365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 3 tháng 4: Bốn điều uy nghi trong gia đình

Từ Thọ Hoài Thâm (Tống) (1077 – 1132)

Đi đứng trong nhà phải thuận hòa với tất cả, không tranh chấp hơn thua, thì gia đình hạnh phúc như hoa sen đang mùa nở rộ.

Sống ở trong nhà, sớm dậy mở cửa, tối then cài, xách nước gánh củi chẳng nề hà, nên biết Phật khi còn phàm phu cũng làm việc nhà.

Ngồi ở trong nhà hay căn phòng rộng lớn là gì chứ? Một ánh linh quang rực rỡ điểm lên, hà tất lên núi tìm Đạt Ma?

Nằm ở trong nhà muốn co duỗi chân tay đều do ta, nếu ngủ một giấc đến trời sáng thì nên tin rằng tham thiền cũng thua ta.

— Trích từ “Từ Thọ Hoài Thâm Thiền sư quảng lục”

*

Từ Thụ Hoài Thâm 慈受懷深 (1077-1132) là thiền sư Trung Quốc đời Tống, thuộc phái Vân Môn. Ông xuất thân vùng Lục An, phủ Thọ Xuân (tỉnh An Huy), họ là Hạ. Năm lên 14 tuổi, ông xuống tóc xuất gia, rồi vào năm Sùng Ninh thứ nhất, ông đến Gia Hoà (tỉnh Triết Giang), kế thừa dòng pháp của Trường Lô Sùng Tín 長蘆崇信 ở Tư Phúc tự 資福寺. Khi Sùng Tín chuyển đến Trường Lô, ông đi theo thầy và tại đây gặp được Phật Giám Huệ Cần 佛鑑慧懃.

Vào ngày mồng 10 tháng 8 năm Chính Hoà thứ 3 (1113), ông bắt đầu khai mở đạo tràng thuyết pháp tại Tư Phúc tự vùng Thành Nam, Nghi Chân (tỉnh Giang Tô). Sau do vì Thần Tiêu Cung 神霄宮 được sửa sang lại, nên ông chuyển đến Tương Sơn và sống tại Tây Am. Ngày mồng 6 tháng 9 năm thứ 7 cùng niên hiệu trên, thể theo lời thỉnh cầu ông đến trụ trì Tiêu Sơn (tỉnh Giang Tô). Rồi theo sắc chiếu vào năm Tuyên Hoà thứ 3 (1121), ông đến trụ trì Huệ Lâm thiền viện 慧林禪院 ở Đại Tướng Quốc tự trên Đông Kinh (tỉnh Hà Nam). Ngày 22 tháng 5, ông khai đường thuyết pháp tại đây, đến năm Tĩnh Khang thứ 2 (1127), ông xin phép rời khỏi Huệ Lâm thiền viện nhưng nhà vua không chấp thuận, lần thứ hai ông xin tiếp và bỏ đi. Ông đi qua Thiên Thai, đến Linh Nham, sau đó lại trở về Tương Sơn, trải qua mấy tháng tại đây, và cuối cùng lui về ẩn cư tại Bao Sơn ở Động Đình. Ngày 20 tháng 4 năm Thiệu Hưng thứ 2, ông thị tịch, hưởng thọ 56 tuổi đời và 36 hạ lạp.

Tác phẩm: Từ Thọ Thâm hoà thượng quảng lục 慈受深和尚廣錄 4 quyển.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *