365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 21 tháng 1: Hiểu biết và thực hành – Chu Hi

Cảm nghĩ khi đọc sách

Chu Hy (Tống) (1130 – 1200)

Nửa mẫu ao vuông tựa gương soi

Bồng bềnh mây trắng bay lả lơi

Hỏi sao ao nước trong như thế

Bởi nước đầu nguồn mãi tuôn trôi.

*

Cảm nhận cỏ mọc bên đường

Thế gian khắp chốn nghinh xuân

Đường xa nào ngại vướng chân lữ hành

Câu này tôi muốn khuyên anh

Lập thân xử thế vang danh cho mình.

*

Lời khắc ghi về kính trọng và rộng lượng

Điều mình không muốn

Đừng ép cho ai

Hành xử như thế

Người người thong dong.

Trong nhà hòa thuận

Bên ngoài yên vui

Bất kể lớn nhỏ

Chẳng hề oán than.

Công đức nhân từ

Chẳng gì sánh được

Kính trọng rộng lượng

Mãi mãi khắc ghi.

*

Hiểu biết và thực hành

Hiểu biết và thực hành phải luôn được nỗ lực thực hiện đồng thời như nhau.

Hiểu biết phải cặn kẽ, thực hành phải dốc lòng; khi dốc lòng thực hành thì hiểu biết lại càng sáng tỏ.

Cả hai không được thiên lệch bên nào.

Như đôi chân của con người, chân trước chân sau lần lượt bước đi thì sẽ đi tới nơi. Nếu một chân yếu đi thì khó có thể tiến thêm một bước.

Cho nên trước tiên cần phải hiểu biết sau đó mới thực hành. Vì thế, sách Đại học yêu cầu đầu tiên phải hiểu biết tường tận (trí tri); sách Trung dung thì đặc biệt xếp “hiểu biết” đứng đầu, kế đến mới tới “nhân từ” “dũng cảm”; còn Khổng Tử luôn nhấn mạnh “phải đầy đủ kiến thức”. Cho nên học vấn uyên thâm, suy nghĩ cẩn trọng, phân biệt rõ ràng, nỗ lực thực hiện, tất cả các yếu tố đó đều không thể thiếu.

— Trích từ “Hối Am thi tập”

*

Chu Hi (朱熹; 1130 -1200) tự Nguyên Hối (元晦) hoặc Trọng Hối (仲晦), trai hiệu Hối Am (晦庵), là một nhà thư pháp, nhà sử học, nhà triết học, nhà chính trị và nhà văn Trung Quốc thời nhà Tống. Đối với Triết học Trung Quốc, ông định ra Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ cùng Mạnh Tử làm nhóm Tứ Thư, hình thành nền tảng quan trọng cho khoa cử xuyên suốt các triều đại Trung Quốc từ năm 1313 đến năm 1905 và ảnh hưởng rất lớn tư duy từ nhà Minh về sau. Ông là người đã phát triển học thuyết lí – khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa Lý học Tống Nho lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học. Những học thuyết của Chu Hi đã góp phần định hình cơ bản con người Trung Hoa cũng như thế giới quan cho hậu thế, cũng vì vậy mà ông được người đời tôn xưng “Chu Tử“.

Ông là một học giả uyên bác, có kiến thức uyên thâm về những tác phẩm kinh điển, các loại bình thư, sử ký, cũng như các tác phẩm của nhiều bậc tiền bối. Khi trưởng thành, ông thường tránh né các loại công vụ, nhưng ông vẫn nhiều lần đủ khả năng đứng vào hàng ngũ đại thần triều đình. Chu Hi đã viết, biên soạn và hiệu đính gần một trăm cuốn sách và trao đổi thư từ với hàng chục học giả khác. Ông trải qua 4 đời Hoàng đế Nam Tống; đóng vai trò như một người thầy của các nhóm sĩ phu, nhiều người trong số họ đã chọn theo học ông trong nhiều năm. Sau khi qua đời, ông được triều đình ban thụy hiệu là chữ Văn, nên còn được gọi Chu Văn Công (朱文公).

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *