Bài thơ “Hoa Cúc” – Thiền sư Huyền Quang

Huyền Quang (1254- 1334), tên thật là Lý Tái Đạo Là một Thiền sư, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.

Ông là người làng Vạn Tải Vạn Tải, lộ Bắc Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông thể mạo kỳ dị mà có trí khí của bậc dị nhân. Cha mẹ ông rất yêu quý, dạy cho học văn chương. Ông nghe một biết mười có tài của Nhan Hồi Á Thánh, do đó ông được cha mẹ đặt tên là Tái Đạo. Năm 20 tuổi ông thi hương đậu. Năm sau đậu luôn thủ khoa kỳ thi hội.

Cha mẹ định cưới vợ cho ông nhưng ông không chịu đám nào. Vua định gả công chúa Liễu Nữ, cháu của An Sinh vương cho ông, ông từ chối. Làm quan trọng triều ông đã từng phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, bởi vì ông thông thạo thư tịch, trích dẫn kinh nghĩa và ứng đối mau lẹ như nước chảy. Ông làm quan vào khoảng 20 năm. Đến năm 51 tuổi (1305), ông xuất gia theo học với thiền sư Bão Phác. Sau này ông theo phụ tá Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông trên con đường hành đạo… và trở thành Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau Nhị tổ Pháp Loa.

Huyền Quang là một tăng sĩ, một nhà lãnh đạo Phật giáo và ông cũng là một thi sĩ, một nhà thơ lớn. Một trong những bài thơ nổi tiếng còn lưu lại đó là bài “Hoa Cúc”. Bài thơ có nhiều tình tiết cảm động, bình dị mà siêu thoát. Bài thơ thể hiện sự dung cảm của một người trên 70 tuổi. Một người xem cả thân mạng và cuộc đời như hoa cỏ nhưng hễ thấy hoa cúc là tâm tình rộn ràng như một người trai trẻ thấy bóng người yêu.

Hoa Cúc

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch thơ)
Đường nhà Tưởng Hủ tre reo gió
Vườn cảnh Tây Hồ đẹp nét mai
Nghĩa khí chẳng đồng không ý hợp
Cúc hoa nở sáng khắp vườn ai.

Ngàn sông không đủ thấm lòng già
Bách Vịnh Mai Hoa vẫn kém xa
Đầu bạc ngâm hoài vần chửa ổn
Mỗi khi cúc nở rộn lòng ta.

Buông thân buông thế, thảy đều buông
Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường
Trong núi năm tàn không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương.

Năm năm nở đúng tiết Thu qua
Gió dịu trăng trong ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc giắt đầy hoa!

Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa là một
Giữa vùng hương sắc lộ hình dung.

Phương phi Xuân sắc, trắng hay vàng
Thời tiết tùy loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn.

(Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính,
Mai cảnh Tây hồ xử sĩ gia.
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp,
Cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa.

Đại giang vô mộng cán khô tràng,
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang.
Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn,
Thi biểu thực vị cúc hoa mang.

Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

Niên niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài.
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ,
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.

Hoa tại trung đình nhân tại lâu,
Phần hương độc tọa tự vong ưu.
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh,
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.

Xuân lai hoàng bạch các phương phi,
Ái diễm liên hương diệc tự thì.
Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly).

(Sưu tầm)

Những bài viết có thể bạn quan tâm:

1. Bài thơ “Sau trước” – Thi sĩ Quách Tấn

2. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” – Thiền sư Mãn Giác

3. Bài thơ “Vội” – Thích Tánh Tuệ

4. Quy khứ lai từ – Đào Tiềm

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *