365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 16 tháng 3: Lập chí học tập; Học về tâm tính

Lập chí học tập

Hùng Thập Lực (1885- 1968)

Học là gian khổ nhưng hạnh phúc.

Chỉ có người thật sự lập chí học tập mới quên đi nỗi vất vả mà hưởng được hạnh phúc từ đó.

Nếu muốn có thành tựu trong học tập thì không nên màng đến vinh hoa phú quý của thế gian.

Hài lòng với sự thanh bần, nhẫn chịu sự đạm bạc, đó chẳng phải là chuyện gian khổ nhất!

Mọi người nói rằng ta lạnh lùng cô độc, ta cho rằng con người không lạnh lùng cô độc đến cực điểm thì chẳng thể hài hòa cùng thế gian.

Phàm những người lập chí vào nghiên cứu học thuật thì đều có tinh thần cô độc.

– Trích từ “Nhất đại cuồng triết Hùng Thập Lực”

*

Học về tâm tính

Mâu Tông Tam (1090 – 1995)

Giác ngộ tương đương với việc khai mở hoặc khai ngộ đức tính. Đương nhiên, việc khai mở không phải tự nhiên được bắt đầu từ trong kiến thức và kinh nghiệm.

Thành tâm xuất phát từ bên trong biểu hiện ra bên ngoài, chính là sự chân thực của nội tâm và cũng là nguyên tắc mang tính chủ quan.

Cốt lõi của Đông phương học chính là học về tâm và tính, nên còn gọi là “tâm tính học”.

Trí tuệ toàn diện chính là sự thống nhất giữa tính chủ quan và tính khách quan, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên lý phổ biến và sự quyết đoán trong thời khắc hiện tại đó.

Trí tuệ con người bất kể bắt đầu từ đâu nhưng phải luôn gắn với sự chân thành, khiêm tốn và phải được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi.

Sinh mệnh có đặc biệt riêng, không nên để vật chất làm lu mờ đi tính chân thật của nó.

– Trích từ “Mâu Tông Tam tiên sinh toàn tập”

*

Hùng Thập Lực (熊十力) (1885-1968) Nhà học giả Trung quốc, người huyện Hoàng cương, tỉnh Hồ bắc, tự là Tử chân. Thưở nhỏ, ông thông minh đĩnh ngộ, nhà nghèo, 10 tuổi mới học Tam tự kinh, Tứ thư do cha dạy. Không bao lâu, cha ông mắc bệnh và qua đời, từ đó ông tự học để cầu tiến.

Nhờ đọc các sách của Vương thuyền sơn, Cố đình lâm, v.v… mà ông nuôi chí cách mệnh. Năm 17 tuổi, ông tham gia phong trào và lần lượt thành lập: Hội Nhật tri, Học xã Quần trị, Học xã Chấn vũ để cổ động cách mạng. Sau cuộc khởi nghĩa Vũ xương thành công, ông chen chân vào quan trường. Nhưng khi Viên thế khải dẹp bỏ quân cách mệnh thì ông cũng bị đuổi. Ông về quê làm ruộng, đọc sách. Ít lâu sau, ông lại giữ chức tham mưu trong quân Bắc phạt.

Năm 35 tuổi, ông chợt nhận ra rằng, nếu con người làm cách mệnh mà không tu dưỡng thân tâm, thì không thể mang lại sự yên vui chân chính. Từ đó ông thôi làm quan, hiến thân cho học thuật, ra sức giảng dạy, chủ trương tự phản tỉnh. Về sau, ông đến Nam kinh, vào viện Chi na nội học theo Âu dương tiệm học Phật, ông nghiên cứu giáo nghĩa Đại thừa rất sâu sắc, đặc biệt về Duy thức học. Ông soạn bộ luận Tân duy thức, chủ trương đem lí Không của Phật dung hợp với Thần của Dịch.

Học thuyết của ông đại khái lấy tư tưởng Nho gia và triết học của kinh Dịch làm tông chỉ để ngầm phê phán Phật giáo. Đại sư Thái hư, pháp sư Ấn thuận và các ông Vương Ân Dương, v.v… đều soạn văn để phản bác, cho rằng họ Hùng đã có nhận thức sai lầm về Phật pháp. Năm 35 tuổi, ông lần lượt làm Giáo sư các trường: Đại học Bắc kinh, Đại học Vũ xương, Đại học Trung ương, Thư viện Phục tính ở Lạc sơn.

Ông lâm bệnh và qua đời vào tháng 5 năm 1968 tại Thượng hải. Tác phẩm của ông gồm có: Phật gia danh tướng thông thích (2 quyển), Tân duy thức luận, Thể dụng luận, Trung quốc thông sử giảng thoại, Độc kinh thị yếu, Thập lực ngữ yếu, Thập lực ngữ yếu sơ tục, Phá phá tân duy thức luận, Nhân minh đại sớ san chú, Nguyên nho, Minh tâm thiên, Càn khôn diễn……

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *