Khổng Tử đi hết nước này qua nước nọ, chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời, mà mãi không thành công được. Trước Ngài tưởng rằng vua nước này không dùng thì có lẽ gặp vua nước khác dùng được, vậy nên Ngài đi hết nước nọ qua nước kia.
Trong mấy ông vua đã đón rước Ngài, ông thì thấy công việc nhiều quá, sợ không làm nổi, nói thoái thác là tuổi đã già rồi, thi hành cái đạo của Ngài không kịp nữa. Ông thì bị quan Đại phu sợ Ngài làm mất quyền lợi, cố tìm cách ngăn trở.
Vả thời bấy giờ vua các nước chư hầu còn muốn lấn quyền của Thiên tử, quan Đại phu còn muốn lấn quyền của vua Chư hầu, mà chủ nghĩa của Khổng Tử thì lại cố tôn phù nhà Chu để giảm bớt cái quyền của các nước Chư hầu, giữ quyền vua Chư hầu mà bớt cái quyền của các quan Đại phu.
Ngài nói rằng: “Thiên hạ có đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Thiên tử mà ra; thiên hạ vô đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Chư hầu mà ra”. Hay là: “Thiên hạ có đạo, việc chính trị không ở quan Đại phu”.
Cái chủ nghĩa của Ngài như thế, tất là phản đối quyền lợi của các vua Chư hầu và các quan Đại phu, cho nên Ngài đi đến đâu, các nước vì danh nghĩa mà trọng đãi, nhưng kỳ thực không ai muốn dùng Ngài, mà có ông nào muốn dùng Ngài nữa thì cũng bị quan Đại phu ngăn trở đi, không cho dùng.
Vì vậy cho nên Ngài đi chu du khắp thiên hạ mà không tìm được chỗ nào để thi hành cái đạo của mình.
Khổng Tử chu du thiên hạ
Cái chủ nghĩa của Ngài là cái chủ nghĩa của những người nho học cốt ở sự hành đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng dụng ở đời để làm những điều ích lợi cho nhân chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an nhàn ở chỗ ẩn dật và sự vui thú trong vòng tư tưởng.
Vậy nên cái chí của Ngài là muốn ra làm quan để thực hành cái đạo của mình. Vả cái tình trạng nước Trung Hoa bấy giờ là rối loạn, lòng người ngao ngán. Có người thấy thế sự điên đảo quá nỗi, tưởng không sao vãn hồi lại được, bèn đề xướng lên cái chủ nghĩa yếm thế, bỏ việc đời, phó mặc trời xanh, lấy sự an nhàn làm thú vui. Có người thì theo cái chủ nghĩa phá hoại, không thiết gì đến cương thường đạo lý nữa.
Trong khi những nhà tư tưởng xướng lập lên những chủ nghĩa tiêu cực như thế, Khổng Tử muốn đem cái chủ nghĩa tích cực cứu thế mà biến đổi thời đại vô đạo sang thời đại hữu đạo.
Ngài biết rằng những điều biến cải trong trời đất không có điều gì là tự nhiên bất thình lình mà thành ra. Dẫu những mối biến loại ở trong xã hội cũng không phải một buổi sớm, một buổi tối mà thành ra được.
Ngài nói rằng: “Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối; cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo liệu phòng bị sớm”. Nếu những người có trách nhiệm đến vận mệnh của xã hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn có thể trở nên cuộc trị được.
Vậy nên nhất sinh Ngài chuyên tâm chú ý về việc giáo hoá và việc canh cải chính trị. Ngài cho người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng có cái nghĩa vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm trái với đạo người, cho nên Ngài càng thấy cuộc đời rối loạn bao nhiêu, Ngài lại càng muốn ra sức sửa đổi bấy nhiêu.
Thủa ấy có người biết thời cơ không thể làm gì được, mà thấy Ngài cứ cố tìm cách sửa đổi, cho nên mới chê rằng: “Biết không thể làm được mà cứ làm”. Đó là người ta không hiểu cái bụng của Ngài cho việc thiên hạ không có lúc nào là không có thể làm được việc ích lợi, vậy nên Ngài cứ chăm chăm lo làm việc cứu thế. Lại có người nói rằng: “Ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên hạ đều thế cả, ai mà theo mình để sửa đổi được loạn ra trị”. Ngài nói rằng: “Thiên hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì”.
Muốn làm việc thay đổi trong thiên hạ thì tất phải có quyền thế mới làm được, chứ dùng lời nói thì vị tất đã thành công. Lời nói dẫu hay đến đâu cũng không bằng việc làm, Ngài hiểu như thế nên Ngài không chịu giữ cái địa vị cao thượng làm ông thầy dạy học mà cố tìm cách tham chính. Ngài muốn gặp ông vua nào biết Ngài, giao quyền bính cho Ngài để sửa đổi phong tục và chính trị, làm cái gương cho các nước khác bắt chước. Cái chủ ý của Ngài là muốn hành đạo, chứ không phải cầu lấy danh lợi. Ngài tin rằng nếu cái đạo của Ngài mà thi hành ra được thì tất thế nào cũng hay, cho nên Ngài quả quyết nói rằng: “Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành”. Ngài tin như thế, nhưng không ai dùng được Ngài, thành thử đạo của Ngài vẫn không thi hành ra được.
St.