Viên Ngọc Quý

Sách Tam Tự Kinh do Vương Ứng Luân thời nhà Tống biên soạn để dạy học cho con trẻ Trung Quốc thời xưa có viết: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”. Câu đó có nghĩa là một hòn ngọc thô, nếu không trải qua quá trình mài giũa sẽ không thể trở thành một viên ngọc quý. Con người cũng vậy nếu không chịu khó học tập, rèn luyện, không trải qua những khó khăn, thử thách, thì không thể hiểu sâu sắc về những giá trị đạo đức, nguyên lý làm người và cuộc sống nhân sinh. Từ đó không thể rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng tài năng, thành tựu nhân cách, trở thành một người có ích cho đời.

“Ngọc bất trác, bất thành khí” – Ngọc bích họ Hòa

Vào thời Xuân Thu, có một người nước Sở tên là Biện Hòa nhặt được một miếng ngọc thô ở trên núi. Biết đây không phải là một viên ngọc bình thường, Biện Hòa đã đem vào cung dâng lên vua Sở lúc đó là Lệ Vương. Vui mừng, Lệ Vương cho người thợ làm ngọc trong cung đến kiểm tra ngọc Biện Hòa dâng. Thợ ngọc nhìn qua liền xác định đó chỉ là một viên đá bình thường chứ không phải là ngọc. Lệ Vương tức giận cho rằng Biện Hòa cố tình mang đá đến lừa mình rồi sai người chặt đi chân trái của Biện Hòa.

Lệ Vương mất, em là Vũ Vương nối ngôi, không cam tâm là một người dối vua, Biện Hòa lần nữa vào cung dâng miếng ngọc thô. Vũ Vương lại sai người thợ làm ngọc đến giám định. Sau khi nghe người thợ nói đây chẳng qua cũng chỉ là hòn đá, Vũ Vương cho rằng mình cũng bị Biện Hòa lừa, bèn sai người chặt chân phải và cấm Biện Hòa từ nay về sau không được nhắc tới chuyện nhặt được ngọc.

Vũ Vương mất, con là Văn Vương lên ngôi. Biện Hòa lúc này đã già yếu, ông ôm miếng ngọc thô đến chân núi khóc thảm thiết suốt ba ngày ba đêm, khóc đến mức chảy cả máu mắt. Sự việc được truyền đến tai Văn Vương. Vua cho người giải Biện Hòa về cung hỏi nguyên nhân. Biện Hòa thưa rằng: “Tôi không phải đau buồn vì chân mình bị chặt, mà là vì hòn đá ngọc quý giá này lại bị người ta cho là hòn đá bình thường không đáng giá gì; kẻ trung thành lại bị người ta nói thành kẻ lừa đảo!”. Sau khi Văn Vương biết được sự tình, liền sai thợ làm ngọc đem hòn đá đó đi mài giũa cẩn thận, thì phát hiện ra đây đúng là một miếng ngọc hiếm có trên đời. Để ghi nhận công lao, sự kiên trì và lòng trung thành của Biện Hòa, Văn Vương đã lấy tên của Biện Hòa đặt tên cho ngọc. Từ đó Ngọc bích họ Hòa hay Hòa thị bích trở thành quốc bảo của nước Sở.

“Nhân bất học bất tri lý” – Đường Thái Tông Lý Thế Dân

Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường. Ông được xem như là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương của lịch sử Trung Quốc. Dưới triều đại của ông Trung Quốc trở thành quốc gia hưng thịnh giàu mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Đằng sau những thành tựu rực rỡ của Thái Tông ít ai biết được lại có một con người, mà những việc làm của người đó đã giúp ông biến mình từ một miếng ngọc thô trở thành một viên ngọc quý giá, một báu vật quốc gia. Đó là Tể tướng Ngụy Trưng – một hiền thần, một vị quan chính trực, ngay thẳng dám can gián và chỉnh sửa vua ở mọi lúc mọi nơi, giúp vua hoàn thiện được bản thân và tránh được nhiều sai lầm.

Vua Đường Thái Tông từng nhận xét về Ngụy Trưng như sau: “Viên ngọc đẹp sinh ra từ tảng đá thô kệch, nếu không có bàn tay của người thợ giỏi mài giũa sao có thể thành được? Trẫm tuy chưa phải là viên ngọc quý, nhưng nhờ có Ngụy Trưng nhắc nhở, dùng đạo đức để khuyên can, ông ta có thể coi là một người thợ khéo”.

Khi Ngụy Trưng qua đời Thái Tông vô cùng thương xót mà đưa ra lời nhận xét mà hậu thế nhiều đời sau phải học tập: “Soi vào gương bằng đồng, ta có thể biết quần áo của mình có ngay ngắn không. Dùng lịch sử làm gương soi, có thể biết nguyên nhân hưng vong của một triều đại. Lấy người làm gương soi, có thể biết việc mình làm là đúng hay sai. Ngụy Trưng mất đi, là trẫm mất một tấm gương soi tốt”.

“Viên ngọc quý”

Nhìn lại câu chuyện của Biện Hòa và Vua Đường Thái Tông, chúng ta hiểu rằng, dù là một hòn ngọc thô, một con người bình thường thậm chí đến một vị vua, giá trị thực sự chỉ được bộc lộ qua sự kiên trì, học hỏi và rèn luyện không ngừng. “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” – câu nói ấy không chỉ là lời dạy của người xưa mà còn là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta trên hành trình sống và hoàn thiện bản thân.

Cuộc sống là một hành trình không ngừng mài giũa, nơi khó khăn, nghịch cảnh chính là những dụng cụ để giúp chúng ta tỏa sáng. Quan trọng là chúng ta có đủ dũng khí để đối diện, đủ kiên nhẫn để vượt qua, và đủ khiêm tốn để học hỏi.

Mỗi người chúng ta đều sở hữu một “viên ngọc quý” độc nhất – đó có thể là tài năng, đam mê, hay đơn giản là lòng tốt và sự tử tế. Chỉ cần dũng cảm đi vào hành trình tự khám phá, kiên trì vượt qua những khó khăn, bạn sẽ thấy rằng “viên ngọc quý” ấy luôn nằm trong tay bạn. Điều quan trọng là bạn có đủ niềm tin để mài giũa nó, để nó tỏa sáng theo cách riêng của mình./.

Viên Ngọc Quý

Bài viết bạn có thể quan tâm:

1. Tể tướng Ngụy Trưng – Người thợ khéo mài ngọc – Vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc

2. “Châu Ngọc Pháp Hoa” – Viên ngọc trong Kinh Pháp Hoa

3. Ong chích

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *