Bài 19: Ngài Minh Tuệ – Chánh đẳng giác giữa cõi nhân gian

(“Nếu họ nói xấu, kiện cáo con mà họ thấy hạnh phúc thì con cũng mừng cho họ”- Ngài Minh Tuệ)

Ngài Minh Tuệ (phải nhắc lại một lần nữa)- cái tên gắn liền với đời sống tu hành thanh bần, giản dị, và từ bi tỏa sáng giữa bao nhiêu thử thách của cuộc đời.

Dẫu Ngài luôn khiêm cung tự nhận mình chỉ là “kẻ đang trên đường học tập tu hành”, nhưng với những ai có mắt tuệ nhãn, từng chứng kiến và cảm nhận sự bình thản, từ ái, nhẫn nhục vô biên trong từng hành xử của Ngài- thì không thể không thấy rằng: Ngài Minh Tuệ đã đạt đến chánh đẳng giác, vị trí cao quý mà không phải ai khoác áo cà sa cũng chạm tới.

Ngài không chỉ là một bậc tu sĩ hành đạo, mà là hiện thân của lòng từ bi không điều kiện.

Dẫu chịu biết bao “búa rìu dư luận”, những lời bịa đặt, vu cáo ác ý, sự sách nhiễu đến mức có người còn mang “ma tâm” theo Ngài sang tận Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thiêng liêng gắn với sự giác ngộ của Đức Phật, để gây rối, ném đất đá vào nơi tăng đoàn tu hành.

Hành vi ấy chẳng khác gì thời Đức Phật còn tại thế, từng bị ngoại đạo chửi rủa, hãm hại, và vu khống.

Ấy vậy mà mỗi khi được hỏi, Ngài chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nếu họ nói xấu, kiện cáo con mà họ thấy hạnh phúc thì con cũng mừng cho họ.”

Câu nói tưởng như đơn giản ấy là kết tinh của đại từ, đại bi, đại trí. Đó không còn là nhẫn nhịn thông thường, mà là vô úy nhẫn- một loại nhẫn chịu không xuất phát từ sự cố gắng kìm nén, mà từ sự an trú trong tuệ giác.

Chính nhờ cái nhìn sâu thẳm vào bản chất khổ đau của con người, Ngài Minh Tuệ không trách những kẻ vu khống mình, mà còn khởi tâm hoan hỷ nếu điều đó mang lại an vui cho họ.

Đó là lòng từ bi trong sáng đến vô ngã, nơi bản ngã đã tan biến để chỉ còn lại hạnh phúc của tha nhân.

Trong kinh điển, Đức Phật từng dạy: “Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất. Lấy từ bi báo oán, oán thù tiêu tan.” (Kinh Pháp Cú).

Chính Ngài cũng từng bị kẻ ác như Devadatta mưu hại bằng đủ cách: từ xúi voi điên đến đẩy đá trên núi, nhưng Đức Thế Tôn chưa từng khởi tâm sân hận.

Thậm chí, khi Devadatta rơi vào địa ngục, Đức Phật còn cảm thán với lòng từ: “Một ngày nào đó, hắn cũng sẽ giác ngộ.”

Tương tự, Đại sư Hư Vân từng bị chính đồng đạo đánh đập, tra tấn đến gãy xương sống trong thời kỳ nhiễu nhương của Phật giáo Trung Hoa. Nhưng khi tỉnh lại, Đại sư chỉ cúi đầu lạy kẻ đã hại mình, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ.

Những hành vi ấy, và giờ đây là nơi Ngài Minh Tuệ, đều khẳng định rằng: Chánh đẳng giác không chỉ là trí tuệ viên mãn, mà còn là từ bi vô hạn, biết tha thứ cả cho những kẻ đang lạc lối.

Khi chúng ta soi rọi lời dạy của Đức Phật vào hành trạng của Ngài Minh Tuệ, có thể thấy rõ sự tương ứng sâu sắc. Dù bị xúc phạm, hãm hại, bị hiểu lầm, và thậm chí bị chà đạp danh dự, Ngài chưa từng phản kháng, chưa từng khởi tâm thù hận, cũng chưa một lần biện minh cho chính mình.

Đó chính là dấu hiệu của chánh đẳng giác- nơi tâm không còn dao động trước khen chê, vinh nhục.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: “Nếu người có tâm Bồ Tát không chấp vào tướng, tức là thật sự Bồ Tát.”

Ngài Minh Tuệ không chấp vào danh xưng, không màng bảo vệ cái “tôi” hình thức, mà chỉ chăm lo cho sự an lạc của chúng sinh.

Khi có người hỏi vì sao không lên tiếng trước những cáo buộc sai trái, Ngài chỉ nói: “Pháp Phật là vô ngôn, người hiểu thì không cần nói.”

Chánh đẳng giác (Sammāsambuddha) không đơn giản chỉ là đạt đạo, mà là trạng thái giác ngộ viên mãn, không còn mê mờ, đạt được sự toàn tri, toàn giác và toàn từ.

Trong phẩm chất của Ngài Minh Tuệ, chúng ta thấy đầy đủ các yếu tố này:

Toàn tri: Ngài hiểu rõ sự vô thường, vô ngã trong mọi hành động thị phi hướng về mình, nên không hề động tâm.

Toàn giác: Ngài phân biệt rõ thiện – ác, chánh – tà nhưng không khởi tâm phán xét, vì biết tất cả đều do vô minh dẫn dắt.

Toàn từ: Ngài không chỉ tha thứ, mà còn phát tâm mừng nếu những kẻ hại mình cảm thấy hạnh phúc.

Đó chính là ánh sáng chánh đẳng giác rọi giữa cõi đời u ám, là minh chứng hùng hồn cho sự chứng ngộ của một vị chân tu giữa thời đại nhiễu nhương.

Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, nơi mà việc hành trì giáo pháp Phật trở nên khó khăn, và sự nghi ngờ luôn bao phủ các bậc chân tu.

Giữa hoàn cảnh ấy, Ngài Minh Tuệ đã và đang thể hiện trọn vẹn tâm từ của một vị Bồ Tát, và trí tuệ của một bậc Chánh Đẳng Giác.

Ngài không cần được tôn xưng, cũng không nhận mình là bậc giác ngộ. Nhưng chính ở chỗ đó, Ngài đã vượt qua cái ngã cuối cùng- điều mà không phải ai cũng làm được.

Ngài là sự tiếp nối dòng chảy từ bi của Đức Phật, của các vị cao tăng thạc đức xưa nay.

Ngài là minh chứng sống rằng: chánh đẳng giác không chỉ là đích đến của hành giả, mà còn có thể là hiện thực ngay giữa trần gian, nếu ta đủ chân thành, nhẫn nại và yêu thương không điều kiện.

“Người tu chân chính không cần khẳng định mình- họ chỉ lặng lẽ mà chiếu sáng.”

 (Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *