365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 25 tháng 9: Kinh dịch; Binh pháp Tôn Tử

Kinh dịch

Chu Văn Vương (Chu) (1152 – 1056 TCN)

Điều thiện không tích, không gây được tiếng tốt, danh thơm;

Điều ác không tích, không tự hại mình, chẳng hại người.

Thế giới tự nhiên vận động kiên cường, cũng giống như vậy bậc quân tử mong cầu tiến bộ, kiên nghị chí hướng vững bền;

Đại địa đôn hậu hòa thuận, người quân tử cũng nên học mỹ đức đó bao dung vạn vật.

Quân tử học tập để thu góp kiến thức, dùng hỏi đáp để phân biệt đúng sai;

Dùng tấm lòng rộng rãi để xử thế, dùng điều nhân đức để thực hiện hoài bão.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Nước chảy đến nơi ẩm thấp, lửa cháy đến nơi khô ráo; thân thiết giao lưu với người anh dũng mưu lực, lòng dân hướng về người uy dũng chính trực.

Người tiểu nhân cho việc thiện nhỏ vô ích không cần làm, cho việc ác nhỏ chẳng quan tâm; khiến nó trở thành thói quen, một khi cái ác nhiều rồi thì sao che đậy được nữa, tự rước họa vào thân.

— Trích từ “Kinh dịch”

*

Binh pháp Tôn Tử

Tôn Vũ (Xuân Thu) (545 – 470 TCN)

Thiên Mưu công (trích)

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng;

Không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua;

Không biết người, không biết ta, mọi trận đều thất bại.

*

Thiên Hư thực

Cách dùng binh cũng như dòng chảy của nước vậy, quy tắc vận hành của nước là từ chỗ cao đổ xuống thấp. Thế dụng binh trên chiến trường là do ta biết tránh chỗ mạnh của quân địch mà đánh vào chỗ yếu. Nước tùy địa hình cao thấp mà định được hướng chảy, tác chiến căn cứ vào tình hình của địch mà quyết định sách lược.
Dụng binh tác chiến không có kế hoạch gì cố định cả, như nước không có hình trạng nhất định vậy. Dựa vào biến đổi của địch mà chiến thắng thì gọi là dụng binh như thần.

Ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa và thổ tương sinh tương khắc, không có hành nào luôn thắng hành nào. Bốn mùa xuân, hạ, thu và đông nối tiếp nhau thay đổi, không có mùa nào cố định mãi. Bóng mặt trời lúc dài lúc ngắn, vành trăng cũng có khi tròn khi khuyết.

— Trích từ “Binh pháp Tôn Tử”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 

365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *