365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 5 tháng 2: Buổi pháp đàm ngắn; Vịnh chùa Tuệ Cư ở Cú Dung; Phàm thánh đều không

Buổi pháp đàm ngắn

Ngọc Lâm Thông Tú (Thanh) (1614 – 1675)

Bỏ qua lời sáo rỗng, chú trọng sự thành kính, là lễ phép chân thật.

Bỏ qua sự xa hoa, tôn sùng sự thanh đạm, là cuộc sống chân thật.

Hiểu rõ luật nhân quả, biết được phúc và họa, là hành sự chân thật.

Vui vẻ đời đạm bạc, hổ thẹn ít ham muốn, là nếp sống chân thật.

– Trích từ “Đại Giác Phổ Tế Năng Nhân Ngọc Lâm Tú Quốc Sư ngữ lục”

*

Vịnh chùa Tuệ Cư ở Cú Dung

Ung Chính (Thanh) (1687 – 1735)

Là tâm là Phật là cái chi

Không Phật không tâm đâu xá gì?

Đúng sai hết thảy đều buông bỏ

Phật tâm tâm Phật mãi khắc ghi.

— Trích từ “Phật Quang giáo khoa thư”

*

Phàm thánh đều không

Đâu Suất Tùng Duyệt (Tống) (1044 – 1091)

Ở chốn thanh nhàn, hành xử nhất như

Sống trong hồng trần, chớ chấp khư khư.

Một tâm chẳng khác, vạn pháp đồng quy

Thể tính công dụng, tinh thô quản chi.

Gặp việc vô ngại, phù hợp là phải

Thị phi vốn vậy, phàm thánh không hai.

Ai được ai mất? Ai thân ai sơ?

Thủy chung vô hạn, hỏi gì thiền cơ.

Xoay thân Phật Thánh, lạc bước tà ma

Thấu rõ thuận nghịch, công phu ấy mà.

— Trích từ “Liên đăng hội yếu”

*

Ngọc Lâm Thông Tú (玉林通琇;1614-1675) là Thiền sư Trung Quốc cuối đời Minh đầu đời Thanh, thuộc phái Khánh Sơn, Tông Lâm Tế. Sư là pháp tử của Thiền sư Thiên Ẩn Viên Tu, dưới sư có hơn 20 đệ tử ngộ đạo, nổi tiếng nhất là Thiền sư Ngưỡng Khê Hành Sâm. Người đời tôn kính thường gọi sư là Ngọc Lâm Quốc sư.

*

Thanh Thế Tông Ung Chính  (清世宗, 1678 –1735), pháp hiệu Phá Trần Cư SĩViên Minh Cư Sĩ, tôn vị Văn Thù Hoàng đế (文殊皇帝), là vị hoàng đế thứ năm của nhà Thanh (Trung Quốc), trị vì từ năm 1722 đến 1735. Ông dùng niên hiệu Ung Chính (雍正) trong suốt thời gian 13 năm trị vì, nên các sử gia thường gọi ông là Ung Chính Đế (雍正帝).

*

Đâu Suất Tùng Duyệt (兜率從悅;1044-1091): vị tăng của Phái Hoàng Long (黃龍) thuộc Lâm Tế Tông Trung Quốc, người vùng Kiền Châu (虔州, thuộc Tỉnh Giang Tô ngày nay), họ là Hùng (熊). Năm thứ 6 (1091) niên hiệu Nguyên Hựu (元祐), ông thị tịch, hưởng thọ 48 tuổi. Về sau, ông được ban cho thụy hiệu là Chơn Tịch Thiền Sư (眞寂禪師).

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 4 tháng 2: Ba điều dạy đệ tử; Họa thơ Hàn Sơn; Bài thơ học đạo

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *