Đây là một phép thực tập thiền sỏi khác mà các cháu có thể thực hiện. Trong sáu viên sỏi mà chúng ta đã nhặt được chúng ta sẽ chọn một viên. Viên đó có thể là một viên sỏi lớn hơn các viên khác, nếu cần thì chúng ta có thể tìm một viên khác để thế viên đó. Nếu đó là một viên sỏi vừa lòng bàn tay của chúng ta, viên sỏi láng, tròn và nếu nắm lấy nó mà ta thấy dễ chịu trong lòng bàn tay thì tốt nhất.
Chúng ta đặt tên viên sỏi đó là Hộ Trì. Hộ trì là sự che chở, bảo vệ. Hộ trì là một danh từ rất quan trọng trong đạo Bụt. Khi chúng ta quy y, thì năng lượng của Phật, Pháp, Tăng là năng lượng hộ trì cho chúng ta, hộ trì cho chúng ta đừng gặp tai nạn. Và thường thường tai nạn từ bên trong đi ra chứ không phải là từ bên ngoài đi vào. Nếu không có chánh niệm thì chúng ta có thể để cho sự bực bội, giận hờn biểu hiện thành lời nói và hành động mà có thể gây tai nạn cho mình và cho người kia, và đôi khi có thể làm hư cả cuộc đời của những đứa con ta. Vậy cho nên hộ trì có nghĩa là giữ gìn, che chở để cho đừng bị tai nạn.
Nếu được thì trước khi lên xe rời Thanh Sơn, quý vị có thể đi một vòng và kiếm ra một viên sỏi như vậy. Ta sẽ rửa thật sạch viên sỏi đó cùng với năm viên sỏi khác. Ta xông trầm, đốt hương, rồi ta đặt lên bàn thờ Tam Bảo. Sau đó trong vòng một tuần, mỗi ngày chúng ta đều lễ lạy và cúng dường: cúng dường hương, cúng dường hoa, cúng dường quả. Sau bảy ngày chúng ta thỉnh sáu viên sỏi đó xuống rồi may một cái túi và để sáu viên sỏi đó vào trong.
Trong những lúc thiền tập chúng ta có thể sử dụng sáu viên sỏi đó nhưng có một viên sỏi chúng ta phải mang theo ngày và đêm, đó là viên sỏi Hộ Trì. Mỗi khi có sự bực bội phát sinh trong tâm, có sự hờn giận phát sinh trong tâm thì chúng ta lập tức cho tay vào túi và nắm lấy viên sỏi Hộ Trì, trở về với hơi thở. Thở vào ta nói: “Bụt ơi, con đang bực tức”, hoặc “Bụt ơi, con đang giận hờn”, hoặc là “Bụt ơi, con đang khổ”.
Ta kêu tên của Đức Thế Tôn thì tự nhiên năng lượng của Đức Thế Tôn xuất hiện ra trong ta, vì ta có hạt giống Đức Thế Tôn trong tâm nên điều đó sẽ xảy ra. “Bụt ơi, con đang khổ hoặc con đang giận…“ nghĩa là con đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Đó là hơi thở vào. Khi thở ra, ta nói: “Bụt ơi, xin che chở cho con, xin Bụt bảo hộ cho con và hộ trì cho con”. Chọn chữ mà ta ưa để làm thành một Thiền Ngữ. Ví dụ: “Bụt ơi, con đang khổ, Bụt ơi, bảo hộ cho con “.
Tuy ta không niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát mà chất liệu Phật và Bồ Tát có thật ở trong đó. Khi ta biết trở về với hơi thở và nghĩ đến Bụt, thì tự nhiên năng lượng của Bụt hiện ra trong con người ta, bảo vệ cho ta. Có nhiều khi ta niệm Bụt như là cái máy thì không có năng lượng gì hết. Ví dụ như ta gặp một người mới ở ngoài cổng vô, ta chào: “A Di Đà Phật…” Ta nói như vậy thôi thì không có năng lượng gì hết. Thường thường người ta niệm Bụt chỉ là lập lại vài chữ thôi mà không phát ra được năng lượng. Còn khi ta trở về hơi thở, nắm lấy viên sỏi mà gọi Đức Thế Tôn thì viên sỏi đó có chất liệu Bụt với nhiều năng lượng. Nó hiện ra trong trái tim của ta: “Bụt ơi con đang khổ”.
Ta hãy tìm tới Bụt như tới một người cha, như tới một người thầy, rất là thân thiết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Bụt là một vị thần linh xa lắc xa lơ không gần gũi. Thực ra, Bụt là một người cha, một người thầy, một người anh và rất gần gũi với chúng ta. Bụt đã từng khổ đau, cho nên Bụt đã thực tập vượt thắng khổ đau.
Năng lượng của Bụt rộng lớn vô cùng. Có biết bao nhiêu người trong đời sống hằng ngày, nhờ nhắc đến tên của ngài mà trong lòng bớt khổ. Cho nên ta phải khám phá ra, phải tìm ra cái tính người của Bụt, phải biết đến với Bụt như đến với một con người chứ đừng đến với Bụt như một vị thần linh.
(Trích sách Đạo Phật của tuổi trẻ -Thiền sư Thích Nhất Hạnh)