Dương Khiết hỏi sư phụ Lợi Nhân:
– Con thấy lòng dạ rối bời, không kiềm chế được và không hiểu vì sao. Xin sư phụ chỉ dạy.
Sư phụ Lợi Nhân đáp:
– Đó là do tâm con đang loạn.
– Sư phụ có thể nói rõ hơn cho con hiểu?
Sư phụ Lợi Nhân đáp:
– Tâm con loạn là do thần trí lo sợ. Con người ta sinh ra trên đời, đứng giữa trời và đất có sinh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, oán hận lâu dài, cầu mà không được, bị mê lạc bởi những điều thấy được. Đây chính là nguồn gốc của mọi đau khổ. Con đang lo sợ về những điều đó đúng không?
– Dạ đúng thưa thầy, vậy con phải làm gì để giữ được thần và định được tâm?
Sư phụ Lợi Nhân đáp:
– Con nên tĩnh khí. Ai có thể làm nước đục trong trở lại ngoài cách tĩnh lại từ từ. Một ly nước dơ bẩn chỉ có cách lắng đọng từ từ mới khiến nó dần trong trở lại. Tâm người cũng như vậy, khi tâm người không thể tĩnh lại mà quan sát mọi việc thì sẽ chẳng thể nhìn thấu được vạn sự thế nhân. Thần không kinh sợ thì tâm không loạn. Con phải nhớ kỹ sau này gặp bất cứ chuyện gì, chuyện vui cũng được, chuyện buồn cũng xong, nhất định phải bình thản mà xử trí. Tâm định thần nhất. Nếu như con có thể đạt được cảnh giới không vui cũng không buồn, thì con có thể đối phó được với mọi sự đổi thay trong thiên hạ.
Rồi sư phụ đọc:
“Mắt thấy hình sắc, lòng không động.
Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay”./.
Tài liệu tham khảo
1. Lão Tử Đạo đức kinh – Nguyễn HIến Lê.
2. Khai thị về ái dục – Hòa thượng Tuyên Hóa.