Quý Tiện Lâm, một bậc thầy về Đông phương học, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và nhà văn, được biết đến là một trong những “quốc bảo” của Trung Quốc. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ và là một trong số ít học giả trên thế giới thông thạo Ngữ tộc Tochari (là một nhánh ngôn ngữ Ấn-Âu đã biến mất), được chính phủ của cả Ấn Độ và Trung Quốc tôn vinh.
Ông Quý Tiện Lâm qua đời ở tuổi 98. Một người sống thọ như vậy, ai ngờ khi còn trẻ ông đã mắc đủ thứ bệnh tật, trong đó có bệnh đậu mùa với tỷ lệ tử vong cao.
Làm thế nào mà một người có thể sống thọ như vậy?
Trước hết, Quý Tiện Lâm là người cởi mở và lạc quan, kế tiếp, ông đã làm được “ba không” do bản thân tự đúc kết: “Không tập luyện, không kén ăn, không lải nhải”. Nghe có vẻ rất “ngược đời” đối với một người lớn tuổi nhưng lại là chân lý.
Bị cuộc sống vùi dập trăm nghìn lần
Quý Tiện Lâm sinh ra trong một gia đình nghèo, cha không chí thú làm ăn. Nhà thường xuyên không đủ ăn, chỉ nhờ mẹ quán xuyến đảm đang nên gia đình mới đủ sống qua ngày. Song cha vẫn không hài lòng và thậm chí còn bỏ rơi mẹ con ông.
Những năm đó, gia đình không có lấy một người đàn ông trụ cột, cuộc sống rất khó khăn. Đáng tiếc mẹ của ông đã qua đời vì làm việc quá sức, chỉ còn lại Quý Tiện Lâm nhỏ bé.
Trong tuyệt vọng, Quý Tiện Lâm chỉ có thể tìm đến người cha nhẫn tâm của mình. Cha ông vốn không có trình độ học thức, một mình cũng không đủ sống, huống chi là chu cấp cho con trai. Cuộc sống khốn cùng trôi qua vài năm, khi Quý Tiện Lâm 11 tuổi, cha qua đời.
Quý Tiện Lâm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nương nhờ vào người chú. Chú của ông là một người tốt bụng, không chỉ chăm lo cho cuộc sống của Quý Tiện Lâm mà còn gửi ông đến một trường tư thục.
Sau khi Quý Tiện Lâm công thành danh toại, lẽ ra cuộc sống phải rất hạnh phúc, nhưng đứa con trai đã gây thêm cho ông rất nhiều rắc rối.
Năm 1994, vợ bị bệnh qua đời, Quý Tiện Lâm nhờ con trai chịu 20.000 NDT (hơn 65 triệu đồng) chi phí tang lễ, kết quả là hai cha con “trở mặt thành thù”, thậm chí cắt đứt quan hệ, họ không hề gặp nhau trong suốt 13 năm. Mãi cho đến năm 2008, hai người mới xem như nhìn lại mặt nhau.
Cuộc sống ngược đãi Quý Tiện Lâm hàng trăm hàng nghìn lần trong đời, nhưng ông luôn đối mặt với nụ cười trên môi. Hãy đối xử với những thăng trầm của cuộc sống bằng tâm hồn thanh thản, đồng thời không ngừng trau dồi tri thức. Có lẽ chỉ có lao động quên mình mới có thể khiến ông quên đi những nỗi đau của cuộc đời.
Ông Quý Tiện Lâm sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc từ nhỏ, năm 6 tuổi ông từng mắc bệnh đậu mùa, mạng được cứu nhưng cũng gây tổn thương lớn cho cơ thể. Khi đi du học, Quý Tiện Lâm bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, và vì không quen với chế độ ăn uống ở nước ngoài nên tình trạng thể chất càng trở nên tồi tệ.
Sau khi du học 10 năm và trở về Trung Quốc, Quý Tiện Lâm đã có một khoảng thời gian vui vẻ. Không ngờ xã hội xảy ra nhiều biến động, ông lại bị giam cầm trong chuồng bò, sống quãng thời gian đen tối, khiến Quý Tiện Lâm vốn đã yếu ớt càng thêm khốn đốn.
Áp dụng “Ba không” để chống lại cơ thể yếu ớt
1. “Không tập luyện”
Không phải là lười biếng, buông xuôi tất cả, không phải cố tình tập thể dục cho có lệ. Thay vào đó, lấy “đủ” làm chuẩn, và căn cứ theo tình trạng thể chất của bản thân mà chọn cường độ và các bài tập phù hợp. Tập thể dục là để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, không phải để khoe khoang, không cần phải theo đuổi bất kỳ món đồ “thời thượng” nào, và không cần phải so sánh mình với người khác.
Ông Quý Tiện Lâm đi dạo nhàn nhã ngoài trời, cùng bạn bè du ngoạn núi sông, uống trà trò chuyện.
“Chỉ cần chân còn có thể đi, tay có thể nắm, miệng có thể nói, tôi đều cố gắng hoạt động”, ông Quý Tiện Lâm nói.
2. “Không kén ăn”
Có nghĩa là ăn đủ loại thực phẩm. Khi về già, việc tiêu hóa kém, răng yếu là điều khó tránh khỏi, nhưng đừng vì điều này mà chỉ ăn những món yêu thích, mềm nhão. Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, “không ăn được nhiều thì ăn ít, ăn không nổi thì tìm cách chế biến rồi lại ăn”.
Ông Quý Tiện Lâm cũng rất phản đối việc các chuyên gia sức khỏe kê thức ăn công thức cho người già, đương nhiên cũng phải kiêng kị những thực phẩm bất lợi cho tình trạng sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là những ai đang mang bệnh. Ông cho rằng dinh dưỡng cân bằng là quan trọng nhất. Chỉ khi ăn đủ chất, bạn mới có thể có dinh dưỡng toàn diện hơn.
3. “Không lải nhải”
Không có nghĩa là không nói chuyện, mà chính là “không nhai lại chuyện cũ, không nhắc lại vấn đề nhiều lần, biết buông bỏ quá khứ”.
Thời gian sẽ xoa dịu mọi thứ, và quá khứ có thể trôi qua hay không phụ thuộc vào việc bạn có tiếp tục nói về chúng hay không. Chuyện gì đến cũng phải đến, chuyện gì nên đi thì cho đi, thuận theo tự nhiên là tốt nhất.
Chính bởi vì ông Quý Tiện Lâm có thể đối mặt với những khó khăn của cuộc sống bằng một tâm hồn thanh thản và duy trì sức khỏe bằng cách của riêng mình, nên ông mới lạc quan sống thọ bất chấp biến cố trong quá khứ.
Theo Trung Hạ
Bài viết bạn có thể quan tâm
1. Bí quyết sống lâu trăm tuổi – Gs. Tề Quốc Lực