Trên mạng xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ cần một ý kiến trái chiều xuất hiện, dù là một nhận định học thuật, một quan điểm đạo đức, hay thậm chí chỉ là một câu hỏi gợi mở, rất dễ dàng thấy những phản ứng nặng nề: công kích cá nhân, mạt sát, thóa mạ, quy chụp.
Điều đáng nói là điều này không chỉ đến từ những tài khoản vô danh, mà đôi khi lại xuất phát từ những người có tri thức, có học hàm học vị. Điều gì khiến văn hóa tranh luận của người Việt dễ trượt sang cảm xúc cực đoan như vậy?
Một trong những gốc rễ sâu xa là tâm lý tự ti tập thể bắt nguồn từ căn tính nông dân, một di sản văn hóa hình thành qua nhiều thế kỷ trong xã hội làng xã khép kín.
Cần nói rõ: “nông dân” ở đây không nhằm chỉ một giai tầng nghề nghiệp, mà là một kiểu cấu trúc tâm lý xã hội. Đó là cách con người nhìn thế giới từ một điểm quy chiếu nhỏ, nặng cảm tính, coi trọng thể diện và phản ứng mạnh với bất kỳ sự thách thức nào đến “cái tôi”.
Khi tranh luận bị xem là xúc phạm:
Trong văn hóa làng, sự khác biệt thường bị xem là nguy hiểm. Truyền thống “thuận hoà”, “dĩ hòa vi quý” giúp giữ ổn định cộng đồng, nhưng cũng khiến những tiếng nói khác biệt dễ bị loại trừ.
Từ đó, tranh luận không được nhìn nhận như một công cụ truy tìm chân lý, mà trở thành một dạng va chạm thể diện, nơi mỗi lời phản biện bị cảm nhận như một sự hạ bệ.
Chính điều này khiến người Việt, kể cả người có học, thường phản ứng cảm xúc thay vì lý tính khi đối mặt với sự phản biện. Họ không tranh luận trên vấn đề, mà chuyển hướng sang công kích cá nhân, tìm điểm yếu của đối phương thay vì luận điểm.
Văn hóa mạng ngày nay chính là tấm gương phản chiếu rất rõ điều đó. Chỉ cần một nhà nghiên cứu trẻ nêu quan điểm trái ngược với “đa số”, ngay lập tức sẽ bị quy chụp là “ngạo mạn”, “thiếu khiêm tốn”, “chưa đủ tầm”, thậm chí bị bới móc đời tư.
Tâm lý này còn cho thấy một nghịch lý: người ta phản ứng như thể họ đang rất tự tin, nhưng thực chất bên trong lại là một nỗi tự ti sâu sắc, nỗi sợ bị thua trong cuộc tranh luận, nỗi sợ mất mặt, sợ bị đánh giá là kém cỏi.
Khi một người không có nền tảng lý luận vững vàng, họ sẽ dùng cảm xúc làm vũ khí. Và khi không đủ lập luận để bác bỏ ý kiến đối phương, thì cách đơn giản nhất là… chụp mũ hoặc “ném đá hội đồng”.
Học đường và truyền thông: chưa khuyến khích tư duy phản biện;
Tâm lý này không đến từ hư vô, mà được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu cọ xát với tinh thần lý tính.
Hệ thống giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến đại học vẫn nặng truyền đạt một chiều, nơi giáo viên “nói đúng”, học sinh “nghe đúng”, và phản biện bị xem là vô lễ.
Từ nhỏ, học sinh không được dạy cách tranh luận lịch sự, không có trải nghiệm được phép sai, được chất vấn thầy cô một cách xây dựng.
Truyền thông đại chúng cũng chưa thực sự góp phần nuôi dưỡng một văn hóa tranh luận lý tính. Các chương trình truyền hình, talkshow hay diễn đàn công chúng thường thiên về cảm xúc, kịch tính, đối đầu hơn là lý luận và khai sáng.
Những người tranh luận giỏi lý lẽ hiếm khi được tôn vinh, trong khi các phát ngôn cực đoan, giật gân lại dễ được lan truyền.
Một xã hội không có trải nghiệm tranh luận bình đẳng thì sẽ sinh ra nỗi sợ bị sai, và vì thế sinh ra thói quen “thắng bằng cảm xúc”. Kết quả là không gian công cộng trở nên độc hại, không ai muốn nói điều thật lòng, và xã hội tụt lùi về mặt tư duy.
Triết học lý tính: ánh sáng dẫn đường;
Triết học từ thời Hy Lạp cổ đại đã xem tranh luận là phương tiện để tiếp cận chân lý. Socrates không bao giờ tự cho mình là đúng, mà luôn khơi mở bằng những câu hỏi.
Kant từng định nghĩa “khai sáng” là sự trưởng thành của lý trí, khi con người dám tự suy nghĩ, tự phán đoán mà không lệ thuộc vào quyền lực hay cảm tính.
Một xã hội lý tính không phải là nơi mọi người đều thông thái, mà là nơi người ta có thể bất đồng mà không thù ghét. Ở đó, người ta được phép tranh luận, phản biện, và chấp nhận có thể sai, miễn là sự thật được đến gần hơn. Văn hóa lý tính là dấu hiệu của một nền dân chủ trưởng thành, nơi mọi tiếng nói được tôn trọng nếu nó dựa trên lý lẽ.
Bao giờ văn hóa tranh luận mới trưởng thành?
Chừng nào người Việt còn tranh luận bằng nỗi sợ mất mặt thay vì khao khát tìm hiểu, thì chừng đó lý tính vẫn còn bị cảm tính lấn át.
Văn hóa tranh luận muốn trưởng thành thì trước hết phải chữa lành tâm lý tự ti: chấp nhận mình có thể không đúng, chấp nhận người khác có thể hơn mình, và chấp nhận rằng việc bị phản biện không đồng nghĩa với việc bị sỉ nhục.
Từ nhà trường đến mạng xã hội, từ truyền thông đến các tổ chức chính trị – xã hội, tất cả đều có vai trò trong việc tái cấu trúc không gian tranh luận công.
Không phải bằng khẩu hiệu “văn minh”, mà bằng thực hành cụ thể: tổ chức diễn đàn phản biện, khuyến khích học sinh trình bày ý kiến, tạo không gian an toàn cho sự bất đồng.
Đừng đợi đến khi ai cũng lý trí rồi mới tranh luận. Chính việc tranh luận trong an toàn và tôn trọng sẽ là nơi rèn luyện lý tính trưởng thành.
Mà lý tính, xét cho cùng, không phải điều xa vời, nó là nền móng cho một xã hội biết tôn trọng sự thật và cùng nhau tiến bộ.
(Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)
