Trâu Kỵ khuyên vua Tề
Lưu Hướng (Tây Hán) (77 – 6 TCN) biên soạn
Trâu Kỵ là người có tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Ông ta nghe nói Từ Công ở phía bắc thành là một nam tử đẹp đẽ, nên mới lần lượt hỏi người vợ, người thiếp và người khách đến thăm rằng: “Ta và Từ Công ai đẹp hơn?”
Cả ba đều đáp rằng: “Từ Công không thể đẹp như ngài!”
Hôm sau, Từ Công đến thăm, Trâu Kỵ nhìn kỹ và tự nhận thấy rằng bản thân mình thua xa Từ Công. Đêm đến ông trằn trọc suy nghĩ: “Vợ ta nói ta đẹp là do yêu ta; người thiếp nói ta đẹp là do sợ ta; khách nói ta đẹp là do có việc đang cầu cạnh ở ta!”
Vì thế, Trâu Kỵ mới tâu lên Tề Uy Vương rằng: “Đất nước Tề rộng lớn ngàn dặm, có 120 thành ấp; phi tần trong hậu cung của bệ hạ đều yêu quý bệ hạ; bá quan văn võ trong triều không có ai không sợ bệ hạ; người dân nước Tề đều cần đến bệ hạ. Có thể thấy, những điều bệ hạ bị che giấu e rằng còn nhiều và đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa!”
Do vậy, Tề Uy Vương ban bố lệnh rằng: “Kẻ nào có thể trực tiếp chỉ ra sai lầm của trẫm thì sẽ được đặc biệt ban thưởng cho hạng nhất; kẻ nào viết tấu thư trình lên sẽ được thưởng hạng trung; kẻ nào ở nơi đông người kể ra lỗi sai của ta và truyền đến tai ta thì được thưởng hạng thấp”.
Sau khi ban lệnh, người trình tấu thư nhiều vô kể, xếp hàng chật kín trong ngoài cung. Việc tấu trình này kéo dài cho đến một năm sau mới dần hết. Nên nước Yên, nước Triệu, nước Hàn, nước Ngụy nghe thấy chuyện đó đều đến bái kiến Tề Uy Vương.
Đây chính là “ở trong triều chưa dùng tới binh đã đánh thắng được quân định”.
— Trích từ “Chiến quốc sách”.
*
Lưu Hướng (giản thể: 刘向; phồn thể: 劉向; bính âm: Liu Xiang; 77 TCN – 6 TCN), tự Tử Chính, tên thật là Canh Sinh, về sau đổi thành Hướng, dòng dõi tôn thất nhà Hán, Trung Quốc. Là học giả, nhà chính trị thời Tây Hán. Trước tác để lại khá nhiều gồm Biệt lục, Tân tự, Thuyết uyển, Liệt nữ truyện, Hồng Phạm ngũ hành. Đồng thời còn biên soạn và hiệu đính Chiến Quốc sách, Sở Từ.
*
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân