365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 14 tháng 11: Dâng mười điều khuyên Đường Thái Tông – Ngụy Trưng

Dâng mười điều khuyên Đường Thái Tông

Ngụy Trưng (Đường) (580 – 643)

Người làm vua một nước, khi đứng trước thứ khiến mình thích thú phải biết tri túc để giữ mình;

Chuẩn bị làm một điều gì đó nên suy nghĩ có phù hợp để khiến cho muôn dân được ổn định hay không;

Nghĩ đến đế vị ở trên cao thì phải khiêm tốn và kiềm giữ bản thân hơn nữa;

Sợ kiêu ngạo, tự mãn nên nghĩ đến việc biển cả là do trăm sông phải hội về;

Thích săn bắn thì nghĩ đến đặt lưới ba mặt, để lại một mặt cho thú chạy thoát, đừng dồn ai đến đường cùng;

Lo lắng ý chí buông lơi thì nghĩ đến việc phải luôn thận trọng từ đầu đến cuối;

Lo lắng chưa hiểu vấn đề do nghe tấu sớ chưa rõ, thì phải biết lắng nghe ý kiến quần thần;

Nghĩ đến việc trong triều có gian thần, thì phải khiến bản thân đoan chính để dẹp gian tà;

Ban cho ân trạch không phải vì niềm vui nhất thời mà thưởng không đúng;

Khi dùng hình phạt không vì tức giận nhất thời mà lạm dụng.

Làm được mười điều suy ngẫm ấy, đề cao chín nét đức sáng, tuyển lựa người tài mà dùng, nghe theo những ý kiến hay mà thực hiện.

Làm theo mười điều thiện ấy thì bậc tri thức sẽ dốc lòng mưu lược, kẻ dũng sĩ sẽ tận lực cống hiến, bậc nhân ái sẽ đem đến cho mọi người ân huệ, người chân thật sẽ một lòng sắt son.

— Trích từ “Trinh Quán chính yếu”

*

Ngụy Trưng (tiếng Trung Quốc: 魏徵; Wei Cheng, 580 – 11/2/643), biểu tự Huyền Thành (玄成), là một nhà chính trị và sử học thời đầu thời nhà Đường.

Tuy từng phục vụ nhiều đối thủ trên chiến trường và chính trường của Đường Thái Tông, Ngụy Trưng vẫn được nhà vua trọng dụng, ông được phong chức Gián nghị đại phu với nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm. Sự thẳng thắn và sáng suốt của Ngụy Trưng đã trở nên nổi tiếng trong sử sách và ông được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử. Ngụy Trưng còn là một nhà sử học có tiếng đầu thời nhà Đường, ông là chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử.

*

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *