Có một vị khách sau nhiều năm tu luyện nhưng chưa đạt đạo, nghe nói trên núi có một vị cao nhân đã đắc đạo nên tìm đến thỉnh giáo. Gặp mặt đúng lúc vị cao nhân đang bổ củi, vị khách thưa: “Tôi nhiều năm tu luyện, đã từng đọc hàng ngàn cuốn kinh sách; tham vấn hàng trăm vị thiện tri thức, nhưng vẫn chưa đạt đạo. Tôi đến có một vài điều xin được ngài chỉ giáo”.
Vị cao nhân giường như không để ý đến câu nói của vị khách; vị khách lặp lại câu nói lần thứ hai nhưng vẫn không được đáp lại. Bối rối, vị khách không biết phải làm sao, đành chắp tay cung kính hành lễ. Lúc này vị cao nhân mới từ từ buông rừu và nói: “Tôi chỉ là một người thường trên núi, có gì đâu mà phiền ông phải nặn lội đường sá xa xôi. Ông có điều gì nghi vấn, tôi biết điều gì cũng xin cùng ông tỏ bày”.
Lúc này vị khách mới từ tốn hỏi: “Tôi muốn hỏi ngài, trước khi đắc đạo ngài thường làm những gì?”. Vị cao nhân đáp: “Tôi thường bổ củi, gánh nước, giã gạo, nấu cơm, đọc kinh”.
Bối rối với câu trả lời của vị cao nhân, vị khách hỏi tiếp: “Vậy sau khi đắc đạo ngài làm gì?”. “Tôi bổ củi, gánh nước, giã gạo, nấu cơm, đọc kinh”. Vị cao nhân thản nhiên trả lời rồi quay sang tiếp tục công việc của mình như không hề biết đến sự có mặt của vị khách.
Như bị dội một gáo nước lạnh, bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm tu hành của vị khách bỗng chốc sụp đổ trước câu trả lời của vị cao nhân. Vì một lòng cầu đạo, vị khách cố nán lại, chờ đến khuya, khi tiếng tụng kinh của vị cao nhân vừa dứt, vị khách đến bên thưa: “Tôi thực là người không hiểu đạo; nhưng một lòng cầu đạo. Xin ngài có thể chỉ dạy cho tôi”.
Cao nhân nói: “Ngày trước khi bổ củi tôi lo đến việc gánh nước; gánh nước tôi lo đến việc giã gạo; giã gạo tôi lo đến việc nấu cơm; nấu cơm tôi lo đến việc đọc kinh. Giờ đây tôi vẫn làm những việc như vậy nhưng khi bổ củi tôi chỉ nghĩ đến việc bổ củi; khi gánh nước tôi chỉ nghĩ đến việc gánh nước; khi giã gạo tôi chỉ nghĩ đến việc giã gạo; khi nấu cơm tôi chỉ biết đến việc nấu cơm; khi đọc kinh tôi chỉ biết đến việc đọc kinh”
Vị khách thưa: “Tôi đâu nghĩ đắc đạo chỉ đơn giản là vậy?”.
Cao nhân nói: “Cái mà ông nghĩ về đắc đạo chỉ là do người đời đặt ra. Ông không nên truy cầu điều không thật đó mà nhọc công tổn sức. Được tự do và thảnh thơi trong mỗi việc mình làm mới là người hiểu đạo. Cứ giữ mãi lấy cái tâm bình thường không phân biệt, không dính mắc, không truy cầu thì cần gì phải nghĩ đến đắc đạo hay không?”./.
Lợi Nhân