên vất vả mà vui.
Lên cao hát một tiếng dài,
Xuống dòng nước chảy ngâm vài bốn câu.
Hình thể này mặc dầu tạo hoá,
Tới lúc nào hết cả thì thôi.
Lòng ta phó với mệnh trời,
Đừng ngờ chi nữa cứ vui vẻ hoài!

Sưu tầm.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *