Bài 24: Giới luật và phẩm hạnh xuất gia

Một buổi sáng Hà Nội mát lạnh, trong một quán cà phê bên hồ Hoàng Cầu tôi có dịp trò chuyện cùng anh Nguyễn Thành An – một tình nguyện viên đã đồng hành suốt nhiều tháng trong chuyến bộ hành đặc biệt của Ngài Minh Tuệ.

Khi nhắc đến trải nghiệm sống gần Ngài Minh Tuệ, anh An chậm rãi nói: “Trong những ngày bên Ngài, em đặc biệt cảm phục sư Minh Tuệ. Ngài giữ giới vô cùng nghiêm ngặt.”

Nhận xét ngắn gọn này của anh Nguyễn Thành An không chỉ phản ánh cảm xúc cá nhân, mà còn đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm trong bối cảnh Phật giáo đương đại: vai trò của giới luật trong xác lập uy tín, đạo lực và phẩm hạnh của người xuất gia giữa xã hội thế tục hóa cao độ.

Giới luật trong truyền thống Phật giáo:

Theo hệ thống Tam học (sīla- samādhi- paññā), giới (sīla) được Đức Phật đặt làm nền tảng đầu tiên trong tiến trình tu chứng. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta, D.16), trước khi nhập diệt, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, hãy nương tựa vào Giới, lấy Giới làm Thầy.”

Giới không chỉ là khuôn mẫu hành vi đạo đức mà còn là phương tiện bảo hộ tâm khỏi các phiền não như tham dục, sân hận và si mê.

Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) lưu giữ trọn vẹn bộ Luật Tỳ-kheo gồm 227 điều, được xây dựng trên nguyên tắc phi bạo lực (ahiṃsā), tiết chế dục vọng (nekkhamma), và vô chấp (anattā).

Việc giữ giới nghiêm túc là điều kiện tiên quyết để phát triển định và tuệ. Kinh Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya) nêu rõ: “Người nào giữ giới, tâm được an tịnh, từ tâm tịnh ấy, trí tuệ sanh khởi.”

Từ góc độ xã hội học tôn giáo, giới luật còn là hình thức định danh cộng đồng và thiết lập ranh giới linh thiêng giữa người xuất gia và người tại gia.

Khi người xuất gia vi phạm giới trọng, đặc biệt các giới căn bản như sát sinh, dâm dục, trộm cắp, vọng ngữ, thì không chỉ cá nhân đó bị tổn hại, mà niềm tin của cộng đồng Phật tử cũng suy giảm theo.

Minh Tuệ và hạnh đầu-đà: Trở lại hình mẫu Tỳ-kheo nguyên thủy:

Ngài Minh Tuệ chọn đời sống du phương, hành trì hạnh đầu-đà (dhutaṅga), không chùa chiền, không tiền bạc, không phương tiện di chuyển cơ giới, chỉ đi bộ và khất thực đúng pháp.

Đây không phải là hình thức lập dị hay phản kháng truyền thống, mà là sự thực hành sát với tinh thần Nikāya – trở về mô hình bhikkhu thời Phật.

Trong Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya), Đức Phật đã khuyến khích các vị khất sĩ thực hành 13 pháp đầu-đà, bao gồm: sống dưới gốc cây, ăn trong bát, không tích trữ, đi khất thực từ nhà này sang nhà khác, không nhận lời mời ăn riêng, v.v.

Những pháp ấy nhằm đoạn trừ sự lệ thuộc vào tiện nghi, thúc liễm thân tâm và trực tiếp đối diện với vô thường của cuộc đời.

Việc Ngài Minh Tuệ giữ giới “vô cùng nghiêm ngặt” như lời Nguyễn Thành An phản ánh không chỉ là tuân thủ giới luật trên văn bản, mà còn là thực chứng giới trong hành vi thường nhật.

Không nhận tiền, không ngủ nhà dân, không truyền pháp đại chúng, không cầu tín đồ – đó là biểu hiện của giới đức được nội hóa, chứ không phải bị áp đặt từ bên ngoài.

Cảm phục mà Nguyễn Thành An bày tỏ không bắt nguồn từ lời giảng pháp lưu loát hay danh tiếng, mà từ sự hiện diện sống động của một người giữ giới đúng mức.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Không phải do cạo tóc mà trở thành Sa-môn. Người sống đầy đủ giới hạnh, người ấy mới thật là Sa-môn.”

Như vậy, giới không chỉ là quy định pháp chế, mà là năng lượng đạo hạnh có thể cảm hóa người khác mà không cần thuyết phục.

Điều này có thể lý giải bằng khái niệm śīla-sampatti (giới viên mãn), vốn được nhiều bộ luận (như Thanh Tịnh Đạo Luận của Phật Âm) khẳng định là yếu tố đầu tiên và không thể thiếu để thành tựu mọi pháp lành.

Giới sinh định, định sinh tuệ, đây là một chuỗi nhân quả nội tại. Một người giữ giới nghiêm ngặt sẽ phát sinh tâm định lặng, khiến người khác gần gũi có thể cảm nhận một loại “đạo lực vô ngôn”.

Chính đạo lực này làm cho người trí kính trọng, người ngu sinh tín tâm. Nó không đến từ bằng cấp học vị hay danh xưng trong giáo hội, mà từ cách hành xử, từ sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, điều mà trong xã hội hiện đại, đặc biệt giới tu sĩ, đang ngày càng hiếm hoi.

Giới hạnh trong thời tục hóa: Một thách đố hiện sinh:

Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, việc tu sĩ giữ giới nghiêm túc trở thành điều… bất thường. Sự thỏa hiệp giữa đời sống tu hành và tiện nghi thế tục khiến nhiều người mặc nhiên coi giới luật là tương đối, thậm chí lỗi thời.

Ứng xử linh hoạt với giới, thay vì hành trì triệt để, đã tạo ra một mô hình “tu sĩ xã hội hóa”, trong đó yếu tố hình thức và quản trị lấn át phẩm hạnh và hành trì.

Chính vì vậy, sự hiện diện của một vị tăng như Minh Tuệ không chỉ là hiện tượng tôn giáo, mà còn là lời nhắc về căn cốt của đạo Phật: sống giản dị, tỉnh thức và vô nhiễm.

Người như Nguyễn Thành An, vốn là một cư sĩ trẻ (tôi tạm gọi như vậy) đã cảm phục điều đó không phải vì thần tượng hóa cá nhân, mà vì nhìn thấy một khả thể mới trong đời sống đạo vốn đang dần bị đồng hóa với lễ nghi và hình thức.

Giới không phải để ràng buộc, mà để mở đường cho tự do. Người giữ giới nghiêm ngặt không phải vì sợ tội, mà vì thấu hiểu nhân quả sâu xa và lòng bi mẫn với chúng sinh.

Trong trường hợp sư Minh Tuệ, giới hạnh trở thành một ngôn ngữ sống, không cần biện luận, không cần chứng minh, mà vẫn có thể chuyển hóa người bên cạnh bằng chính sự tĩnh lặng và thuần khiết của mình.

Nhận xét của Nguyễn Thành An, vì thế, nên được nhìn như một dữ liệu xã hội học Phật giáo, phản ánh khát vọng tìm về chân giá trị nơi thế hệ trẻ.

Trong bối cảnh nhiễu loạn niềm tin, một vị Tỳ-kheo giữ giới trọn vẹn chính là hiện thân sống động của Pháp, điều mà hàng ngàn bài giảng có thể không sánh bằng một bước chân tỉnh thức trên con đường bụi đỏ.

(Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *