Khi trí thức rơi khỏi đạo lý: Bi kịch của cái đầu không tim

Người xưa nói: “Học để làm người.” Thời nay, người ta học để làm… công cụ. Công cụ phát ngôn, công cụ phán xét, công cụ nổi tiếng, công cụ phủ định tất cả – trừ chính sự trống rỗng của mình. Và trong khi đầu họ chất đầy lý thuyết, thì trái tim đã khô cong như một nhành củi mục, không còn đủ độ ẩm của lòng trắc ẩn.

Thế là sinh ra một thứ quái thai thời đại: trí thức vô đạo, một giống loài tưởng mình đang khai sáng nhân loại, nhưng thực chất đang thiêu rụi những tàn lửa cuối cùng của đạo lý bằng ngọn đuốc ngụy triết học.

Họ không tin vào Thần, không tin vào Phật, không tin vào điều thiêng liêng. Nhưng họ lại tin vào… chính họ. Tin đến mức cuồng tín, tin đến mức bất kỳ ai sống khác đi cũng phải bị gán mác “ngụy tạo”, “lừa bịp”, “tín ngưỡng độc hại”.

Thích Minh Tuệ, một người không giảng đạo bằng PowerPoint, không xuất hiện trên podcast triết học, không có học vị để làm khiên chắn cho sự ngạo mạn, lại trở thành cái gai trong mắt họ. Vì sao? Vì ông tồn tại như một nhắc nhở sống về điều họ đã đánh rơi: sự thật giản đơn không cần diễn giải.

Người trí mà không có tim, thì giống như một con dao mổ sắc bén nhưng vô chủ – sớm muộn gì cũng gây thương tích. Họ nhân danh “lý tính” để bóp méo lòng tin, nhân danh “phân tích” để cắt vụn đạo đức, và nhân danh “phản biện” để hợp pháp hóa sự khinh miệt.

Nhưng khốn thay, điều họ không hiểu là: khả năng lý luận không chứng minh cho giá trị đạo đức. Một kẻ có thể diễn giải được mười định đề về nhân sinh, nhưng không biết cúi đầu trước nỗi đau của người khác, thì vẫn là một kẻ thiển cận – chỉ khác là thiển cận bằng ngôn ngữ hoa mỹ hơn.

Chân lý không cần học vị để bảo vệ. Lẽ phải không cần thạc sĩ để chứng minh. Và đạo lý – nếu còn tồn tại – thì không nằm trong sách, mà nằm trong cách người ta im lặng khi cần, và lên tiếng khi phải.

Và trong cơn khủng hoảng hiện sinh của một xã hội quá dư thừa thông tin, nhưng thiếu vắng lòng từ, người như sư Thích Minh Tuệ không phải là nguy cơ. Họ là liều thuốc giải. Nhưng với những ai đã nghiện thói quen phủ định mọi giá trị, thì thuốc giải cũng trở thành kẻ thù.

Thế là họ rút ngòi bút như dao, tung lời nói như lưỡi lê, và viết ra những bài dài lê thê không để hiểu, mà để giết – giết đi những gì khiến họ xấu hổ về bản thân.

Đó là bi kịch không ai nhắc đến: những kẻ có đầu óc, nhưng trái tim đã tắt.

Họ không cần bị đánh bại. Họ đang tự tiêu diệt mình mỗi ngày, trong nỗi cay đắng không tên khi thấy một người tu hành lặng lẽ đi qua đời… mà để lại nhiều hơn tất cả những bài viết ồn ào của họ cộng lại.

(Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *