Dinh dưỡng cân bằng – bí quyết trường thọ

Hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng giúp chúng ta tỉnh thức, nhìn nhận thấu đáo và có đáp án trả lời câu hỏi về sức khoẻ bản thân, rộng hơn về thế giới và cách sự sống vận hành. Dinh dưỡng phù hợp giúp chúng ta cân bằng cuộc sống không chỉ dừng lại ở việc ăn uống mà cả tinh thần, lý trí, giúp ta bình tĩnh đón nhận và vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Dinh dưỡng không chỉ đơn thuần là bữa ăn, là sức khỏe. Mà thông qua dinh dưỡng chúng ta có thể thấy mối quan hệ mật thiết không thể tách rời giữa con người, thói quen ăn uống, hệ sinh thái, từ đó rút ra được suy ngẫm về sự kết nối của tất cả những điều trên trái đất này.

Trong trời đất, thảo mộc và động vật hấp thụ tự nhiên khí âm dương tạo nên thực phẩm cho loài người. Mỗi thực phẩm đều chứa sẵn khí âm dương nguyên thủy của trời đất. Ẩm thực của con người là nhằm qui nạp khí âm dương đó. Tùy theo môi trường phát triển, khí thực phẩm có các khuynh hướng qui nạp nhiều nhiệt độ nóng hoặc ấm (thực phẩm dương), hoặc nhiều nhiệt độ mát hay lạnh (thực phẩm âm) của trời đất, giữa hai khuynh hướng trên là thực phẩm quân bình âm dương chiếm nhiều nhất về số lượng.

Ở trạng thái tự nhiên, mỗi thực phẩm đều có 2 cực khí: Cực âm gốc là đất, hướng về nhiệt độ mát lạnh và cực dương gốc là trời, nên thiên về nhiệt độ ấm nóng. Cường độ phân phối nhiệt độ giữa hai cực là tiêu chuẩn ấn định thực phẩm âm hay dương. Thí dụ, cường lực cực dương mạnh hơn cực âm thì sẽ cho thực phẩm dương hoặc ngược lại. Khí âm dương trong thực phẩm mà ta có thể cảm nhận được là nhờ cảm giác nhiệt độ và di chuyển của khí.

Khí dương thực phẩm cho ta cảm giác: nhiệt độ nóng hay ấm, hướng khí bốc lên đầu (trời) và xuất ra ngoài da. Còn khí âm thực phẩm làm ta cảm nhận ngược lại: khí thực phẩm âm làm nhiệt độ cơ thể lạnh hay mát, hướng khí âm giáng xuống phía đất và thu nhập vào trong cơ thể.

Cảm nhận khí dương Thực phẩm làm ví dụ: rượu, hương liệu quế, tiêu, ớt, gừng… Sau khi uống ly rượu, ăn tô phở nóng đầy tiêu ớt cay xè, chúng ta có cảm giác nhiệt độ nóng của khí dương qua triệu chứng: cơ thể nóng hay ấm, mặt đỏ, khí huyết lưu chuyển nhanh làm tăng áp xuất; Cảm giác khí dương bốc lên đầu (phía trời) và tiết ra ngoài da thể hiện bởi mặt đỏ, đầu váng, da nóng đổ mồ hôi. Các cảm giác trên là dấu hiệu tác động của khí dương thực phẩm lên cơ thể và làm cho ta hiểu ngay rượu, quế, gừng… là thực phẩm dương.

Cảm nhận khí âm Thực phẩm như: nước chanh, dưa hấu. Mùa hè nóng bức, sau khi chạy bộ, tập thể dục… người nóng ướt mồ hôi, miệng khô ráo, uống một ly nước đá lạnh, nước chanh hay ăn một miếng dưa hấu, cảm thấy cơ thể mát mẻ, tâm hồn thư thái, nhiệt độ giảm. Đó là tác động của khí âm mát lạnh của nước chanh, dưa hấu. Nếu tiếp tục uống nước lạnh, ăn dưa hấu quá nhiều khiến khí âm quá thịnh đi xuống làm lạnh tì khí và gây cảm giác người choáng váng, mềm nhũn, tiêu chảy. Đó là hiện tượng khí âm quá nhiều hướng vào trong tạng phủ và làm suy nhược khí dương. Các cảm giác trên xác nhận nước lạnh, chanh, dưa hấu là thực phẩm thịnh âm.

Phương pháp dinh dưỡng tây phương chú trọng đến số lượng calo, chất béo, chất đường, chất đạm, sinh tố đủ loại… mà không quan tâm đến phía bên kia của những yếu tố vật chất hữu hình đó còn có sự hiện diện của yếu tố vô hình là “khí thực phẩm” trong chén cơm hàng ngày của chúng ta. Phát triển và nuôi dưỡng xác phàm để phát huy sức lực thể xác tức phần hữu hình, chúng ta có thể dựa vào các công trình khảo cứu dinh dưỡng rất đầy đủ của Tây phương. Còn nuôi dưỡng phần vô hình là thể khí trong cơ thể, chúng ta phải quay về Đông phương để tìm hiểu khí thực phẩm.

Trong mỗi thực phẩm đều chứa 2 phần: phần hữu hình (âm) và phần vô hình (dương). Phần hữu hình, vật chất tức phần âm của thực phẩm, calo là đơn vị tương ứng với số nhiệt cần thiết làm cho 1 gr nước tăng lên 1 độ, do khí âm tạo nên là trọng tâm các nghiên cứu khoa học thực nghiệm về ẩm thực trên thế giới. Phần này được các khoa học thực phẩm nghiên cứu chính xác và khá đầy đủ và cho chúng ta biết mỗi thực phẩm thí dụ như trái táo cho chúng ta bao nhiêu calo/100g, số lượng nước, sinh tố, chất dinh dưỡng, và có thể chống bệnh gì… Phần vô hình tức là phần khí. Khí có mặt âm và mặt dương vô hình làm động cơ cho phần âm hữu hình (huyết) di chuyển để cấu tạo và nuôi dưỡng xác phàm. Chúng ta chỉ quan sát và cảm nhận được phần vô hình qua phản ứng của khí thực phẩm trong cơ thể sau khi qui nạp. Chúng ta tạm quên các hiểu biết khoa học thực nghiệm mà chú trọng đến phần khí vô hình trong thực phẩm bằng cách áp dụng phương pháp quan sát và cảm nhận khí vô hình của người xưa, rồi sau đó tự làm thí nghiệm trên chính cơ thể của mình để kiểm nhận sự hiện diện và tác động của khí vô hình trong cơ thể.

Ẩm thực bình thường cung cấp calo để con người sản xuất ra khí. Với những gia đình Việt còn giữ truyền thống ẩm thực thì còn chú trọng đến quân bình khí âm dương. Thí dụ như sào nấu thì thêm ít gừng cho dễ tiêu hóa, ăn thực phẩm âm như ốc, thịt vịt (âm) thì quen chấm nước mắm gừng, ớt (dương) để tránh tiêu chảy. Thói quen này là bắt nguồn từ quan niệm quân bình âm dương của Tổ tiên ta.

Ngoài ra, chỉ những người có hiểu biết và phương tiện vật chất là lo đến bổ khí dương hay âm bằng nhiều thứ thực phẩm đặc thù và phương thức tập luyện cường khí. Tăng Dương khí về thực vật, có 2 loại thực vật cường dương loại tác động nhanh và tạm thời: rượu, hương liệu ớt,… khởi động nhanh dương khí (kích thích dâm khí) và vệ khí ngoài da (mặt đỏ, đổ mồ hôi)… Loại tăng cường khí dương chậm nhưng bền bỉ: sâm, nước đậu rang (đậu đen, đỏ), Maca, noni…

Sâm tượng trưng dược thảo bổ khí rất thịnh hành ở Á Châu. Trên thị trường có 3 loại sâm. Sâm đỏ (Panax ginseng) chứa rất nhiều khí dương nên bổ ích cho người suy yếu vì bệnh, tuổi già, bất lực. Không nên dùng sâm đỏ: Trai tráng khỏe mạnh dưới 30 tuổi, người có áp huyết cao (trên 130/90), nhức đầu kinh niên, tính tình cau có hay mất ngủ… Sâm trắng (Panax quinquefolium) và sâm Sibérie (Panax quinquefolium) ít dương khí hơn sâm đỏ nên hợp với đàn bà, người áp huyết cao. Maca (Lepidium meyenii), Maca là sâm của người Nam Mỹ. Cây maca được trồng nhiều trên cao nguyên Andes (cao độ 3500 đến 4500 mét), nóng cháy ban ngày, giá lạnh ban đêm. Từ xưa dân Incas coi maca là thực vật linh thiêng và dùng làm bổ khí. Xứ Pérou sản xuất rất nhiều củ maca dưới hình thức bột hay viên. Có thể nói, maca tương đương với sâm lại rất rẻ (nhất là mua ở Pérou) lại không có cấm kỵ như sâm nhưng nếu uống mà khó ngủ tức không hợp. Rất nhiều huyền thoại về maca, năm 2003 đội túc cầu Cienciano thắng giải vô địch Nam Mỹ, đa số cầu thủ trên 30 tuổi, được giải thích là đã uống thường xuyên maca.

Còn dân ăn mặn thì tìm ăn cật heo bò, thịt dê, dái dê, hải cẩu. Tăng âm khí của đàn bà: cao, nhung… Lộc hươu, nai, mu rùa, được cạo rửa sạch sẽ rồi đem nấu rút lấy chất tinh túy đọng lại thành cao để bổ âm chất. Nhung là lộc non của hươu, nai phơi khô tán thành bột.

Tập luyện tăng khí có các bài tập: Dịch cân kinh, khí công, Thái cực, thiền định … đều tập trung vào luyện khí cường tráng. Khí cường tráng sẽ lưu thông mạnh mẽ, khí lưu thông mạnh mẽ thì máu sẽ lưu thông theo, máu lưu thông thì thân thể được nuôi dưỡng đầy đủ, các độc khí sẽ được tiêu trừ nhanh chóng.

Bí quyết cân bằng dinh dưỡng là cảm nhận cơ thể đang ở trạng thái dương (nhiệt) hay âm (hàn). Dương có thái dương (nóng) và thiếu dương (ấm), âm có thái âm (lạnh) và thiếu âm (mát). Đồng thời nhận diện khí âm dương trong thực phẩm. Thực phẩm được cung cấp hàng ngày cho chúng ta đều xuất phát từ ba môi trường sống. Môi sinh khí dương thịnh trên trời của điểu thú, chim trời, chim muông. Môi sinh khí âm thịnh dưới nước của sông, hồ, biển: tôm, cá, hải sản rong biển, rong biển. Môi sinh trung gian trên mặt đất: động vật có vú, loài bò sát, rau, trái, ngũ cốc…

Từ những môi sinh trên mà thực vật và động vật sinh trưởng và khác biệt nhau về cường độ khí âm dương theo tứ khí (thái dương nóng, thiếu dương ấm, thái âm lạnh, thiếu âm mát) và ngũ vị (ngọt, cay, mặn, chua, đắng). Và chúng ta quan sát khí âm dương của thực phẩm qua tiêu chuẩn phân định (tương đối) khí âm dương nhìn từ bên ngoài (màu sắc, hình dạng, vị trí tăng trưởng…), chất cấu tạo bên trong (chứa ít hay nhiều nước, chất béo, số lượng calo… ). Ngoài ra, còn phải quan tâm đến sự biến đổi nhiệt độ nguyên thủy của khí âm dương do nấu nướng biến chế, phương pháp tồn trữ (tủ lạnh). Các tiêu chuẩn dựa theo nguyên lý âm dương giúp chúng ta một ý niệm tổng quát để phân định khí âm dương trong thực vật và động vật để giúp chúng ta nhận định khí âm dương trong mỗi thực vật giải quyết những mất cân bằng trong cơ thể.

Bs Trần Quang Khang

Bài viết cùng tác giả:

1. Trạm Trang Công bài khí công đơn giản với hiệu quả bất ngờ

2. Dinh dưỡng với người tiểu đường

3. Béo phì theo Y học cổ truyền

4. Bài tập Khí với bệnh Mất ngủ

5. Luận về “Khí” trong cơ thể

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *