Ronald Wilson Reagan (6/2/1911 – 5/6/2004) là tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ từ năm 1981 đến năm 1989. Ông từng là diễn viên nổi tiếng của Hollywood và là chủ tịch nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh. Ông cũng từng là thống đốc thứ 33 của California từ năm 1967 đến năm 1975. Các đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của Reagan từ nhiều sử gia và công chúng đã xếp ông vào hàng ngũ các tổng thống Mỹ vĩ đại nhất.
Lên nhậm chức trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy yếu và chính quyền tiền nhiệm bất lực trong việc giải quyết vấn đề con tin Iran, Tổng thống Ronald Reagan được kỳ vọng sẽ đưa đất nước thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế và ngoại giao.
Diễn văn nhậm chức của ông Reagan báo hiệu rằng nước Mỹ sẽ đi theo một hướng hoàn toàn mới trong nhiệm kỳ của ông khi ông sẽ theo đuổi chính sách điều tiết tích cực trong nước và tăng mạnh ngân sách cho quân sự để tái khẳng định sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài.
Tổng thống Ronald Reagan đọc diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1981, tại sân khấu ở cửa Tây của đồi Capitol, thủ đô Washington
Dưới đây là toàn văn diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan:
Thưa thượng nghị sỹ Hatfield, ngài chánh án, ngài tổng thống, phó tổng thống Bush, phó tổng thống Mondale, thượng nghị sỹ Baker, người phát ngôn O’Neill, Cha Moomaw và quốc dân đồng bào.
Đối với một số ít chúng ta tại nơi này ngày hôm nay, đây là một dịp long trọng và nhiều ý nghĩa nhất. Tuy nhiên, trong lịch sử của quốc gia chúng ta, nó là một sự kiện thông thường. Việc chuyển giao có trật tự quyền lực như Hiến pháp yêu cầu vẫn xảy ra thường xuyên, như trong gần hai thế kỷ vừa qua, và ít người trong số chúng ta chịu nhìn lại xem chúng ta đặc biệt như thế nào. Duới con mắt của nhiều người trên thế giới, cái nghi lễ bốn năm một lần này, cái mà chúng ta coi là bình thường, không kém gì một điều thần kỳ.
Thưa ngài tổng thống, tôi muốn quốc dân đồng bào biết rằng ngài đã nỗ lực thế nào để truyền thống này được duy trì. Qua việc hợp tác đầy thân ái, ngài đã cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc thống nhất, có cam kết duy trì một hệ thống chính trị bảo đảm quyền tự do cá nhân ở một mức độ lớn hơn tất thảy mọi hệ thống khác.
Tôi xin cám ơn ngài và cộng sự của ngài vì sự giúp đỡ của các ngài trong việc duy trì tính liên tục, cái bảo vệ nền cộng hòa của chúng ta. Công việc của quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên phía trước. Hợp chủng quốc chúng ta đang phải đối mặt với một mối họa kinh tế ở tầm vóc rất lớn. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ dai dẳng nhất về lạm phát trong lịch sử của mình. Nó đã làm méo mó các quyết định kinh tế của chúng ta, trừng phạt hành vi tiết kiệm và bóp nghẹt tầng lớp thanh niên đang đấu tranh sinh tồn cùng tầng lớp người già với khoản thu nhập cố định. Nó đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người trong dân tộc của chúng ta.
Các ngành công nghiệp trì trệ đã làm cho công nhân mất việc, đẩy con người vào những điều kiện khốn cùng và mất đi nhân phẩm. Những người đang làm việc thì lại bị chối từ phần thù lao xứng đáng với lao động của mình bởi một hệ thống thuế trừng phạt mọi thành quả của thành công và làm cho chúng ta không duy trì được năng suất lao động đích thực.
Nhưng mặc dù gánh nặng thuế khóa mà chúng ta đang mang nhiều đến đâu thì nó cũng không theo kịp mức chi tiêu của chính phủ. Những thập kỷ qua, chúng ta đã chồng chất thâm hụt chi tiêu thập kỷ này lên thâm hụt chi tiêu thập kỷ khác, cầm cố tương lai của chúng ta và con cháu của chúng ta cho tiện lợi tạm thời của thực tại. Tiếp tục xu thế này là bảo đảm cho sự xảy ra những biến động khôn lường về mặt xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế.
Các bạn và tôi, với tư cách là những cá nhân, bằng vay mượn có thể sống vượt quá khối tài sản thực của mình. Nhưng chuyện này chỉ có thể làm trong một giới hạn thời gian. Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng toàn bộ chúng ta, với tư cách là một quốc gia, sẽ không bị ràng buộc bởi một giới hạn thời gian tương tự? Chúng ta phải hành động hôm nay để bảo vệ ngày mai. Và để tránh có sự hiểu lầm [tôi xin nói] chúng ta sẽ bắt đầu hành động ngay từ ngày hôm nay.
Những bệnh tật của nền kinh tế chúng ta đang chịu đã đến với chúng ta từ vài thập kỷ vừa qua. Nó sẽ không biến mất ngay trong một vài ngày, một vài tuần hay vài tháng nhưng nó sẽ biến mất. Nó sẽ biến mất bởi vì chúng ta, là những người Mỹ, hiện tại cũng như trong quá khứ, có khả năng làm bất kỳ những gì cần phải làm để duy trì thành trì tự do cuối cùng và vĩ đại nhất này.
Trong cuộc khủng hoảng hiện tại này, chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta mà chính phủ chính là vấn đề. Từ thời này sang thời khác chúng ta đã bị quyến rũ để tin rằng xã hội đã trở nên quá phức tạp để có thể được quản lý bằng cơ chế tự quản, rằng điều hành do một nhóm người ưu tú thì hơn là điều hành vì dân, do dân và của dân. Vâng, nếu không ai trong chúng ta có thể quản lý được bản thân mình thì ai trong số chúng ta có khả năng quản lý được người khác? Tất cả chúng ta, những người trong và ngoài chính phủ, phải cùng nhau gánh trọng trách này. Những giải pháp chúng ta tìm kiếm phải công bằng, không một nhóm nhất định nào bị bắt trả một giá cao hơn.
Chúng ta đã nghe nhiều về các nhóm lợi ích đặc biệt. Vâng, mối quan tâm của chúng ta nay phải dành cho một nhóm lợi ích đặc biệt đã bị lãng quên quá lâu. Nhóm này không có ranh giới cục bộ hay chia rẽ dân tộc, chủng tộc và nó vượt lên trên đường lối chính trị đảng phái. Nó được hình thành bởi những người nam nữ mang lại cho chúng ta lương thực, những người tuần hành trên đường phố, làm việc tại các khu mỏ và nhà xưởng, dạy dỗ trẻ em, giữ nhà và chữa trị cho chúng ta khi chúng ta ốm yếu – những nhà chuyên gia, nhà công nghiệp, chủ hiệu, thư ký, người lái xe. Họ là, nói ngắn gọn, “chúng ta, những người dân”, thuộc dòng giống được gọi là người Mỹ.
Vâng, mục tiêu của chính phủ này là một nền kinh tế lành mạnh, khỏe khoắn và phát triển, nơi cung cấp các cơ hội công bằng cho mọi người dân Mỹ mà không có rào cản tạo bởi thành kiến hay phân biệt đối xử. Để nước Mỹ trở lại làm việc có nghĩa là để tất cả người dân Mỹ trở lại làm việc. Chấm dứt lạm phát có nghĩa là xóa bỏ nỗi khiếp sợ về chi phí đời sống bất kham trong mọi người dân Mỹ. Tất cả chúng ta phải chung sức trong công việc sản xuất của “sự bắt đầu” này và tất cả phải được chia chung từ phần thưởng của nền kinh tế được phục hồi. Với tinh thần lạc quan và tuân thủ luật chơi chung, những cốt lõi của hệ thống chúng ta và sức mạnh của chúng ta, chúng ta có thể có được một nước Mỹ vững chắc và phồn thịnh, hòa bình trong nội tại và với thế giới bên ngoài.
Vì thế, tại thời điểm bắt đầu này chúng ta hãy kiểm kê xem. Chúng ta là một quốc gia có một chính phủ – chứ không phải là ngược lại. Và điều này làm cho chúng ta đặc biệt hơn so với các quốc gia khác trên quả đất. Chính phủ của chúng ta không có quyền trừ những gì đã được trao bởi người dân. Đây là thời điểm để kiểm tra và đảo ngược lại việc mở rộng của chính phủ, nơi đang có tín hiệu về mức độ phát triển vượt quá sự đồng ý của những người bị trị.
Đó là ý định của tôi để kiềm chế lại kích cỡ và tầm ảnh hưởng của thiết chế liên bang và để yêu cầu việc công nhận sự khác biệt giữa những quyền lực được trao cho chính quyền liên bang và những quyền được dành cho tiểu bang hay cho dân chúng. Tất cả chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng chính phủ liên bang không tạo ra các tiểu bang; mà các tiểu bang đã tạo ra chính phủ liên bang.
Bây giờ, để tránh hiểu lầm, tôi nói ý định của tôi không phải là xóa bỏ chính phủ. Ngược lại, để nó làm việc – làm việc với chúng ta, chứ không phải trên chúng ta; sát cánh với chúng ta chứ không phải cưỡi trên lưng chúng ta. Chính phủ có thể và phải cung cấp cơ hội, chứ không phải bóp nghẹt chúng; thúc đẩy năng suất chứ không phải kiềm chế nó.
Nếu chúng ta nhìn vào các câu trả lời vì sao trong bao nhiêu năm chúng ta đã đạt được nhiều đến thế, phồn thịnh hơn tất bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới, đó chính bởi vì chính tại mảnh đất này chúng ta đã khơi mở cho năng lực và thiên tư cá nhân con người đến một mức độ lớn hơn bất kỳ nơi nào khác đã làm. Tự do và nhân phẩm cá nhân đã được hiện diện và được bảo đảm ở nơi đây hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Giá của sự tự do này nhiều khi rất cao nhưng chúng ta chưa bao giờ không sẵn lòng trả.
Không phải ngẫu nhiên mà những rắc rối hiện tại lại đi song hành và tỷ lệ với mức độ can thiệp và xâm nhập vào đời sống của chúng ta, một hậu quả của sự phát triển không cần thiết và thái quá của chính phủ. Đây là thời điểm để chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một quốc gia quá vĩ đại để tự giới hạn mình vào những giấc mơ nhỏ bé. Chúng ta không, như là một số người muốn chúng ta tin, bị hủy diệt trong sự suy thoái tất yếu. Tôi không tin là một định mệnh nào đó sẽ rơi vào chúng ta dù chúng ta có làm gì chăng nữa. Tôi tin là một định mệnh sẽ rơi vào chúng ta nếu chúng ta không làm gì. Vì thế, với năng lực sáng tạo sẵn có, chúng ta hãy bắt đầu một kỷ nguyên tái thiết quốc gia. Chúng ta hãy tái thiết lại quyết tâm, lòng dũng cảm và sức mạnh của mình. Và chúng ta hãy tái thiết lại đức tin và hy vọng của mình.
Chúng ta có đầy đủ quyền mơ đến những giấc mơ hào hùng. Những người nói rằng chúng ta đang ở thời điểm không có anh hùng thật sự đã không biết nơi cần nhìn. Các bạn có thể nhìn thấy những người anh hùng hàng ngày đi vào và ra các cổng nhà máy. Những người khác, một con số ít thôi, sản xuất ra đủ lương thực để nuôi tất cả chúng ta và hơn nữa là thế giới bên ngoài. Các bạn có thể gặp những người anh hùng phía bên kia quầy hàng và họ ở cả hai bên của quầy hàng đó. Họ là những thương nhân với niềm tin bản thân và niềm tin trong một ý tưởng ai sẽ tạo ra công ăn việc làm mới, tài sản và cơ hội mới. Họ là những cá nhân và gia đình mà số thuế họ đóng đã giúp duy trì chính phủ và số quà của họ đã giúp duy trì nhà thờ, hội từ thiện, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Lòng yêu nước của họ là thầm lặng, nhưng sâu. Giá trị của họ giúp duy trì cuộc sống quốc gia của chúng ta.
Tôi đã sử dụng từ “họ” và “của họ” khi nói về những người anh hùng này. Tôi có thể nói “các bạn” và “của các bạn” bởi vì tôi đang phát biểu với những người anh hùng mà tôi đề cập – các bạn, công dân của miền đất được ban phước. Giấc mơ của các bạn, hy vọng và mục tiêu của các bạn sẽ là giấc mơ, hy vọng và mục tiêu của chính quyền này, xin Chúa giúp tôi.
Chúng ta phải phản ánh lòng trắc ẩn, cái rất rõ là một phần bản chất của các bạn. Làm sao chúng ta có thể yêu nước mình mà lại không yêu đồng bào mình; và yêu họ, làm sao có thể không đưa tay khi họ ngã, chữa chạy khi họ ốm yếu và tạo cơ hội cho họ có thể tự lực cánh sinh để họ có thể bình đẳng trên thực tế chứ không chỉ trên lý thuyết?
Liệu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề khó khăn mà chúng ta đang đối diện? Vâng, câu trả lời là “có thể”, một cách rõ ràng và dứt khoát. Để nhắc lại ý của Winston Churchill, tôi không tuyên thệ với ý định trông nom sự tan rã của nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Trong những ngày tới đây, tôi sẽ đề nghị loại bỏ những rào chắn làm chậm chạp nền kinh tế và kìm hãm năng suất lao động của chúng ta. Sẽ có những bước được tiến hành nhằm mục tiêu khôi phục sự cân bằng giữa các cấp chính quyền. Tiến bộ có thể nhìn thấy chậm, đo bằng in-sơ và fút, chứ không phải là dặm nhưng chúng ta sẽ có tiến bộ. Đây là thời điểm đánh thức lại người khổng lồ công nghiệp này, để chính phủ trở lại trong phạm vi tài chính của nó và giảm nhẹ gánh nặng thuế khóa có tính chất trừng phạt. Đây là những ưu tiên hàng đầu của chúng ta và theo những nguyên tắc này sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào cả.
Trong đêm trước của cuộc đấu tranh cho độc lập của chúng ta, một người mà có thể là một trong những người lập quốc vĩ đại nhất, bác sỹ Joseph Warren, chủ tịch lưỡng viện Massachusetts, đã nói với quốc dân đồng bào của mình rằng: “đất nước của chúng ta đang lâm nguy, nhưng không tuyệt vọng… dựa trên niềm tin của các bạn vào tiền đồ của nước Mỹ. Các bạn sẽ quyết định câu hỏi quan trọng nhất, cái nắm trong nó hạnh phúc và tự do của hàng triệu những sinh linh chưa ra đời. Hãy hành động sao cho có ích cho các bạn.” Vâng, tôi tin chúng ta, những công dân Mỹ hôm nay đang sẵn sàng hành động có ích cho bản thân, con và cháu chúng ta. Và khi chúng ta làm mới lại mình trên mảnh đất của mình, chúng ta sẽ được nhìn trên khắp thế giới như đang có sức mạnh lớn hơn. Chúng ta sẽ một lần nữa là tấm gương của tự do và cột mốc của hy vọng cho những ai hiện tại vẫn chưa có tự do.
Với những nước láng giềng và đồng minh cùng chung giá trị tự do, chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa các mối quan hệ lịch sử và bảo đảm với họ sự hỗ trợ và cam kết nghiêm túc của chúng ta. Chúng ta sẽ lấy lòng trung thành tương xứng với lòng trung thành. Chúng ta sẽ nỗ lực cho các mối quan hệ các bên cùng có lợi. Chúng ta sẽ không sử dụng tình bạn hữu để áp đặt lên chủ quyền của họ vì chủ quyền của riêng chúng ta cũng không phải là cái để mua bán. Đối với những kẻ thù của tự do, với những đối thủ có tiềm lực, họ sẽ được nhắc nhở rằng hòa bình là khát vọng cao nhất của dân tộc Mỹ. Chúng ta sẽ đàm phán cho điều này, hy sinh cho nó; nhưng chúng ta sẽ không đầu hàng cho nó, bây giờ hay bất kỳ bao giờ.
Sự nhẫn nhịn của chúng ta không nên được hiểu lầm. Sự dè dặt của chúng ta đối với xung đột không nên được đánh giá là thất bại của ý chí. Khi được yêu cầu hành động để gìn giữ an ninh của chúng ta, chúng ta sẽ hành động. Chúng ta sẽ duy trì đủ sức mạnh để chiến thắng khi cần, và hiểu rằng nếu chúng ta làm thế, chúng ta đã có cơ hội tốt nhất để không phải sử dụng đến sức mạnh đó. Hơn cả, chúng ta phải nhận thấy rằng không đạn dược hay vũ khí nào trong các kho vũ khí trên thế giới đáng sợ hơn ý chí và lòng can đảm bắt nguồn từ đạo đức của những người tự do. Nó là vũ khí mà đối thủ của chúng ta trong thế giới hôm nay không có. Nó là vũ khí mà chúng ta, những người Mỹ, có. Hãy để điều này cho những kẻ đang tiến hành khủng bố và truy đuổi hàng xóm của mình hiểu. Tôi được biết rằng hàng chục nghìn các buổi lễ cầu nguyện đang được tiến hành hôm nay và vì thế tôi thấy rất biết ơn. Chúng ta là một quốc gia được che chở bởi Chúa trời và tôi tin rằng ý người muốn chúng ta tự do. Tôi nghĩ sẽ thật phù hợp và thật phước lành nếu ngày nhậm chức trong tương lai được tuyên bố là ngày cầu nguyện.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta, nghi lễ nhậm chức được tổ chức, như các bạn được biết, tại mặt Tây của tòa nhà Quốc hội. Đứng ở đây, người ta trực diện với quang cảnh nguy nga, mở ra vẻ đẹp và lịch sử đặc biệt của thành phố. Nằm cuối con đường mở này là khu thánh tích của những người khổng lồ, những người mà chúng ta đang đứng trên vai họ.
Ngay đối diện với tôi là tượng đài mang tên người đàn ông vĩ đại, George Washington, người lập quốc. Người đàn ông khiêm nhường trở nên vĩ đại một cách bất đắc dĩ. Ông đã lãnh đạo người dân Mỹ từ cuộc chiến thắng cách mạng đến khi thành lập quốc gia non trẻ của chúng ta. Xa về một phía là nhà tưởng niệm Thomas Jefferson trang nghiêm. Bản tuyên ngôn độc lập của chúng ta cháy sáng với tài hùng biện của người. Và sau Hồ phản chiếu là dãy cột tôn kính của nhà tưởng niệm Lincoln. Bất cứ ai muốn hiểu bằng trái tim mình ý nghĩa của nước Mỹ sẽ tìm thấy câu trả lời tại tiểu sử của Abraham Lincoln.
Sau những tượng đài của chủ nghĩa anh hùng là sông Potomac và sâu về phía đất liền là những quả đồi dốc của Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington với hàng nối hàng các mộ chí có màu trắng giản dị và mang trên mình nó dấu thánh giá hay Ngôi sao David. Những ngôi mộ này chỉ là một phần nhỏ của cái giá chúng ta đã trả cho tự do của mình. Mỗi một ngôi mộ là một tượng đài của chủ nghĩa anh hùng tôi nói trên đây. Cuộc đời của họ kết thúc tại những nơi mang tên rừng Belleau, rừng Argonne, bờ biển Omaha, vịnh Salerno, và cách đó một nửa vòng trái đất là tại đảo Guadalcanal, Tawara, tiền đồn Pork Chop Hill, đập giữ nước Chosin, và trong hàng trăm cánh đồng hay rừng rậm của nơi mang tên Việt Nam.
Trong một ngôi mộ đó có thanh niên Martin Treptow, người đã rời bỏ công việc thợ cắt tóc tại một thị trấn nhỏ để đến Pháp và gia nhập vào sư đoàn Cầu vồng danh tiếng năm 1917. Ở đó, tại mặt trận miền Tây, anh đã hy sinh trong khi cố gắng chuyển bức điện cho tiểu đoàn khác dưới làn bom đạn ác liệt.
Chúng ta đã tìm thấy trên thi thể của anh một cuốn nhật ký. Dưới dòng tiêu đề “Lời thề”, anh đã viết những câu sau: “Nước Mỹ phải chiến thắng trong cuộc chiến này. Vì thế tôi sẽ làm việc, sẽ cứu giúp, sẽ hy sinh, sẽ chịu đựng, sẽ sẵn lòng chiến đấu và làm hết sức mình, như thể công việc của toàn bộ cuộc chiến này dựa vào mình tôi.”
Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện hôm nay không yêu cầu chúng ta phải hy sinh như kiểu của Martin Treptow và nhiều ngàn chiến sỹ khác. Tuy nhiên, nó yêu cầu chúng ta có nỗ lực cao nhất và niềm tin vào bản thân và niềm tin vào khả năng thực hiện những công việc vĩ đại, niềm tin rằng cùng với ơn Chúa chúng ta có thể và sẽ giải quyết những vấn đề khó khăn đang ở trước mặt chúng ta.
Và xét cho cùng thì tại sao chúng ta lại không tin vào điều đó? Chúng ta là những người Mỹ.
Chúa phù hộ các bạn và cám ơn các bạn!
Sưu tầm.