BÌNH GIẢNG QUẺ TÙY
Quẻ Tùy với chữ Thời [1]
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
I. TÙY VỚI CHỮ THỜI
Quẻ Tùy là một trong 12 quẻ Dịch bàn về chữ Thời. Vì thế nơi quẻ Tùy ta hãy duyệt lại vấn đề chữ Thời, vấn đề thời gian trong Kinh Dịch cũng như trong cuộc đời.
Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề thời gian với những lời văn bình dị, những nhận xét bình dị, với một tâm hồn bình dị của một lữ khách cũng đang như ai thả thuyền đời trên giòng sông thời gian, nhưng không phải là để sống cuộc sống phiêu bạt giang hồ mà chính là dùng thời gian làm phương tiện chuyển vận tiến về căn nguyên vĩnh cửu.
Có thể nói được rằng thời gian sinh ra là do sự chuyển dịch, biến dịch của vạn hữu. Thời gian! Thời gian! Che dấu dưới bộ mặt hiền từ và đơn sơ của từ ngữ là biết bao bí ẩn của nhân sinh nhân thế, biết bao là cơ cấu và tự sự khác nhau!
– Trước tiên, tinh cầu và địa cầu chuyển dịch trên vòm trời, tạo nên tháng năm và tuần tiết: dó là thời gian thiên văn (temps sidéral, astonomique, ou physique).
– Các tế bào trong người ta sinh sinh hóa hóa, lúc thạnh lúc suy, lúc tụ lúc tán, cũng tạo nên một thứ thời gian: đó là thời gian tuổi tác (temps biologique).
– Tâm hồn ta chuyển dịch, biến thiên, vui vui buồn buồn, lúc thì bừng sáng như bình minh, lúc thì ảm đảm như bóng tối. Sự chuyển biến ấy cũng tạo nên một thứ thời gian: đó là thời gian tâm lý (temps psychologique).
– Tâm tư chí hướng, dân tình của mỗi dân, mỗi nước cũng biến thiên, tạo nên một thứ thời gian mới là thời gian lịch sử (temps historique).
– Nếu thời gian là sự chuyển dịch thì những duyên cớ, những ý hướng gây nên sự chuyển dịch ấy chính là nguyên do sinh ra sự mất thăng bằng, sinh ra sự chuyển dịch, sinh ra thời gian. Mà đã chuyển dịch thì phải đưa đến một kết quả nào, cho nên thời gian chính là quá trình để ta thực hiện một công tác gì, một mục đích gì.
Vũ trụ dùng thời gian để làm hiện lên tất cả những gì đẹp tươi còn đang tiềm ẩn trong lòng vũ trụ.
Cá nhân chúng ta dùng thời gian để thực hiện ước mơ, thực hiện nguyện vọng của chúng ta.
Xã hội nhân quần dùng thời gian để thực hiện sự siêu thăng hóa của con người.
Thời gian như là động cơ mà không gian như là môi trường chuyển dịch.
Thời gian, không gian cũng có thể nói chung là hoàn cảnh mà tâm hồn ta sẽ băng qua, trên lộ trình đi tìm chân lý, đi tìm bản thể và tuyệt đối, hay nói cách khác, trên lộ trình thực hiện con người chân thực của ta.
Ngày nay thời gian và không gian cũng chỉ được coi là hai chiều động tĩnh của một thực thể, cho nên ta dùng chữ hoàn cảnh mà gọi thời gian cũng chẳng sai.
Trên đây ta đã dùng lời lẽ giăng dò đan lưới để bắt con thỏ thời gian, những lời lẽ ta, những định nghĩa ta chỉ cốt là để bắt thời gian và để sử dụng thời gian, chứ chúng ta không có cao vọng đi sâu vào thực chất của thời gian. Dò lưới bắt thỏ dĩ nhiên phải khác thỏ.
Hiểu thời gian là chuyển biến, hiểu thời gian là những hoàn cảnh khác biệt, những giai đoạn khác biệt mà tâm hồn mỗi người sẽ băng qua, hoặc là để thực hiện căn cốt bản tính của mình, hoặc là để thực hiện một hoài bão, một ước mơ hay một công trình nào đó sẽ làm cho ta thấy thời gian có chiều hướng.
Và mỗi tâm hồn, mỗi con người đều đang vẽ trên nền tĩnh lãng của vĩnh cửu một hay nhiều chu kỳ thời gian, để vẽ nên bộ mặt thực của mình, để diễn xuất một vai trò nào đó, trước sự quan chiêm của xóm giềng, của họ hàng, của quốc gia xã hội, của hoàn võ, vũ trụ và thần minh.[2]
Như vậy thời gian trở nên có ý nghĩa với con người và con người không còn phải than thở như Lamartine:
«Phiêu dạt mãi tới bến bờ xa lắc,
Trong đêm tăm lưu lạc biết về đâu;
Lênh đênh sống trên trùng dương thời khắc,
Chẳng buông neo dừng lại được ngay sao?» [3]
Muốn cho cuộc đời ta thêm ý nghĩa, ta phải phác họa đại khái cho ta những chiều hướng, những bước đường của ta sẽ đi, những giai đoạn mà ta sẽ muốn vượt, những công trình mà ta sẽ muốn làm từ đầu đến cuối cuộc đời. Được như vậy ta sẽ sống một cuộc đời thoải mái sung sướng và cuộc đời chúng ta sẽ là một mùa xuân bất diệt như lời Thiệu Tử:
«Nhĩ mục thông minh nam tử thân,
耳 目 聰 明 男 子 身
Hồng Quân phú dữ bất vi bần.
洪 鈞 賦 與 不 為 貧
Tu tham nguyệt quật phương tri vật,
須 探 月 窟 方 知 物
Vị nhiếp Thiên Căn khởi thức nhân.
未 躡 天 根 豈 識 人
Kiền ngộ Tốn thời quan nguyệt quật,
乾 遇 巽 時 觀 月 窟
Địa phùng Lôi xứ kiến thiên căn.
地 逢 雷 處 見 天 根
Thiên căn nguyệt quật thường lai vãng,
天 根 月 窟 常 來 往
Tam thập lục cung đô thị xuân.»
三 十 六 宮 都 是 春.[4]
Dịch:
Thông tuệ nam nhi đứng cõi đời,
Lòng mang tạo hóa há đâu chơi.
Quyết tham nguyệt quật cho hay vật,
Cố hiểu thiên căn để biết người.
Trời nổi gió giông thông động nguyệt,
Đất vang sấm chớp lộ căn trời.
Căn trời nguyệt động thường lai vãng,
Ba sáu cung xuân trọn vẹn đời.
Dịch cho rằng sự chuyển biến, chuyển dịch hay thời gian đã phát sinh từ một nguồn bất biến, bất dịch, và như con rồng sau khi đã triển dương thiên biến vạn hóa trên kịch trường không gian lại xoay trở về được với bất dịch, bất biến, vô vi, vô gián.
Vì vậy người quân tử khi đã hiểu lẽ Dịch phải biết cỡi 5 con rồng biến hóa của thời gian để trở lại cùng vĩnh cửu và tuyệt đối.
Lão giáo viết: «Ngũ long bổng thánh Côn Lôn đỉnh.» 五 龍 棒 聖崑 崙 頂.[5]
Trình Tử viết một cách giản dị hơn: «Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo.» 隨 時 變 易 以 從 道.[6] Chữ tòng đạo ở đây cũng giống như chữ suất tính 率 性 của Trung Dung. Nôm na hơn, ta nói rằng: Bổn phận người quân tử là phải dùng thời gian tuổi tác, lịch sử để tinh luyện tâm thần mình, để rốt ráo thực hiện được tuyệt đối. Và muốn biết định mệnh của mỗi một con người ta chỉ cần biết xem mục phiêu của họ, bình sinh chi chí của họ là gì, xem họ tùy thời biến dịch để tòng đạo hay tòng danh, tòng lợi, tòng nghĩa, tòng dục… Cho nên chữ tùy thời thực là can hệ vậy.
Dịch là bàn về chữ Thời và dạy cách cư xử cho hay cho khéo trong mỗi giai đoạn, mỗi trường hợp. Nhưng đặc biệt có 12 quẻ bàn đến chữ Thời:
1. Bàn suông chữ Thời, có 4 quẻ:
. Di.
. Đại Quá.
. Cách.
. Giải.
2. Bàn đến Thời nghĩa tức là bàn ý nghĩa của chữ Thời và hoàn cảnh cũng như cách xử thế trong mỗi một khung cảnh thời gian, có 4 quẻ:
. Dự.
. Lữ.
. Cấu.
. Độn.
3. Bàn về ý nghĩa của sự Tùy Thời có quẻ Tùy.
4. Bàn về cách lợi dụng những hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm, có 3 quẻ:
. Khảm.
. Khuê.
. Kiển.
Ta bình giải chung đại khái như sau: Sống ở đời ta sẽ mục kích nhiều thời kỳ khác nhau:
– Có lúc bình yên để cho mọi người nghĩ đến sự di dưỡng tâm thần và thể chất (quẻ Di).
– Có những thời kỳ thay đổi toàn diện như cọp đổi lốt, báo thay da, để đem lại cái gì mới mẻ hơn (quẻ Cách).
– Có thời kỳ cá nhân hay nhân loại phải lập nên những đại công, đại nghiệp đặc biệt phi phàm (quẻ Đại Quá).
– Cũng có thời kỳ phải xây dựng lại trên những tàn tích cũ (quẻ Giải).
Về ý nghĩa của chữ Thời, ý nghĩa của ít nhiều giai đoạn trong cuộc đời, ta bình giải như sau:
– Chúng ta sở dĩ phải dấn thân vào chốn trần hoàn là cốt làm cho trần hoàn thêm đẹp, thêm tươi, chịu thử thách để cho mình thêm điêu luyện, tinh toàn (quẻ Cấu).
– Tuy nhiên vì mục đích của chúng ta là Đạo, là Thái Cực, ta phải coi những chặng đường trần hoàn của ta như một cuộc lữ thứ đi qua ngoại cảnh (quẻ Lữ).
– Mặt trời có lúc lặn lúc mọc, con người cũng có khi ẩn khi hiện. Khi thấy cơ nguy nên ẩn, nên độn mới hay. Thế mới là minh triết bảo thân (quẻ Độn).
– Nếu ta dùng được trần hoàn để mà tinh luyện tâm thần, để tâm hồn rung cảm được với khúc đại hòa ca của vũ trụ, thì tuy sống trong trần ai tục lụy nhưng mà lòng ta bao giờ cũng vẫn vui tươi (quẻ Dự).
– Tóm lại ta phải biết tùy thời xử thế, chấp nhận mọi hoàn cảnh như một cuộc thử thách, tìm mọi phương cách để lướt thắng, chế ngự hoàn cảnh, để rèn luyện giũa mài nhân tâm, nhân cách của ta; dùng hoàn cảnh làm bậc thang hay làm xe, làm ngựa, chở mình về Thái Cực, về tuyệt đỉnh tinh hoa mới là hiểu được nghĩa lý của hai chữ tùy thời (quẻ Tùy).
– Đàng khác, nếu ta có tài thì ta có thể biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, lợi dụng mọi hoàn cảnh để tô điểm cho đời ta thêm đẹp thêm tươi.
+ Gặp núi non hiểm trở, địa thế kỳ khu, ta sẽ dùng làm bình phong phòng ngự cho kinh đô, cho quốc thổ (quẻ Khảm).
+ Tinh thần hay vật chất đều có thể giúp ích cho tao nhân mặc khách. Hiểu được như vậy, vạn sự vạn vật đều thuộc quyền sử dụng của ta (quẻ Khuê).
– Khi mà gặp hiểm nguy ở đời như người kẹt giữa khe cùng núi, ta hãy trở về tu luyện nội tâm, như vậy cũng sẽ hóa thông, hung sẽ hóa cát. Thế là hiểu được Dịch (quẻ Kiển).
Hiểu được thời gian như vậy, thời gian sẽ luôn luôn là công cụ cho ta dùng để thực hiện lý tưởng, chứ không phải là cái gì xa lạ đối với ta, để lúc thì muốn níu kéo lại, lúc thì muốn xua đuổi đi, như Lamartine làm bài thơ tình bên hồ nước:
Thời gian hỡi xin khoan đừng rong ruổi,
Giờ ái ân xin tạm hoãn đừng trôi.
Cho ta hưởng phút thần tiên ngắn ngủi,
Của những ngày thơ mộng nhất trong đời.
*
Trần hoàn nay bao người đang khỏ ải,
Van thời gian vì họ hãy trôi đi.
Trôi đi để xóa nhòa niềm oan trái,
Còn quên cho vì kẻ sống mê ly.
*
Nhưng thời khắc van xin đâu có được,
Thời gian trôi nghiệt ngã cứ trôi đi.
Ta tha thiết van xin đêm ngừng bước,
Nhưng bình minh tàn nhẫn chẳng diên trì. [7]
II. TÙY VỚI HAI CHỮ TÙY THỜI
Bây giờ ta trở về quẻ Tùy để giảng rộng hai chữ tùy thời.
Như trên đã nói, thời gian chỉ là những giai đoạn, những công cụ, những điều kiện cần thiết để chúng ta đào luyện xác thân, trí não, tâm thần, để con người trở nên hoàn hảo, toàn chân, toàn mỹ.
Như vậy ta cần phải xác định mục phiêu và chí hướng của ta. Sau đó phải biết quyền biến, tùy thời xử thế, tùy nghi tiến thoái để thực hiện mục phiêu ấy.
Nghĩa chữ thùy thời xử thế đã được Mạnh Tử hết sức tán dương. Mạnh Tử khen Khổng Tử là «Thánh chi thời», vì đã biết xử sự khéo léo tùy theo mỗi hoàn cảnh:
«Đức Khổng Tử khi ra khỏi nước Tề, gạo vừa vo xong, chưa kịp nấu chín, thế mà ngài tiếp lấy vội vã ra đi. Khi ngài ra khỏi nước Lỗ, ngài nói rằng: ‘Ta chầm chậm mà đi thôi.’ Đó là cách buộc lòng rời đất nước của cha mẹ vậy. Lúc cần đi gấp thì ngài đi gấp, lúc cần ở lâu thì ngài ở lâu. Khi nên lui về ở ẩn thì ngài lui về ở ẩn. Khi nên tiến lên làm quan thì ngài tiến lên làm quan. Đó là phong độ của Đức Khổng Tử vậy… Đức Khổng là bậc thánh có đức thời trung.» [8]
Về phương diện cá nhân, có thể nói sự nhận định về niềm tin tưởng của ta về cốt cách, về bản tính con người, có một ảnh hưởng quyết định trong công cuộc tùy thời biến dịch.
Bàn chung về cốt cách con người xưa nay, đại khái có 3 quan niệm khác nhau:
1. Montaigne cũng như các triết gia duy vật hiện nay cho rằng con người chỉ có vật cách, con người chỉ là con vật tiến hóa.[9] Nếu vậy thì đối với họ, thời gian chỉ có thể dùng mà tìm cầu, mà hưởng những lạc thú nhãn tiền. Và trước sự trôi chảy không ngừng của thời gian họ sẽ bảo nhau:
Yêu nhau đi, yêu đi, xin vội vã,
Những phút giây ngắn ngủi hưởng cho cùng.
Người vô định, thời gian không quán xá.
Thời gian trôi, người già mãi chẳng ngừng.[10]
Và họ than:
Thời gian hỡi, ghen tuông chi lắm tá,
Chẳng lẽ nào những khoảnh klhắc mê ly,
Cũng xa bay với một niềm vội vã,
Như những ngày đau khổ đượm sầu bi.[11]
2. Epictète cũng như các nhà huyền học Âu Châu xưa nay chủ trương con người có thiên cách, thần cách, tiên cách. Như vậy, thời gian và hoàn cảnh chính là lò cừ để luyện cho con người trở nên tinh ròng, thuần túy, toàn chân, toàn thiện.[12] Con người sinh ra phải dùng thời gian và hoàn cảnh, hay cũng như dở mà làm cho sáng tỏ, cho chói chang phẩm cách, thần cách, tiên cách của mình. Đó chính là tùy thời biến dịch dĩ tòng Đạo của Trình Tử.
3. Pascal và các giáo hữu Âu Mỹ hiện nay chủ trương con người chẳng phải là vật, cũng chẳng phải thần. Con người chỉ có nhân cách. Con người là một loài ở giữa thần và vật, một mâu thuẫn sống động, một quái tượng hay là một kỳ quan, mà chỉ có sự mặc khải, qua trung gian của ‘sự điên khùng của thánh giá’ [13] mới có thể giải thích và cứu rỗi được.[14] Trong trường hợp này con người chỉ được cứu rỗi do ân cứu chuộc và nếu giữ được các giới răn, các giáo điều, v.v. và thời gian trần thế trở nên một sự đền bù, phạt tạ, một cuộc chuẩn bị cho lai sinh hạnh phúc vô biên trên thiên quốc.
Sở dĩ ở quẻ Tùy chúng ta vừa phải bàn đến các quan niệm về cốt cách con người, về bản tính con người, cũng như đề cập đến thời gian, không gian và hoàn cảnh ngoại tại, chính là vì giá trị chân thực của chúng ta là một hàm số tùy thuộc nhiều biến số như tín ngưỡng, hoàn cảnh, tính tình, lập trường, quan điểm, chí hướng, trình độ giáo dục, trình độ hiểu biết, v.v. Khi mà những biến số chưa định được hết thì hàm số vẫn còn vô định. Có lẽ vì thế mà Tạp Quái gọi Tùy là Vô cố.
– Tùy thời dẫu sao cũng vô cùng quan trọng, vì nhờ thời gian và hoàn cảnh với tất cả sự thách đố cám dỗ của chúng mà cốt cách của mỗi người dần dà theo đà thời gian sẽ được minh định bằng tầm hiểu biết, bằng cái yêu cái ghét, cái thích thú đặc biệt của mỗi người, niềm tin tưởng, chí hướng và sự quyết tâm thực hiện chí hướng ấy của mỗi người.
Mới hay: Tùy thời chi nghĩa đại hỉ tai !
– Quẻ Tùy dạy ta một bài học rất lớn lao là sống phải biết thích ứng với thời gian hoàn cảnh, tuổi tác, và bất kỳ muốn hiểu ai, hiểu việc gì, phải đặt việc ấy, người ấy vào khung cảnh không gian và thời gian của nó.
– Quẻ Tùy cũng dạy chúng ta rằng cái gì mà tự bản thân chúng ta làm mới đem lại cho chúng ta một nguồn vui thực.
– Khi đã biết con người có nhiều khuynh hướng, nhiều tính cách khác nhau, ta mới biết cách xử thế hay nhất là tùy thời xử thế, nhập giang tùy khúc và ta mới thấy chữ khoan là trọng. Đạo Đức Kinh chương 29 viết:
Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,
Suy cho cùng, chẳng khá được nào.
Lòng người nghệ phẩm (thần khí) tối cao,
Ai cho ta nặn, ta nhào tự do.
Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,
Chẳng chóng chày, hủy hoại lòng người.
Lòng người ai nắm giữ hoài,
Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.
Người trần thế (muôn hoa đua nở)
Có nhanh chân, cũng có chậm chân.
Người nóng nảy, kẻ lần chần,
Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.
Người kiên gan, kẻ như cánh bướm.
Nên thánh hiền sùng thượng chữ khoan.
Chỉ ngăn quá lạm cực đoan,
Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài.
Quẻ Tùy trong là sống động, ngoài là vui tươigợi lên cho ta hình ảnh những nhà đạo học Á Đông, bên trong thì dạt dào nguồn sống, mặt ngoài thì hớn hở hồn nhiên, sống cảm thông với người, uyển chuyển linh động, không câu nệ, không chấp nhất, không cứng ỏi, một chiều, một gióng.
Hệ Từ cho rằng nhìn quẻ Tùy, người xưa đã nghĩ ra cách dùng trâu ngựa tải đồ. Hệ Từ viết:
Dùng trâu dùng ngựa tải xa,
Chở cỗ thiên hạ lợi là biết bao.
Ngựa trâu chuyên chở thấp cao,
Quẻ Tùy chỉ vẽ tiêu hao sự tình.
Ngày nay, trông quẻ Tùy và nhân hai chữ Tùy thời ta sẽ dùng thời gian và hoàn cảnh làm thần ngưu thần mã để ngao du lục nữ và để vượt lên đỉnh non thần Thái Cực.
III. QUẺ TÙY ÁP DỤNG VÀO THUẬT TRỊ DÂN
Dịch nơi quẻ Tùy dạy chúng ta một phương pháp trị dân rất là giản dị.
Xã hội chẳng qua chỉ là một tập thể con người. Cái tập thể ấy không nên dùng những luật pháp vô nhân, những biện pháp hà khắc để cai trị.
Trái lại phải tổ chức sao cho mọi người đều nhận định ra được thiện chân, thiện lý, nhận định ra rằng mỗi người sinh ra kẻ nhanh người chậm đều cốt là tạo cho mình một đời sống lý tưởng, gồm đủ chân thiện mỹ.
Phải lấy chân thiện mỹ làm mục phiêu để vươn lên, phải lấy sự công chính là cùng đích để đạt tới, rồi ra cuộc đời của mỗi người cũng được hanh thông, cũng được lợi ích thật sự.
Như vậy nhà vua cai trị dân không phải bằng ý riêng mình mà chính là bằng ý trời, đem luật trời hằng cửu mà ban cho dân, đem lý tưởng toàn thiện mà làm mục phiêu để cùng nhau tiến tới. Được như vậy là tùy Thiên thuận Thiên.
Phương châm thứ hai qua bậc lãnh đạo dân là phải biết tùy theo ý muốn của toàn dân, vì dân đã muốn cũng tức là trời muốn, dân đã muốn tức là trời sẽ theo.[15] Lẽ nào nhà lãnh đạo dân đi ngược lại? Đó cũng là chủ trương của Đại Học. Đại Học viết: «Vui sướng thay bậc quân tử cha mẹ dân, dân ưa thích điều gì, nhà cầm quyền cũng ưa thích theo. Dân chán ghét điều gì, nhà cầm quyền cũng chán ghét theo, vì biết thuận theo dân tâm, đó mới gọi là cha mẹ dân vậy.
Đó tức là:
Sướng thay là bậc trị dân,
Cùng dân yêu ghét muôn phần chẳng sai.
Đáng làm cha mẹ muôn người…[16]
Mà ước muốn của dân thật là giản dị: làm sao có được một đời sống bình an sung túc, đầm ấm thuận hòa, không bị quấy nhiễu bóc lột. Tóm lại, sống một cuộc đời đáng sống, không phải thở than, phải xót xa, phải cay đắng cơ cực.
Trị dân mà thuận lòng dân như vậy, thì bất kỳ đề xướng chuyêen gì, dân cũng vui theo, vì họ biết đó là vì họ, vì quyền lợi của họ, và của con cháu họ.
Nếu cai trị mà biết dạy cho dân biết tự động dùng thời gian và hoàn cảnh để cải tạo mình, để tiến tới công chính, tiến tới nguyên tuyền, hoàn thiện, thì còn ai dám trách một vị quân vương như vậy.
– Tượng lại bàn tiếp đến phương châm thứ ba là trị dân phải biết pháp Thiên nhi hành (bắt chước trời mà hành sự). Lúc cần động thì động, lúc cần tĩnh thì tĩnh. Không bắt dân làm gì trái thời trái tiết, để cho dân luôn sống hòa mình vào khối đại vũ trụ.
Đó là bí quyết của thiên Nguyệt Lệnh trong Lễ Vận và đó chính là sự áp dụng kỳ diệu của hai chữ tùy thời vào nghệ thuật trị dân.
Nếu vua trị dân mà biết tùy thời thì triều đình của vua chẳng những gồm có quần thần, mà nhật nguyệt tinh cầu, Nhị thập bát tú cũng đều trở nên những vị quân sư; năm tháng nóng lạnh nắng mưa cũng đều trở nên những quân hầu phục vụ dưới trướng.
Ta có thể dùng mấy vần thơ tóm tắt nghệ thuật tùy thời hành động của người xưa từ đời Nghiêu Thuấn như sau:
Xuân phân tinh đẩu đỉnh đầu,
Dân con nay đã rủ nhau ra ngoài.
Chim muông đẻ trứng, tìm đôi,
Ngày xuân ta chớ buông lơi việc làm.
Tới ngày Hạ Chí chói chang,
Đêm về sao Hỏa hiên ngang đỉnh đầu.
Chúng dân tản mạn dãi dầu,
Chim muông thôi cũng thay màu đổi lông.
Thu phân trú dạ tương đồng,
Sao Hư chập tối vời trông đỉnh đầu.
Dân con mát mẻ bảo nhau,
Chim muông lông lá ra màu tốt tươi.
Đông Chí ngày vắn đêm dài,
Đêm về sao Mão chơi vơi đỉnh đầu.
Dân con ít muốn đi đâu,
Chim muông lông lá trước sau thêm dài.[17]
Các hào tiếp tục bàn đến nghệ thuật tùy thời và thuận thiên, thuận nhân để trị dân.
1. Hào Sơ Cửu cho rằng trị dân phải có phương châm cao cả này là: Luôn luôn theo lẽ chính, luôn theo chính đạo, theo lý tưởng. Trị dân mà lâng lâng vẹn sạch niềm tây, treo gương chính nghĩa, tùy thuận nhân tâm thì còn gì hay hơn.
2. Hào Lục Nhị cho rằng người trị dân cvó hai con đường thuận nhân tâm. Một là theo bầy bọn tiểu nhân, theo thị dục thị hiếu của chúng. Theo tiểu nhân, kích thích nuông chiều thị dục thị hiếu của chúng, âu sẽ mất lòng những người quang minh chính đại, mất lòng những người hiền lương. Không thể nào được vừa lòng cả đôi bên.
3. Hào Lục Tam cho rằng: Nếu thuận theo ước vọng của những người hiền lương công chính thì những kẻ gian tà sẽ lánh mặt xa. Theo đường lối ấy cho cương quyết, cho bền gan, thì sau sẽ hay, sẽ lợi, vì có thể cảm hóa được bọn tiểu nhân tà ngụy.
4. Hào Cửu Tứ cho rằng cai trị thuận nhân tâm không phải là cai trị mị dân. Hơn nữa, một trọng thần mà được lòng dân yêu mến thì phải biết ăn ở cho phải đạo để sao cho lòng người luôn luôn giữ được sự tính thành, hành động luôn luôn hợp nghĩa lý, ngôi vị tuy cao trọng mà không mang tiếng lấn vị vua, quyền thế tuy to tát mà vẫn không đi quá trớn, thế mới là sáng suốt khéo léo. Đó chính là trường hợp Hưng Đạo Vương ba lần phá quân nguyên, phò vua giúp nước mà vẫn trọn được niềm thần tử.
5. Hào Cửu Ngũ: Còn nhà vua ở ngôi vị cao mà luôn luôn sống thuận theo đạo lý, bao giờ cũng tín thành hợp lễ nghĩa, sử xự luôn đúng theo hai chữ Chính Trung, như vậy còn gì đẹp đẽ hơn.
Trong bộ Kinh Thư Đại Toàn có viết: «Vua ở ngôi trung ương trong thiên hạ, tất phải có nhân đức tuyệt vời, mới lập ra tiêu chuẩn tối cao cho mọi người được.» [18]
Lễ Ký cũng viết: «Nhà vua cần phải có một tâm hồn thanh nhã, không chao động, mới có thể giữ gìn được sự công chính tuyệt hảo.» [19]
Nói thế tức là sống ở thời Tùy, khi mà chúng dân đã biết thuận Thiên thuận lý, thì nhà vua phải siêu phàm thoát tục, phải là một vị chân thiên tử.
6. Hào Thượng Cửu cho rằng: Nếu quân vương cùng với bách quan ai nấy trước sau đều tha thiết một lòng thuận theo đạo lý, thuận theo chính nghĩa, chính đạo, thuận theo ước nguyện của dân, thuận theo nhân tâm mà trị dân, thì dĩ nhiên dân sẽ quy thuận, sẽ một dạ trung thành với vua, với chính quyền. Sự khắng khít gắn bó ấy dẫu chư thần cũng phải cảm động; như vậy lo chi mà giang sơn không bền vững. Đó là phương pháp lập nghiệp của Thái Vương xưa ở đất Kỳ Sơn vậy.
Đàng khác, Dịch nói tùy thời. Vậy khi mà dân đã no đủ, đã vui sướng, đã có một tâm hồn tinh khiết, thì nhà cầm quyền còn có chương trình gì nữa được thực hiện thêm cho họ? Thưa, lúc ấy phải chỉ cho họ con đường trời, phải hướng họ về tuyệt điểm tinh hoa, dạy họ sống một cuộc đời toàn chân, toàn diện, cho mọi người hướng về Hoàng Cực, hội nơi Hoàng Cực. Kinh Thư viết:
Đường trời nọ thẳng vo thẳng tắp,
Vút một lèo tới cực cao minh.[20]
Thế mới chính là ‘tùy thời biến dịch nhi tòng đạo’ cho mình và cho dân. Tòng đạo để các đạo cùng nhau tiến đến tinh hoa thuần túy, vĩnh cửu vô cương.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng toàn thể xã hội bao giờ cũng được sắp xếp theo định luật Dịch và đồ biểu Gauss, nghĩa là thượng thánh và hạ ngu thì rất ít, còn kẻ tầm thường thì chiếm đại đa số.
Nói theo Dịch ta có: (A+D)6= A6 + 6A5D + 15A4D2 + 20A3D3 + 15A2D4 + 6AD5 + D6
Và theo đồ biểu Gauss ta có:
Biết như vậy ta mới hiểu tại sao Trung Dung nói:
Vua Thuấn thực thông minh sáng suốt,
Thích hỏi han, quan sát chuyện đời.
Rồi ra cân nhắc đầy vơi,
Xấu thời đậy điệm, lành thời phô trương.
Hai cực đoan ngài thường giữ lấy,
Chỉ xem điều vua phải dậy dân,
Thảo nào vua Thuấn tiếng tăm.[21]
CHÚ THÍCH
[1] Trích từ phần bình luận quẻ TÙY trong quyển Chu Dịch Giảng Bình của Bs Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, quyển 2, sách Ronéo, Saigon, 1974, tr. 15-26.
[2] Tout Cycle parcouru par une âme est mesurée par un temps. mais tandis que le cycle de chacun des autres âmes est mesuré par un certain temps, le cycle de la première Âme qui soit soumise à la mesure du temps est mesuré par le temps total.
Comme tous les mouvements des ces âmes en effet, comportent succession, il en est de même de leurs cycles périodique, en sorte que ceux-ci sont mesurés par un temps, et le temps est cela même qui mesure tous les cycles périodiques des âmes.
La Religion essentielle, p. 101.
[3] Trích dịch bài thơ Le Lac của Lamartine.
[4] Dịch Kinh Đại Toàn, viên đồ, tr. 41
[5] Tiên Thiên Luận Ngữ 先 天 論 語 , 5.
[6] Đại Toàn, Chu Dịch Trình Tử truyện tự
[7] Xem Le Lac của Lamartine.
[8] Mạnh Tử, Vạn Chương [hạ], 1.
[9] … En effet, Montaigne le sceptique abaisie l’homme au niveau de la bête, lorsqu’il dénie à la raison la capacité de connaître la vérité, et par la même, ravale son orgueil.
La Table Ronde, No 171, Avril 1962, p.123.
[10] Xem Le Lac của Lamartine.
[11] Xem Le Lac của Lamartine.
[12] Epictète le Stoïcien, exalte l’homme au-dessus de lui-même, jusqu’à en faire un Dieu, un rival du Ciel, qui se suffit à lui même, et de lui-même se perd du se sauve, selon qu’il soit vivre ou non selon la raison. La Table Ronde, No171, Avril 1962, p. 125
[13] La langage de la croix est en effet folie pourceux qui se perdent, mais pour ceux qui se sauvent, il est puissance de Dieu.» I Cor. 1.18.
[14] Pascal se sert du scepticisme de Montaigne pour ‘abaisser’ ‘l’orgueil stoïcien, et de celui-ci pour élever l’homme au dessus de la bête… L’homme est contradiction vivante ‘monstre’ ‘prodige’ que la seule révélation, à traverse la ‘folie de la Croix’ peut expliquer et sauver…
La Table Ronde, No171, Avril 1962, p. 126
[15] Thiên thị tự ngã dân thị. Thiên thính tự ngã dân thính. 天 視 自 我 民 視 . 天 聽 自 我 民 聽. Thư Kinh, Thái Thệ, Trung, 7.
… Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. 民 之 所欲 天 必 從 之. Thư Kinh, Thái Thệ, Thượng, 11.
[16] Xem Đại Học, chương 10.
[17] Xem Thư Kinh, Nghiêu Điển. Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học Tinh Hoa, tr. 229, 230, 231.
[18] Nhân quân cư thiên hạ chi trung, tắc tất hữu thiên hạ chi tuyệt đức, nhi hậu khả dĩ lập chí cực tiêu chuẩn. 人 君 居 天 下 之 中 , 則 必 有 天 下 之 絕 德 , 而 後 可 以 立 至 極 之 標 準. Kinh Thư Đại Toàn, quyển III, tr. 27
[19] Vương trung tâm vô vi dã, dĩ thủ chí chính. 王 中 心 無 為 也 , 以 守 至 正. Lễ Ký, Lễ Vận, tiết 2. Xem thêm Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học Tinh Hoa, tr. 240.
[20] Kinh Thư, Hồng Phạm, tiết 1: Vương đạo chính trực; Hội kỳ hữu cực; Quy kỳ hữu cực. 王 道 正 直 ; 會 其 有 極 ; 歸 其 有 極.
[21] Trung Dung, chương 6.
Nguồn: nhantu.net/DichHoc/queTuy/queTuy.htm
Bài viết bạn có thể quan tâm:
1. Quẻ Trạch Lôi Tùy – Kinh Dịch, Đạo của người Quân tử – Nguyễn Hiến Lê