Bài thơ khuyên đời
Đường Dần (Minh) (1470 – 1524)
Danh lợi chẳng ràng buộc vào thân
Thấu triệt nhân gian chuyện bao lần
Người tính sao qua trời cao tính
Tranh đấu chi bằng tự tĩnh tâm.
Đến đi qua lại có rồi không
Cách biệt chỉ trong một giấc nồng
Vô tri lắm kẻ còn hiểu thấu
Thông minh được mấy kẻ làm xong?
Thế sự như thuyền trên mặt sông
Chẳng Tây thì cũng dạt về Đông
Thiên không bao độ trăng tròn khuyết
Cuộc sống mong chi mãi hanh thông.
Người sống trên đời mấy ngày vui
Hết xuân hoa thắm cũng rụng rơi
Thị phi sai đúng nên nhẫn nhịn
Hết đúng sai rồi tự an thôi.
Hành sự cần nên hợp thời cơ.
Suy lường hậu quá chớ lơ mơ
Chu Du Xích Bích đâu còn nữa
Ai thay Hạng Vũ dựng cơ đồ?
Thắng thời nên hiểu ấy vận may
Tha thứ cho người việc chẳng sai
Biện luận đối đầu không hồi kết
Chi bằng nhẫn nhịn nhẹ nhàng ngay.
Đời trước hồ đồ mãi chẳng quên
Làm thân bọt nước cứ lênh đênh
Dụng tâm suy tính trăm ngàn kế
Chết thời công đạo có hoan nghênh?
Giữ ánh tà dương được mấy lâu
Quá khứ người ơi chớ quay đầu
Mau mau giải tận tường thiên ý
Chẳng nhọc đêm thâu luống dạ sầu.
— Trích từ “Lục như cư sĩ toàn tập”
*
Đường Dần (tiếng Trung: 唐寅, 7 tháng 3 năm 1470 – 7 tháng 1 năm 1524) là một danh họa, một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Minh, thời Minh Vũ Tông. Đường Dần là một trong bốn tài tử nổi tiếng ở Tô Châu và cũng là một trong Minh tứ gia, nhóm bốn danh hoạ nổi tiếng sống vào đời nhà Minh.
Đường Dân quê ở Ngô huyện (nay là thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô). Ông xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có, cha là Đường Quảng Đức (唐廣德), mẹ là Khâu thị (邱氏).
Đường Dần tự là Tử Uý, Bá Hổ (nên còn được gọi là Đường Bá Hổ), hiệu là Lục Như cư sĩ, Đào Hoa am chủ, Lỗ quốc đường sinh, Thoát thiền tiên lại, tự xưng là Minh triều Giang Nam đệ nhất phong lưu tài tử. Tương truyền ông sinh vào giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần, năm Dần (Thành Hóa thứ 6 đời Minh Hiến Tông nhà Minh) do vậy được đặt tên là Đường Dần.