365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 12 tháng 10: Dòng suối ẩn mình trong hoang mạc – Dư Vũ Thư

Dòng suối ẩn mình trong hoang mạc

Dư Vũ Thư (1946 -)

Đằng sau cây có một căn nhà sơ sài, có một bà sư già bước ra. Tay cầm chuỗi tràng hạt, mặt chi chít nếp nhăn nhưng lại rất trầm tĩnh. Tôi muốn hỏi, bà vì sao một mình bám trụ nơi đây? Lần đầu đến đây năm bao nhiêu tuổi? Nhưng cuối cùng cảm thấy với người xuất gia, việc truy hỏi như thế quá ư vụng về.

Sa mạc mênh mông, nước chảy cuồn cuộn, trên đời chẳng có điều gì là lạ kỳ. Chỉ có một ốc đảo như thế giữa đại mạc, một nơi tĩnh lặng giữa gió cát, một cảnh vật như thế giữa hoang vu, một bước chân như thế sau ngọn đồi cao, mới thấm hiểu âm luật của trời đất, sự tinh tế của tạo hóa khiến con người ta đắm say.

Từ đó suy ra, cuộc đời, thế giới, lịch sử chẳng qua cũng như vậy. Mang lại sự tĩnh mịch cho nơi ồn ã, mang lại sự mát lành cho hối hả, mang lại sự chất phác cho cao ngạo, mang lại sự tinh tế cho thô ráp, chỉ như thế cuộc đời mới linh động, thế giới mới đẹp đẽ, lịch sử mới thanh tao.

Tuy nhiên, con người ta đã quen với muôn vẻ khoa trương một chiều. Đến sự vĩ đại của tự nhiên cũng xù xì, thô ráp, lười gia công tỷ mỉ, nên khiến cho nhân thế phải chịu liên lụy.

Bởi vậy, sự cô quạnh một mình bà sư già cũng chẳng phải không có đạo lý. Khi bà lắng nghe tiếng gió cát gào thét kinh động hồn phách suốt đêm trong căn nhà sơ sài đó, sáng hôm sau có thể rửa sạch nhĩ căn bằng thủy sắc mát lành. Khi bà nhìn được dòng nước trong xanh, ngẩng đầu thì có thể ngắm được bức tường cát rực rỡ.

Núi có tên Minh Sa, suối có tên là Nguyệt Nha. Tất cả đều ở huyện Đôn Hoàng.

— Trích từ “Chuyến khổ hành của văn hóa”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *