Vội vã
Chu Tự Thanh (1898 – 1948)
Én bay mất thì vẫn còn lúc quay lại, dương liễu cằn cỗi vẫn có lúc xanh tươi trở lại, hoa đào rơi rụng rồi lại nở. Nhưng, hỡi người bạn thông minh ơi! Hãy nói cho tôi biết, tháng ngày của chúng ta tại sao một đi không trở lại?
Hơn tám ngàn ngày đã rời bỏ bàn tay tôi mà đi, giống như giọt nước trên đầu mũi kim rơi trên biển lớn. Tháng ngày của tôi rơi từng giọt trong dòng chảy của thời gian, im ắng, không hình không bóng.
Lúc rửa tay, tháng ngày trôi qua trong bồn nước. Lúc ăn cơm, tháng ngày trôi đi trong bát cơm. Lúc âm thầm, tháng ngày bèn trôi qua trong đôi mắt đẫn đờ. Tôi cảm thấy thời gian đã đi quá vội vã, lúc đưa tay ra ngăn cẳn níu kéo, thời gian lại trôi qua đôi bàn tay. Trong đêm tối, tôi nằm trên giường, thời gian nhanh nhẹn vụt ngang qua bên tôi, bay đi từ bên chân tôi. Đợi khi tôi mở to đôi mắt và gặp lại mặt trời, thì một ngày đã lại trôi qua, tôi chỉ đành che mặt thở dài. Cái bóng của ngày mới đến lại bắt đầu trôi qua trong sự than vãn.
Người bạn thông minh ơi! Hãy nói với tôi, tháng ngày của chúng ta tại sao lại một đi không trở lại?
— Trích từ “Chu Tự Thanh toàn tập”
*
Chu Tự Thanh (1891 – 1948) người Dương Châu, tỉnh Giang Tô, là một nhà văn yêu nước nổi tiếng Trung Quốc, ông từng làm Chủ nhiệm khoa Trung Văn trường đại học Thanh Hoa. Các tác phẩm văn học ngắn của ông có vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc và vẫn được nhiều người đọc yêu thích cho đến ngày nay.
Chu Tự Thanh vốn tên là Chu tự Hoa 朱自华, tự Thu Thực 秋实. Tự Thanh (ý muốn bản thân cố gắng không nản lòng trong hoàn cảnh khốn cùng, không đồng lưu hợp ô, giữ sự thanh bạch) là tên ông đổi khi ghi tên thi vào Đại học Bắc Kinh vào năm 1917. Con người ông danh thực hợp nhau, cả một đời lấy “tự thanh” để răn mình, sống một cuộc sống thanh bần, không bị lay động bởi quan cao lộc hậu, trước sau luôn giữ khí tiết.
Ông được biết đến là một người chính trực, thẳng thắn, có lòng yêu ghét rõ ràng, thường chỉ trích và phê phán những điều xấu xa, căm ghét điều ác. Từ khi còn là học sinh, ông đã tích cực tham gia vào phong trào Ngũ Tứ. Khi làm giáo viên tại Đại học Bắc Kinh, ông luôn ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động yêu nước của sinh viên. Trong sự nghiệp văn chương, ông được đánh giá cao, đặc biệt là với những tác phẩm tản văn, mà độc giả thường gọi là “mĩ văn”.
Tác phẩm “Trăng sáng trên đầm sen” của Chu Tự Thanh xuất hiện trong sách ngữ văn 11, tập 1, Chân trời sáng tạo đã giúp cho những bạn học Việt Nam ta hiểu thêm về văn chương, suy tư, tâm hồn của một người nghệ sĩ Trung Quốc.
Bài viết bạn có thể quan tâm: