Bài 17: “Cũng đúng, mà cũng không đúng”: Ngôn ngữ của giác ngộ

Có những chân lý không nằm ở hai đầu đúng – sai. Có những bậc thầy không đưa ra đáp án, mà trao một tấm gương soi chiếu chính tâm mình. Câu trả lời “cũng đúng mà cũng không đúng” của Ngài Minh Tuệ không chỉ là một cách nói – mà là một cánh cửa dẫn vào trí huệ siêu vượt nhị nguyên.

Mở đầu từ một câu hỏi giản dị:

Một buổi sáng, người bạn hữu duyên từ SG ra – Liem Le Duy – ghé quán cà phê. Trong cuộc trò chuyện,  Trần Văn Đình hỏi một câu tưởng như rất đơn giản: “Người tu có bắt buộc ăn chay không?” Liêm cười, chậm rãi giải thích.

Tôi bỗng nhớ lại bao lần thưa hỏi Ngài Minh Tuệ. Khi có người cung kính hỏi: “Thưa Thầy, điều đó có đúng không?”, ngài thường mỉm cười đáp: “Cũng đúng, mà cũng không đúng.”

Lời ấy nghe qua tưởng nước đôi, ba phải. Nhưng kỳ thực, đó là tuyên ngôn của một cái nhìn siêu việt: nhìn thấy tính duyên khởi, vô thường, và vô tự tánh của muôn pháp. Không phải sự né tránh quyết định, mà là từ chối mắc kẹt trong bất kỳ cực đoan nào.

Trí huệ Bát Nhã và Trung Đạo: Vượt lên nhị nguyên:

Trong giáo lý Đại thừa, đặc biệt qua Bát Nhã Ba La Mật và tư tưởng Trung Quán của Long Thọ Bồ Tát, nguyên lý nền tảng được xác lập:

“Tất cả pháp đều do duyên sinh, nên không có tự tánh. Vì không tự tánh nên là không. Vì không nên là Trung đạo.”

Trung đạo không phải là “đứng giữa” đúng và sai, mà là cái nhìn vượt lên trên nhị nguyên ấy. Mọi pháp đều do nhân duyên tạo thành, không có bản chất cố định – vì vậy, không thể khẳng định điều gì là tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai.

Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng không phải tướng thì thấy Như Lai).

Câu trả lời “cũng đúng mà cũng không đúng” vì vậy không chỉ là một lời biện minh – mà là lời phá chấp, mời gọi người nghe bước ra khỏi mê lộ của phân biệt và vọng tưởng.

Một số người, do thiếu hiểu biết về pháp duyên sinh, vội vàng kết luận rằng Ngài Minh Tuệ “ba phải”, “lập lờ”, “không dám khẳng định”.

Kỳ thực, “ba phải” là khi người ta tùy thời, tùy lợi mà đổi trắng thay đen. Còn lời của bậc giác ngộ như Ngài Minh Tuệ là phương tiện thiện xảo: không đưa ra một mệnh đề cứng nhắc, mà phá tan ngộ nhận của người hỏi bằng chính sự phi khẳng định.

Những ai đòi hỏi một câu trả lời rạch ròi, trắng đen dứt khoát, đang chấp vào một thế giới vốn vô thường, mông lung, và chính sự chấp ấy là biểu hiện sâu sắc của vô minh.

Minh chứng cho trí huệ “cũng đúng, cũng không đúng”:

Từ ngàn xưa, các bậc thánh tăng đã vận dụng ngôn ngữ nghịch lý để khai thị.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Nói tất cả là có thì rơi vào thường kiến. Nói tất cả là không thì rơi vào đoạn kiến. Bậc trí không chấp hai bên.”

Thiền sư Lâm Tế từng quát lớn: “Nói đúng, một búa đập tan. Nói sai, một búa đập tan. Nói chẳng đúng chẳng sai, cũng một búa đập tan.”

Chính vì đúng – sai – không đúng không sai đều là trò chơi của vọng tâm, nên người học đạo cần vượt thoát khỏi cả ba để thấy được chân tánh.

Tương truyền, một đệ tử hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Thế nào là Đạo?”

Ngài đáp: “Bình thường tâm thị Đạo.”

Bình thường tâm – tức cái tâm không phân biệt đúng sai, được mất, thiện ác – chính là cánh cửa mở vào Đạo.

Giữ im lặng giữa thế gian nhiễu loạn:

Thiền không phải lúc nào cũng cần lời nói.

Một lần, có người hỏi Thiền sư Vân Môn: “Thế nào là Phật?”

Ngài chỉ đáp: “Cây bá trước sân.”

Không giảng giải. Không lý luận. Vì càng cố định nghĩa, càng xa chân lý.

Thiền sư Thanh Nguyên từng viết: “Thị phi niệm khởi thiên trùng chướng,

Nhất niệm bất sinh vạn sự an” (Một niệm thị phi khởi lên – ngàn điều chướng ngại/ Một niệm không sinh – muôn sự an hòa.)

Hiểu được điều đó, ta mới thấu rằng: Câu trả lời “cũng đúng, mà cũng không đúng” không phải là lảng tránh, mà là bảo hộ cho tâm người hỏi khỏi sinh khởi thị phi, để từ đó tiếp xúc với bản thể an nhiên.

Ngôn ngữ của người giác ngộ không nhằm kết luận mà nhằm khai mở. Ngài Minh Tuệ, bằng lời nói tưởng chừng đơn giản ấy, đang trao một chìa khóa tỉnh thức:

Đừng bị ràng buộc bởi phân biệt nhị nguyên. Hãy buông chấp và sống với cái thấy vô phân biệt. Chỉ khi đó, ta mới bước vào tự do đích thực.

Trong một thế giới đầy nhiễu nhương, nơi người ta nhân danh “chân lý” để công kích nhau, thì lời nói của một bậc như Ngài Minh Tuệ chính là ngọn đèn trong đêm, soi rọi con đường cho những ai khát khao tỉnh thức, chứ không chỉ “biết đúng – sai”.

Bởi rốt cuộc, chân lý không nằm trong lời nói. Mà nằm ở nơi tâm không còn cần phải nói thêm điều gì.

(Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *