Xéc-gây Ê-xê-nhin, nhà thơ của thiên nhiên và tình yêu

X.ê-xê-nhin sinh ngày 3-10-1895 tại vùng Ku-dơ-min-xki, thuộc tỉnh Ria-dan của nước Nga. Lên chín tuổi, Ê-xê-nhin đã bắt đầu làm thơ, nhưng đến năm 18 tuổi, thơ của ông mới được đăng báo. Từ đó, những bài thơ về thiên nhiên làng quê Nga của Ê-xê-nhin làm xôn xao dư luận người đọc, và lập tức, ông trở thành nhà thơ nổi tiếng, được đặc biệt hâm mộ. Đúng như lời tâm sự của Ê-xê-nhin với mẹ từ trước, trong một bài thơ nho nhỏ của mình: Ngày mai mẹ thức con dậy sớm/Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà/Người ta bảo con sắp thành thi sĩ/Nổi tiếng, và, một thi sĩ người Nga.

Phải chăng, người ta hâm mộ vì thơ ông đẫm ướt tâm hồn Nga?

Ê-xê-nhin là nhà thơ lớn của Nga và Liên Xô (trước đây). Khi nhắc đến nền thơ Xô-viết, người ta thường kể đến Ê-xê-nhin cùng với Blốc, Mai-a-cốp-xki. Ê-xê-nhin cũng là nhà thơ lớn của thế kỷ XX, tiếc rằng, cuộc đời nhà thơ kết thúc quá sớm ở tuổi 30. Nhắc đến Ê-xê-nhin cũng có nghĩa là nhắc đến thiên nhiên Nga. Có nhiều nhà văn, nhà thơ Nga đã dành cả đời mình cho thiên nhiên Nga, nhưng Ê-xê-nhin có tài kỳ lạ trong việc vẽ tranh phong cảnh bằng những câu thơ giản dị. Những bức tranh thiên nhiên của ông là tranh thuốc nước, mầu sắc thật là hài hòa, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi những ấn tượng độc đáo. Chính sự kết hợp hài hòa mầu sắc và bố cục, làm tôn lên một cách bất ngờ cái ông định tập trung mô tả. Cây cỏ trong thơ Ê-xê-nhin lúc nào cũng ánh lên, phát sáng lung linh. Hầu như ánh sáng từ cây cỏ là sự phản chiếu ánh lửa từ đôi mắt thăm thẳm của thi sĩ. Có người nhận xét rằng, Ê-xê-nhin có đôi mắt cháy rực một ánh lửa buồn rười rượi. Nhận xét ấy dường như không thật thỏa đáng với những bài thơ ông viết ở tuổi thiếu niên. Nhưng dù sao thì đôi mắt của Ê-xê-nhin cũng có lửa, và nhờ vậy nó đã khiến cho thiên nhiên phát sáng chung quanh ông. Sự phát sáng này xảy ra rất nhiều lần trong thơ Ê-xê-nhin: Muôn chồi non ngậm tuyết/Chĩa bạc lên nền trời; Và hạt tuyết vẫn cháy/Trong ánh lửa bằng vàng; Trên gò đất cây bạch dương, cây bạch dương/Trong trăng sáng lên như thanh bạc.

Không gian trong thơ Ê-xê-nhin là một không gian rực rỡ sắc mầu, trước hết là mầu sắc của mặt trời. Ê-xê-nhin ít tả trực tiếp về mặt trời, không phải vì mặt trời quá chói chang khiến mắt anh không thích nhìn mãi vào nó, mà vì anh biết cái đáng quan tâm nhất của mặt trời là cái gì. Đó là ánh sáng. Và trong muôn vàn ánh sáng do mặt trời tỏa chiếu, anh đặc biệt quan tâm đến bình minh và hoàng hôn.

Hoàng hôn như một quyển kinh thánh đỏ/Đang cầu nguyện những tin lành.

Đối với Ê-xê-nhin, bình minh là biểu tượng cho tương lai tươi sáng, một tương lai đẹp đẽ trong giấc mơ của cậu bé chăn bò: Quên đi nỗi nhọc nhằn/Tôi ngủ trên khúc gỗ/Trong mơ, bình minh đỏ/Rước lễ bên suối trong.

Nếu tả thiên nhiên mà chỉ để tả thiên nhiên thôi, thì dù có tài hoa đến mấy, cũng mới là tài hạng hai. Thiên nhiên trong thơ Ê-xê-nhin là thiên nhiên của lòng người hòa nhập. Nói cách khác, thiên nhiên đã thở bằng hơi thở Ê-xê-nhin, sống bằng sức sống Ê-xê-nhin, cảm và nghĩ bằng trái tim thi sĩ. Sự tả cảnh trong thơ Ê-xê-nhin bao giờ cũng như để chuẩn bị cho một cái gì đó sâu xa hơn, nói chính xác là sự tả cảnh tự mang trong nó cái gì sâu xa ấy. Đó là lòng người.

Nói đến tình yêu con người trong thơ Ê-xê-nhin, không thể không nhắc đến mảng thơ tình của ông. Đấy là những bài thơ tình vào loại “gối đầu giường”, cho đến bây giờ, nó đã được rất nhiều người thuộc như thuộc ca dao. Cái hay của những bài thơ tình này không chỉ ở nhạc điệu tuyệt vời mà người ta có thể dễ dàng hát lên được, cũng không phải vì nó mô tả những tâm trạng cô đơn tuyệt vọng của tình yêu éo le, rắc rối. Điều chủ yếu, đấy là những bài thơ của tình yêu rực cháy khát vọng hạnh phúc của tuổi trẻ. Và nó được ghi lại một cách chân thực. Cảm giác như là tình yêu của chàng trai Ê-xê-nhin tràn trề như thế nào, thì những dòng thơ tình yêu của thi sĩ Ê-xê-nhin cũng tuôn chảy như vậy.

Cao hơn tất cả những tình yêu bình thường phải là tình yêu với sự bộc lộ bản năng cao đẹp của con người. Nếu như bây giờ, người ta coi sự thật là biểu tượng cao cả của đạo đức, thì chính Ê-xê-nhin, từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng đốt lên một ngọn lửa bằng nhiên liệu sự thật trong những bài thơ tình của mình. “Tôi không nói cùng người yêu những lời không có thật”, câu thơ như một câu thề thốt, bởi nó không phải là sự thề thốt, nó là sự giãi bày với chính mình, thi sĩ Ê-xê-nhin. Sự thật bao giờ cũng mang trong bản thân nó tính hồn nhiên tuyệt đối. Thơ tình của Ê-xê-nhin cũng vậy.

Người yêu hỏi rằng: “Gió tuyết có không anh?/Để trải đệm? Hay đốt lò sưởi vậy?”/Tôi nói với người yêu: “Từ trên cao ấy/Đang có người tung hoa tuyết trắng tinh/Hãy đốt lò, hãy trải đệm đi em/Anh không em, tim anh như bão tuyết!”.

Người đời thường cho rằng, những ai chỉ sống với bản năng thì rốt cuộc chẳng làm nên được trò trống gì. Nghĩa là anh ta thiếu sự kiềm chế của ý thức, và bởi vậy mà tự cắt đứt những sợi dây ràng buộc với xã hội. Nhưng bản năng tâm hồn Ê-xê-nhin thì khác, đấy là cái bản năng người nhất, cái bản năng mà tự nó là một sự cao thượng, vừa đáng kính nể lại vừa dễ gần gũi.

Rồi người những đời sau có thể quên đi rằng, trước khi đến yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Lê-nin-grat (nay là Xanh Pê-téc-bua), tháng 12-1925, quan tài Ê-xê-nhin đã được đưa quanh tượng đài Puskin… nhưng người ta sẽ không bao giờ quên thơ ông, những bài thơ thuộc về thiên nhiên và con người trên Trái đất.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *