Bài thơ “Nhàn nhã” của Quan Hán Khanh

Thơ ca về chữ “Nhàn” không chỉ phản ánh khát vọng sống hòa hợp với thiên nhiên mà còn là lời nhắn nhủ về việc buông bỏ danh lợi, tìm đến sự bình yên trong tâm hồn. Ở Việt Nam, những bài thơ về chủ đề “Nhàn” nổi bật như “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Ngày nhàn” của Nguyễn Trãi, “Chữ Nhàn” của Nguyễn Công Trứ hay “Ngư nhàn” của Không Lộ Thiền sư… Hôm nay, hãy cùng Viên Ngọc Quý khám phá bài thơ “Nhàn nhã” của Quan Hán Khanh – nhà viết kịch vĩ đại người Trung Quốc, nơi ông gửi gắm tư tưởng sâu sắc về nhân sinh và triết lý sống: “Hãy sống thuận theo tự nhiên, trân trọng bản thân và tìm thấy sự bình yên từ trong tâm hồn”.

*

Nội dung bài thơ “Nhàn nhã” của Quan Hán Khanh

“Cày cấy ruộng Nam, ngủ núi Đông

Nhân tình thế thái có rồi không

Những chuyện đã qua suy xét kỹ

Họ thánh ta ngu vốn bất đồng”.

(Trích từ  sách “365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa” – Nhà xuất bản Dân Trí)

*

Giới thiệu Quan Hán Khanh

Quan Hán Khanh (1241-1320) hiệu Dĩ Trai là một trong những nhà viết kịch vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ông sống vào thời nhà Nguyên.

Quan Hán Khanh là một biểu tượng lớn trong văn học kịch nghệ Trung Hoa. Tác phẩm của ông không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn mang đậm tính nhân văn, để lại ảnh hưởng lâu dài đối với nền văn học Trung Quốc và thế giới. Những vấn đề ông đặt ra vẫn mang tính thời sự, khích lệ con người suy ngẫm về công lý, đạo đức và trách nhiệm xã hội. Một số vở kịch nổi tiếng của ông như: “Đậu Nga oan” “Cứu phong trần”; “Nam khoa ký”.

*

Ý nghĩa bài thơ “Nhàn Nhã” của Quan Hán Khanh

“Cày cấy ruộng Nam, ngủ núi Đông”

Câu thơ miêu tả cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, gắn bó với lao động sản xuất và nghỉ ngơi giữa núi rừng yên bình. Đây là biểu tượng của một cuộc sống tự tại, không bị trói buộc bởi những ràng buộc của xã hội. Quan Hán Khanh dùng hình ảnh này để nhấn mạnh sự yên ổn trong tâm hồn, một trạng thái nhàn nhã thật sự.

“Nhân tình thế thái có rồi không”

Câu thơ gợi lên sự thăng trầm của cuộc đời, nhấn mạnh tính phù du của nhân tình thế thái. Những mối quan hệ, những danh vọng hay lợi ích đều chỉ là tạm thời, “có rồi không”. Quan điểm này thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về sự biến đổi không ngừng của đời người, khuyến khích con người đừng quá bận tâm vào những điều phù phiếm.

“Những chuyện đã qua suy xét kỹ”

Câu thơ nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chiêm nghiệm quá khứ. Việc nhìn lại những sự kiện, bài học đã qua giúp con người sống khôn ngoan hơn, biết quý trọng hiện tại. Đây là một thái độ sống tỉnh thức, không bị cuốn vào hối tiếc hay quá khứ đau buồn, mà thay vào đó rút kinh nghiệm và trưởng thành.

“Họ thánh ta ngu vốn bất đồng”

câu cuối thể hiện sự tự nhận thức và khiêm nhường của tác giả. “Họ thánh” là những người thông tuệ, tài giỏi, còn “ta ngu” là sự tự khiêm tốn, chấp nhận bản thân chưa đạt tới mức độ lý tưởng. Tuy nhiên, câu thơ cũng có thể hiểu rằng, mỗi người có một cách nhìn nhận và lối sống riêng, không nên lấy chuẩn mực của người khác áp đặt lên mình. Đây chính là tinh thần tự tại và tự tin vào con đường mà mình đã chọn.

Bài thơ “Nhàn nhã” của Quan Hán Khanh phản ánh tinh thần của một người trí thức thoát tục, chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên, tránh xa danh lợi và những sự náo động của cuộc đời. Qua đó những lời thơ, Quan Hán Khanh không chỉ ca ngợi cuộc sống giản dị mà còn gửi gắm thông điệp triết lý sâu sắc: “Hãy sống thuận theo tự nhiên, trân trọng bản thân và tìm thấy sự bình yên từ trong tâm hồn”.

Viên Ngọc Quý.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *