Bạch Cư Dị (Đường) (722 – 846)
Bài thơ uống rượu
Thân phận ốc sên tranh chuyện chi
Đá kia phát lửa có vui gì?
Giàu nghèo cứ mặc lòng thụ hưởng
Chớ vội chê cười kẻ mê si.
*
Hoa trong chốn Tăng phòng
Tu hành nên tỏ lý sắc không
Hạt giống Phật tăng khéo vui trồng
Rõ xem ấy chính Hoa nghiêm kệ
Phương tiện mở bày trí tuệ thông.
*
Suối Bạch Vân
Ngọn Thiên Bình ấy suối Bạch Vân
Nước xanh mây trắng tự trong ngần
Trên đình núi cao lao xuống thẳng
Có sao sóng vỗ thế nhân tâm?
*
Hoa chẳng phải hoa
Hoa chẳng phải hoa, sương chẳng sương
Nửa đêm chợt đến sáng lên đường
Đến như xuân mộng bao nhiêu độ
Đi thời mây sớm biết đâu tường.
*
Quán huyễn
Có sinh thời sẽ có diệt thôi
Chẳng phút giây nào được thảnh thơi
Vui mừng hết đến nỗi đau khổ đó
Đau khổ rồi cùng hóa không thôi.
Tuổi già chợt đến mắt mờ đi
Như đèn trước gió có khác gì
Tìm chi giữ chốn vô minh đó
Chim trời lưu dấu có mấy khi.
*
Đọc thiền kinh
Đời là ảo tưởng đấy thôi
Vô dư an trụ ấy thời hữu dư
Lời nói cũng chính phù hư
Mộng trong giấc mộng nhất như khác gì?
Không hoa quả ấy mong chi
Mặt trời thiêu đốt cá thì tìm đâu
Động thiền thời cũng như nhau
Chẳng thiền, chẳng động niệm câu ngộ thiền.
— Trích từ “Bạch Cư Dị thi tập hiệu chú”
*
Vấn đạo Thiền sư Điểm Khỏa
Riêng vào của Không vấn khổ, không
Việc thiền dám lại hỏi Thiền ông
Phù sinh việc ấy xem như mộng
Phù sinh với mộng há chẳng đồng?
— Trích từ “Võ lâm Tây Hồ cao tăng sự lược”
Bạch Cư Dị (chữ Hán: 白居易; 772 – 846), biểu tự Lạc Thiên (樂天), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士), Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主), là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.
Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chẩn ngâm thơ, uống rượu, được người đời gọi là Nguyên Bạch (元白). Sau này, khi Nguyên Chẩn mất, lại cùng Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch (劉白). Đường Tuyên Tông gọi ông là Thi Tiên (詩仙)
Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: “Làm văn phải vì thời thế mà làm… Làm thơ phải vì thực tại mà viết”, mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ của ông lan truyền trong dân gian, thậm chí lan sang ngoại quốc như Tân La, Nhật Bản, có ảnh hưởng rất lớn.
Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến Trường hận ca, Tỳ bà hành, Tần trung ngâm,.. và Dữ nguyên cửu thư.
(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/)
Bài viết bạn có thể quan tâm: