Bài tập Khí với bệnh Mất ngủ – Bs Trần Quang Khang

Mất ngủ thuộc phạm vi chứng “Thất miên”. Y học cổ truyền gọi là Bất mị, Bất đắc ngọa, Bất đắc miên, nhưng thường dùng nhất là Thất miên, và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau mang tính tổng hợp và chỉnh thể như dùng thuốc, châm cứu xoa bóp, tâm lý liệu pháp, sử dụng các món ăn – bài thuốc…, trong đó có việc tập luyện khí công dưỡng sinh, ngồi thiền.

Theo Y học cổ truyền, giấc ngủ vốn thuộc âm, do thần làm chủ, thần yên thì ngủ được, thần không yên thì không ngủ được. Nguyên nhân làm cho thần không yên là do tà khí nhiễu loạn hoặc do dinh khí bất túc gây nên chứng “Thất miên”. Khí có mặt ở khắp nơi để thúc đẩy hoạt động chức năng của cơ thể, khí cũng tham gia vào việc duy trì sự sống, hàng ngày những hoạt động tâm lý (thất tình), những yếu tố thiên nhiên (lục dâm) đều có thể làm khí rối loạn sinh bệnh. Vì vậy trăm bệnh có thể do khí sinh ra, việc điều khí để hòa huyết có vai trò rất quan trọng trong chữa bệnh, phòng bệnh.

Thần là biểu hiện ra bên ngoài của Tinh – Khí – Huyết – Tân dịch, và còn là biểu hiện tình trạng sinh lý và bệnh lý của lục phủ ngũ tạng bên trong cơ thể. Tinh và Khí là cơ sở vật chất của Thần, trong cơ thể khí huyết thịnh vượng, ngũ tạng lục phủ điều hòa thì tinh thần sung túc. Khí vượng thì Thần tĩnh vì khí an thần. Cơ thể chỉ làm việc hiệu quả khi phủ tạng hài hòa, tinh thần yên tĩnh.

Trong các phương pháp điều trị của Y học cổ truyền, Khí công đã được ứng dụng từ rất lâu và cho thấy hiệu quả trong hỗ trợ điều trị chứng “Thất miên”. Đây là một trong những phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách cân bằng khí huyết, tồn thần.

Có rất nhiều bài tập khí công để phòng và trị bệnh, tuy nhiên bài tập thường được dùng và đã được chứng minh là có hiệu quả là Trạm trang công. Tác dụng cơ bản trị bệnh của Trạm trang công chính là nó có thể bảo dưỡng tâm thần, lại có thể luyện tập thân thể. Tức là có thể làm tăng não lực, lại có thể tăng cường thể lực.

Khoa học hiện đại cho rằng loại công pháp này không những có thể làm cho huyết dịch tuần hoàn thông suốt mà còn có tác dụng thải cũ nạp mới, tăng cường công năng của các khí quan, cơ quan và các tế bào. Đồng thời làm cho toàn thân cơ bắp luyện tập và đạt tới tính “nọa lực”, sản sinh ra một loại xung động hướng nội, từ đó mà kích thích đại não… Trước khi nhập tĩnh thể hội cảm giác nhẹ nhàng sảng khoái, đối với đại não cũng là kích thích thực tính. Nhập tĩnh rồi, sẽ sản sinh ra ức chế, có tác dụng bảo vệ. Trung y cho rằng loại công pháp này có tác dụng lưu thông kinh lạc, điều tức khí huyết, làm cho âm dương tương giao, thủy hỏa tương tế, tăng cường tinh thần, luyện tập cơ thể, tăng cường khí lực.

Công Pháp: Đứng tự nhiên, 2 tay thả lỏng như ôm quả cầu trước ngực, 2 chân khoảng cách bằng vai hoặc đứng cách nào thoải mái nhất, gối chùng nhưng không quá mũi chân, gối với mũi chân thẳng hàng. Hư linh đỉnh kình – huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu như treo lên, huyệt Trường Cường ở cuối xương cùng như rơi xuống, mông hơi đưa về trước, cột xương sống hơi giãn cho khí dễ thông, người toàn thân thả lỏng chìm xuống. Lưỡi đặt lên trên nóc họng, răng môi hơi khép, mắt nửa đóng nửa mở lim dim, thần nội liễm nhìn vào trong thân, ý thủ đan điền, trí không nghĩ ngợi mông lung mà phải thảnh thơi thư thái. Hít thở bụng nghịch (hít thì hóp bụng, thở ra thì phình bụng) hít thở điều hòa chậm sâu đều mịn không gián đoạn, hít thở tuỳ theo sức mình, không cố gắng hít thở sâu sẽ bị chóng mặt. Lúc đầu có thể đứng 2 – 3 phút, lâu dần có thể tăng lên khoảng 1 tiếng hoặc hơn, tập hằng ngày vào mỗi buổi sáng và tối, nếu không có thời gian thì có thể tập trước khi đi ngủ.

Khi luyện tập, cần lựa vị trí cho thích hợp, bảo đảm yên tĩnh, thông thoáng nhưng không bị gió lùa, có thể đứng trong phòng tập nếu không có chỗ, tránh tập lúc bụng đói hoặc no quá. Sau khi tập đứng một thời gian thì khí tự động phát sinh, cứ để cho khí tự do chuyển động luân lưu khắp châu thân.

Trước khi luyện tập 15 – 20 phút cần dừng mọi hoạt động thể lực và trí óc căng thẳng, đi vệ sinh và cởi bớt áo ngoài. Trong thời gian tập giữ sự tập trung vào cảm nhận hơi thở, quan sát hơi thở đi vào, hơi thở đi ra trong suốt quá trình tập, theo thời gian sẽ cảm nhận được Khí vận hành khắp châu thân. Sau khi tập xong, dùng hai bàn tay xoa mặt, vuốt nhẹ hai mắt, sau đó từ từ trở lại hoạt động bình thường.

Tam bảo trong cơ thể là Tinh – Khí – Thần. Tinh là tinh huyết, Khí là sức, Thần là lực. Tinh huyết bởi Thận mà có, Khí bởi Tỳ – Phế mà có, Thần lực bởi Tâm mà có. Ba báu vật này giúp bảo vệ sự sống. Khí mạnh thì sinh huyết, tinh huyết đầy đủ thì thận vẹn toàn, tinh khí thần cường tráng. Theo Thái cực, luyện khí cực thịnh sẽ an được thần cực tĩnh, thần tĩnh thì tâm an, tâm an nên dễ ngủ. Luyện tập đều đặn, phù hợp với công việc và ăn uống khoa học sẽ có giấc ngủ Thái cực, tâm ngủ trước – mắt thân ngủ sau.

Bs Trần Quang Khang

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *