Nước Tống, có người tới tuổi trưởng thành, khi không mắc phải bệnh quên. Buổi sớm ai cho cái gì, buổi chiều đã quên. Ngày nay làm cái gì, ngày mai đã quên. Ra đường quên cả đi; ở nhà quên cả ngồi. Những gì làm trước kia, bây giờ quên hết. Bây giờ làm chi, sau này quên hết.
*
Có ông thầy nước Lỗ (ám chỉ Khổng Tử) đến xin trị giúp. Người nhà hứa sẽ chia hai gia sản nếu chữa hết.
Ông thầy nói: “Bệnh quên này, dù cúng kiến, thuốc men, cũng không sao chữa được. Vậy, ta thử hóa tâm tính. May ra cứu được chăng?”
Nói xong, thấy bệnh nhân còn biết xin áo khi trần mình, xin cháo cơm lúc bụng đói, xin đem ra ánh sáng lúc ở trong bóng tối, ông nói: “Bệnh này cứu được, nhưng phương pháp rất mật nhiệm không truyền ai được cả”.
Ông bèn đóng cửa kín lại, để người bệnh và ông trong phòng mà thôi. Không biết ông làm gì mà bảy ngày sau, bệnh ấy lại khỏi ngay.
Lạ thay! Khi người bệnh tỉnh trí như thường thì lại nổi cơn giận giữ, rầy mắng người nhà, cầm giáo đuổi theo ông thầy…
Người ta bắt lại, hỏi vì sao giận giữ như thế, thì người bệnh kia nói: “Hỡi ơi! Lúc trước ta khoan khoái vui sướng là thế nào! Trời đất có cùng không, ta không cần biết. Bây giờ ta phải cố gắng mà nhớ lại nào những gì đã qua cách mươi năm về trước, nào những việc được mất, vui buồn, phải quấy, thương ghét… Nghĩ đến ngày nay, lại còn bận đến ngày mai. Ta chỉ e từ đây, có muốn được phút vô tâm hạnh phúc ngày xưa, liệu phải làm thế nào cho được nữa”.
*
Tử Cống nghe câu chuyện, hỏi nghĩa đức Phu tử. Ngài nói: “Ngươi hiểu sao nổi; Hồi, nó có thể hiểu mà thôi”.
Liệt Tử
(bản dịch của Nguyễn Duy Cần)